Do thời tiết lạnh bất thường vào tháng 3, mùa hoa anh đào ở Hàn Quốc đã nở muộn hơn so với dự kiến khiến nhiều địa phương phải lùi thời gian tổ chức lễ hội hoa anh đào vốn được xem là biểu tượng của mùa Xuân nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, lễ hội Jinhae Gunhangje - lễ hội hoa anh đào lớn nhất nước này - được tổ chức tại thành phố cảng Changwon, phía Nam tỉnh Gyeongsang Nam, đã khai mạc ngày 23/3. Tuy nhiên, tính đến ngày 24/3, tỷ lệ hoa anh đào nở tại thành phố chỉ ở mức 15%, giai đoạn nở rộ dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần tới.
Một sự kiện hoa anh đào lớn khác - Lễ hội hoa anh đào trên đảo nghỉ dưỡng Jeju, nơi thường tổ chức lễ hội hoa mùa Xuân nở sớm nhất Hàn Quốc, cũng gặp phải tình huống tương tự trong năm nay khi sự kiện bắt đầu vào ngày 22/3 mà không có hoa nở rộ. Cục Khí tượng Hàn Quốc chi nhánh Jeju cho biết hoa nở muộn hơn so với năm ngoái, dự kiến hoa nở rộ trên đảo Jeju vào khoảng cuối tháng 3.
Thành phố cảng phía Nam Ulsan cũng bắt đầu lễ hội hoa anh đào mà không có hoa nở vào ngày 23/3, bất chấp thời tiết ấm áp khoảng 23 độ C. Chính quyền địa phương dự báo hoa sẽ chỉ nở vào khoảng cuối tuần sau khi lễ hội gần kết thúc.
Quận Yeongdeungpo ở thủ đô Seoul, nơi có con đường hoa anh đào nổi tiếng Yeouido, có kế hoạch chào đón du khách từ ngày 30/3 cho đến ngày 2/4, nhưng hoa anh đào dự kiến chỉ nở vào khoảng sau ngày 3/4.
Năm nay, chính quyền nhiều địa phương ở Hàn Quốc dự kiến sẽ tổ chức lễ hội hoa anh đào sớm hơn mọi năm để ứng phó với tình trạng hoa nở sớm bất thường giống như năm ngoái do nhiệt độ ấm lên. Thậm chí một tháng trước, nhiều chuyên gia thời tiết còn dự đoán hoa sẽ nở sớm hơn bình thường do nhiệt độ cao bất thường được ghi nhận vào mùa Đông năm ngoái. Nhiệt độ trung bình tháng trước của cả nước là 4,1 độ C, được ghi nhận là cao nhất vào tháng 2 kể từ năm 1973. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi đột ngột vào tháng 3, với nhiệt độ dưới 0 độ C bất thường và lượng mưa thấp hơn, không tạo điều kiện cần và đủ để hoa Xuân nở rộ.
Nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, chính quyền thành phố Cheonan ở tỉnh Chungcheong Nam đã lùi lễ hội hoa anh đào muộn hơn một tuần so với dự kiến ban đầu để diễn ra vào thời điểm hoa nở rộ. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 6-7/4, thay vì ngày 30-31/3. Ban tổ chức lễ hội hoa anh đào Cheonan cho biết vào khoảng thời gian này hàng năm, hoa anh đào ở Cheonam đã nở rộ, trải dài 15 km. Tuy nhiên, năm nay do nhiệt độ thay đổi bất thường nên thành phố không dự đoán được thời điểm hoa nở.
Tại Nhật Bản, từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, nước này cũng sẽ bắt đầu bước vào "Mùa du lịch Xuân" khi hoa anh đào bắt đầu khoe sắc. Đây cũng là "giai đoạn vàng" đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn ở "đất nước Mặt Trời mọc" và cũng không quá khó hiểu khi giá thuê phòng khách sạn đang ở mức cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, khoảng thời gian này cũng trùng với đợt nghỉ Xuân của trẻ em nên không chỉ du khách quốc tế tìm đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của những cánh hoa anh đào mà dự kiến sẽ có một lượng lớn khách du lịch trong nước di chuyển qua các địa phương để trải nghiệm những vẻ đẹp đặc trưng của hoa anh đào trên từng vùng miền.
Đại diện một chủ khách sạn lớn tại Tokyo cho biết, giá phòng khách sạn tại Tokyo và Kyoto vào thời điểm mùa hoa anh đào đã tăng khoảng 50% so với năm ngoái. Giá phòng khách sạn ở trung tâm thủ đô Tokyo ở mức khá cao như chuỗi khách sạn Okura Tokyo là 118.000 yen/đêm (khoảng 780 USD), không bao gồm ăn sáng cho phòng 48 m2, chuỗi khách sạn Park Hyatt Tokyo có giá 198.000 yen/đêm (khoảng 1.300 USD), không bao gồm ăn sáng cho phòng 55 m2…
Một số chuyên gia dự báo, không chỉ trong đợt cao điểm du lịch mà giá thuê phòng khách sạn trung bình trong cả năm nay tại Nhật Bản sẽ cao hơn khoảng 20-35% so với năm ngoái. Có ba lý do để lý giải hiện tượng này, thứ nhất là sự gia tăng nhanh chóng của lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản sau khi các biện pháp hạn chế nhập cảnh được xóa bỏ hoàn toàn từ tháng 10/2022. Thứ hai là khách sạn cộng chi phí phát sinh vào giá phòng. Trong đại dịch COVID-19, nhiều khách sạn đã cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động nhưng sau khi hồi phục, số lượng khách tăng đột biến đã khiến cho tình trạng thiếu nhân lực khá trầm trọng. Do đó, các khách sạn tại Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện điều kiện đãi ngộ cho nhân viên mới ra trường như tăng lương khởi điểm để thu hút nhân lực.
Chi phí tăng lương cùng với các chi phí tiện ích khác như công dọn phòng, giá nguyên vật liệu tăng… đều được đa số các khách sạn lựa chọn phương án cộng vào giá phòng. Thứ ba là điều chỉnh chiến lược kinh doanh không chạy theo tỷ lệ lấp đầy. Nếu như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều khách sạn tại Nhật Bản nỗ lực gia tăng tỷ lệ lấp đầy khách sạn thì hiện tại, xu hướng chú trọng nhiều hơn đến việc duy trì giá phòng ở mức cao kèm theo cải thiện chất lượng dịch vụ.
Việc giá phòng duy trì ở mức cao sau giai đoạn cao điểm du lịch có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ cạnh tranh của các khách sạn trong nước. Theo Giáo sư Junichiro Tokue thuộc Khoa Du lịch Quốc tế, Đại học Tokyo, nếu giá phòng tiếp tục tăng, có thể người tiêu dùng trong nước sẽ chuyển hướng lựa chọn các sản phẩm thay thế khác như đi các công viên giải trí, đi picnic cùng gia đình hoặc phim ảnh… Trên thực tế, phần lớn sự tăng giá phòng khách sạn vào mùa hoa anh đào chủ yếu do yếu tố cung-cầu trên thị trường chứ không phải sự gia tăng giá trị trải nghiệm. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh nghỉ dưỡng nếu tiếp tục giữ giá phòng khách sạn cao đòi hỏi phải cải thiện sự hài lòng của khách hàng bằng cách giảm giá cho thành viên và nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Tags