Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc

Thứ Năm, 14/12/2023 13:47 GMT+7

Google News

Di tích khảo cổ học Mán Bạc (nằm ở làng Bồ Bát xưa, nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là một trong những di tích khảo cổ học có giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng. Xác định vai trò trong trọng của di tích khảo cổ này, tỉnh Ninh Bình dành sự quan tâm đặc biệt cho việc nghiên cứu; đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, góp phần bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc.

Giá trị lịch sử to lớn

Ninh Bình là một không gian văn hóa đặc biệt, nằm ở vị trí kết nối văn hóa Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong suốt chiều dài lịch sử, Ninh Bình đóng vai trò cầu nối, nơi hợp lưu của nhiều dòng văn hóa, mạch nguồn của một không gian văn hóa đặc thù. Từ thời sơ sử, tính hội tụ văn hóa của Ninh Bình được thể hiện ở di tích Mán Bạc. Đây là cộng đồng cư dân quan trọng hợp thành nền văn hóa cổ trên miền Bắc Việt Nam.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, di tích khảo cổ Mán Bạc được các nhà khoa học trong nước và quốc tế khai quật 5 lần vào các năm 1999, 2001, 2004 - 2005, 2005 và năm 2007. Kết quả khai quật cho thấy, di tích chứa đựng khối lượng tư liệu đồ sộ về đồ đá, đồ gốm, di tích động, thực vật, đặc biệt là di tích mộ táng thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm cách ngày nay. Đây là những bằng chứng khoa học lịch sử quan trọng để phác thảo về diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân Mán Bạc nói riêng, người Việt cổ nói chung thời kỳ tiền Đông Sơn.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc - Ảnh 1.

Khu vực di tích khảo cổ học Mán Bạc ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Các nghiên cứu khảo cổ học được công bố tại hồ sơ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và nghiên cứu gần đây ghi nhận, Ninh Bình là nơi phát hiện được những mảnh gốm thời tiền sử cách ngày nay khoảng 8.000 - 9.000 năm, là mảnh gốm có niên đại sớm nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Di tích khảo cổ Mán Bạc được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2017. Sau khi kết thúc quá trình khai quật (năm 2007), di tích được lấp bảo quản, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng từ đó đến nay, chưa có điều kiện để xây dựng thành điểm tham quan, nghiên cứu, học tập. Hiện vật thu được từ các đợt khai quật đang lưu giữ, trưng bày phục vụ công tác tham quan, giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Ninh Bình trong điều kiện bảo quản còn nhiều khó khăn.

Ông Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Ninh Bình cho biết, di tích Mán Bạc ở Yên Thành, Yên Mô ngoài giá trị khảo cổ học về sự xuất hiện của người Việt Cổ còn có sự xuất hiện của gốm sứ mà sau này gọi là gốm Bồ Bát. Tại đây, cư dân cổ Ninh Bình tạo dựng một nền văn hóa đồ gốm rực rỡ, trở thành một bộ phận quan trọng của đỉnh cao gốm tiền sơ sử ở miền Bắc Việt Nam.

Những đồ gốm Mán Bạc không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống vật chất mà còn thể hiện sâu đậm trong đời sống tinh thần của con người. Hoa văn trên đồ gốm Mán Bạc cho thấy nhận thức của con người về thế giới tự nhiên. Riêng đồ gốm trong các ngôi mộ táng cho thấy quan niệm về thế giới sau khi chết của con người nơi đây… Đồ gốm cổ Mán Bạc trở thành một trong những di sản đặc trưng của Ninh Bình, ở nó vừa mang giá trị lịch sử vừa hàm chứa giá trị văn hóa đặc sắc. Đây là di tích rất quý cần bảo tồn và phát huy để con cháu tự hào vì đã có nghề gốm từ lâu đời. Nhà nước nên đầu tư xứng tầm cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích và phát triển nghề gốm cổ, làm đòn bẩy cho sự phát triển làng nghề gốm.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Các cấp, ngành tỉnh Ninh Bình, cộng đồng dân cư quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát.

Di tích khảo cổ Mán Bạc thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; được UBND tỉnh Ninh Bình xếp hạng là Di tích khảo cổ học cấp tỉnh, định hướng xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia, được khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ Mán Bạc - Ảnh 2.

Các hiện vật được khai quật tại di tích khảo cổ học Mán Bạc, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành (Yên Mô, Ninh Bình) đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Theo bà Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, tháng 11/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học Mán Bạc và nghề gốm Bồ Bát" nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khảo cổ học để có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Mán Bạc cổ, vai trò của Mán Bạc trong dòng chảy lịch sử dân tộc, mối liên hệ mật thiết với cư dân khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng lân cận, tạo cơ sở khoa học thực hiện tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa vùng đất Yên Mô, Ninh Bình.

Đề án nhằm tăng cường nghiên cứu về nghề và làng nghề gốm ở Ninh Bình từ truyền thống đến hiện đại, làm cơ sở thực hiện biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghề, làng nghề gốm, đồng thời đề xuất phương án xây dựng trung tâm văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ gốm, tạo cơ hội giao lưu, thúc đẩy phát triển nghề, làng nghề gốm trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đề án hướng đến nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất, bồi dưỡng niềm tự hào, tình yêu quê hương, cổ vũ tinh thần, ý thức tự giác, tự nguyện của nhân dân trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện, đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.

Ngành Văn hóa tỉnh tiếp tục phối hợp cùng các cấp, ngành tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, nhất là chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Mán Bạc và nghề gốm cổ Bồ Bát; từng bước ngăn chặn và giải quyết dứt điểm hoạt động xâm hại di tích; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản, phát huy giá trị gắn với phát triển kinh tế, du lịch.

Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức trao đổi, nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa; quảng bá hình ảnh, tiếp thu công nghệ, kiến thức, kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học, khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống; triển khai hoạt động thương mại, dịch vụ, thu hút khách du lịch. Ngành xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa đạt chuẩn nhằm phục vụ các nhiệm vụ thiết kế trưng bày bảo tàng, phát triển sản phẩm gốm sứ thương mại, quảng bá giá trị lịch sử văn hóa thương mại, giáo dục công chúng; huy động nguồn lực xã hội, thu hút doanh nghiệp gốm sứ, làng nghề gốm truyền thống trên cả nước khôi phục nghề sản xuất gốm cổ truyền.

Hải Yến/TTXVN

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›