Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến, sau 2 năm thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tích cực, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ và đạt một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Theo đó, sau 2 năm thực hiện 3 trụ cột chính về chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), đến nay 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến huyện, 80% cán bộ cấp xã đã được trang bị máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng internet băng thông rộng; 100% thủ tục hành chính (đủ điều kiện) thuộc thẩm quyền giải quyết cấp tỉnh, huyện, xã đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên môi trường… cũng tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành, phục vụ tốt hơn cho người dân và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số đang được tỉnh quan tâm đẩy mạnh với nhiều giải pháp. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số, hơn 90% doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp có website sử dụng tên miền .vn đạt 30%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 61%. Hiện toàn tỉnh đã thành lập 9 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, 151 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã và 450 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp khu phố, ấp với hơn 4.500 thành viên tham gia. Đây là lực lượng ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh, huyện đến khu phố, ấp, tổ nhân dân tự quản của các xã, phường, thị trấn.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Bến Tre, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã dần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số; bắt đầu có ý thức trách nhiệm và mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm công nghệ mới và đang bắt đầu được thừa hưởng những giá trị từ chuyển đổi số.
Doanh nghiệp, người dân dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với các hoạt động như giao dịch điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19; sử dụng thẻ bảo hiểm y tế điện tử…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến cho hay, thời gian tới, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ giải pháp gồm cơ chế, chính sách về đầu tư và huy động các nguồn lực; xây dựng chính quyền số; kinh tế số và xã hội số. Cụ thể, tỉnh Bến Tre xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh.
Ngoài ra, Bến Tre tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của các ngành, các cấp; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hệ thống chính trị và nhân dân để tham gia thực hiện. Địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn, các loại cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh, tổ chuyển đổi số cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh…
Công Trí
Tags