(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 7, Siêu quậy lên chùa bất ngờ xuất hiện ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Sự lạ, vì đây là phim video duy nhất ra rạp vào thời điểm này cũng là phim thiếu nhi "nội" duy nhất có mặt tại rạp.
Để được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia không dễ, hoặc là phim có khả năng thu lời cao, hoặc là phim nhà nước vì Trung tâm này trực thuộc quản lý của Bộ VH,TT&DL.
“Siêu quậy” trụ rạp
Siêu quậy lên chùa thuộc trường hợp thứ hai, phim do nhà nước đặt hàng, và là phim nhà nước hiếm hoi gần đây được quyết định cho phát hành thương mại. Tuy nhiên, dù là "người nhà" vẫn phải theo quy định nếu sau 3 ngày không có khách, phim sẽ ra khỏi rạp.
Đạo diễn Trần Trung Dũng hồ hởi cho biết: "Phim được ra rạp đã là bất ngờ lớn với đoàn làm phim, tôi cũng không ngờ phim đã trụ được 10 ngày. Sau hôm công chiếu, nhiều phụ huynh đã gọi cho tôi để đặt vé tập thể. Hôm 9/7, đã có phụ huynh học sinh trường Giảng Võ bao trọn cả phòng chiếu. Hôm 10/7 liên lạc với Trung tâm được biết là khán giả đến xem suất buổi sáng còn đông hơn cả Doraemon. Trung tâm nói bộ phim sẽ trụ rạp đến hết ngày 16/7".
Còn nhớ năm 2014, Sống cùng lịch sử - bộ phim điện ảnh được nhà nước đầu tư kinh phí tới 21 tỷ đồng đã được đạo diễn Thanh Vân thử đưa ra rạp, nhưng không trụ nổi 3 ngày tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Tại rạp nhỏ Kim Đồng bộ phim này không bán nổi một vé. Trong khi đó một phim kinh phí thấp (400 triệu đồng) như Siêu quậy lên chùa, gần như không đầu tư quảng bá, đã trụ rạp 10 ngày.
Thị trường “khát” phim thiếu nhi
Lý do gì một bộ phim video lạc lõng như Siêu quậy lên chùa trụ được rạp? Trước hết đề tài của bộ phim, đề cập đến phong trào khá “nóng” thời gian gần đây như học kỳ tại thiền viện, học kỳ quân đội dành cho thanh thiếu niên.
Phim cũng đặt ra vấn đề rất gần gũi với các gia đình Việt Nam hiện nay, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Câu chuyện được kể khá mộc mạc, hài hước và gần gũi với khán giả Việt Nam.
Mặt khác, đây là bộ phim thiếu nhi nội địa duy nhất có mặt ở rạp tại thời điểm này. Sự quan tâm của khán giả Hà Nội đã phản ánh nhu cầu có thực, họ đang rất “khát” các sản phẩm văn hóa nội địa dành cho thiếu nhi. Ít nhiều Siêu quậy lên chùa rất gần gũi với đời sống người miền Bắc.
Hiện nay ngoài rạp tràn lan phim ngoại, phim Việt chỉ là chấm phá và “bói” cũng không ra phim nội dành cho trẻ em, gần đây nhất có Bảo mẫu siêu quậy. Cho nên các gia đình ở các đô thị lớn đang phải dùng hàng “ngoại” là chủ yếu. Phim thiếu nhi hiện được xem là một khoảng trống mênh mông.
"Thứ Hai, sáng Frozen, chiều Brave, tối Cinderella. Thứ Ba, sáng Chipmunks, chiều Ice Age, tối Madagascar"... Đây là thời gian biểu nghỉ Hè của con gái phụ huynh Ngô Ngọc Phương (Hà Nội) đã post lên Facebook. Rất nhiều gia đình tại các đô thị lớn cũng lựa chọn giống như gia đình anh Phương.
Ngoài việc nguồn tiền của người Việt đang chảy vào túi những hãng phim nước ngoài, còn là một nguy cơ hiển hiện, khi lớp trẻ Việt Nam đang được nuôi lớn bằng văn hóa… ngoại.
Có một thực tế rất đáng buồn là hãng phim chuyên sản xuất cho đối tượng thiếu nhi là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam hiện nay đang thua trên chính sân nhà. Phim của hãng không thể chen chân vào đài truyền hình vì sóng bây giờ là “vàng”, ra rạp càng khó.
Hãng này sở hữu một rạp riêng là rạp Thánh Gióng (Hà Nội) nhưng chính sách quảng bá không tốt, nên rạp hoạt động rất cầm chừng. Các hợp đồng chiếu phim cho trường học tại rạp vào các ngày cuối tuần chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mới đây hãng này đã quyết định mở chương trình chiếu miễn phí 100 phim trong vòng 9 tháng trên trang web http://www.phimhoathinhvietnam.com.
Năm nay, sẽ có thêm một bộ phim dành cho trẻ em ra rạp : phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Cục Điện ảnh (tài trợ chính thức) kết hợp với công ty Galaxy M&E, Saigon Concert và Phương Nam Phim sản xuất. |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags