Bạo loạn do phân biệt chủng tộc ở thành phố Ferguson, 2 cảnh sát bị bắn

Thứ Năm, 12/03/2015 18:17 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 12/3 (theo giờ Việt Nam), cuộc biểu tình phản đối lực lượng thực thi pháp luật tại thành phố Ferguson, bang Missouri, Mỹ, đã biến thành bạo loạn đường phố. Thông tin ban đầu cho biết hai cảnh sát đã bị bắn tại hiện trường.

Truyền thông địa phương cho biết Trung tá Al Eickhoff của Sở Cảnh sát Ferguson từ chối khẳng định thông tin trên. Tuy nhiên, các nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng thét thông báo có hai cảnh sát bị bắn khi hàng chục người biểu tình tập trung trước cửa sở cảnh sát thành phố.

Cuộc biểu tình diễn ra chỉ ít giờ sau khi cảnh sát trưởng Ferguson, ông Thomas Jackson, thông báo từ chức. Ông Jackson từng là tâm điểm của sự chỉ trích sau vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson, người đã cố tình bắn chết thanh niên da đen không có vũ khí Michael Brown khi đối tượng này được cho đã giơ tay hàng hồi tháng 9 năm ngoái. Những người biểu tình cũng đã nhiều lần yêu cầu ông Jackson từ chức.

Anh ninh được thắt chặt bên ngoài sở Cảnh sát Ferguson. Ảnh: AP

Thành phố Ferguson, ngoại ô hạt St.Louis, bang Missouri, từng là tâm điểm của những vụ biểu tình bạo loạn phản đối vụ cảnh sát da trắng Wilson bắt chết thanh niên da màu Brown. Làn sóng này sau đó làn rộng trên nhiều thành phố lớn của Mỹ. Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn của bang Missouri hồi tháng 11/2014 đã kết luận rằng cảnh sát Darren Wilson không có tội trong cái chết của Brown.

Quyết định này của tòa án một lần nữa châm ngòi cho các cuộc biểu tình trong cộng đồng người da đen ở Ferguson và trên khắp nước Mỹ. Hồi đầu tháng Ba vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ còn công bố báo cáo, trong đó kết luận rằng nhân viên Sở Cảnh sát Ferguson thường xuyên vi phạm các quyền Hiến định của công dân da đen bằng cách dùng vũ lực thái quá và bắt bớ vô cớ.

Cảnh sát chống bạo loạn bên ngoài sở cảnh sát Ferguson. Ảnh: RT

Trước đó, ngày 11/3, ông Thomas Jackson đã thông báo từ chức, sau khi Bộ Tư pháp Mỹ có kết luận điều tra cho rằng Sở cảnh sát tại đây thường xuyên có các hành vi phân biệt đối xử với người da đen.

Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, ông Jackson cho rằng đã đến lúc thành phố Ferguson phải tiếp tục tiến lên. Ông cũng cho biết thêm người tạm thời tiếp quản vị trí của ông sẽ được chỉ định. Quyết định từ chức của ông Jackson sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 19/3 tới để ông có thời gian bàn giao nhiệm vụ của mình cho người kế nhiệm.

Ông Thomas Jackson là một trong những quan chức "đình đám" tại Ferguson quyết định rời nhiệm sở sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo về hành vi phân biệt đối xử, khiến dư luận bức xúc. Trước đó, Thẩm phán Ferguson, ông Ronald Brokmeyer và quan chức quản trị của thành phố, ông John Saw, cùng một số nhân viên của Sở cảnh sát và Tòa án thành phố Ferguson cũng có quyết định tương tự sau khi báo cáo trên được công bố. Bản báo cáo này có liên quan đến vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson, người đã cố tình bắn chết thanh niên da đen không có vũ khí Michael Brown hồi tháng 9 năm ngoái, khi đối tượng này được cho là đã giơ tay hàng.

Việc ông Thomas Jackson từ chức không gây bất ngờ bởi viên cảnh sát trưởng này từng bị cho là cố tình phớt lờ tình trạng phân biệt chủng tộc gia tăng ở Ferguson, nơi có tới 75% là người Mỹ gốc Phi. Nhiều vụ biểu tình diễn ra yêu cầu ông từ chức sau vụ sát hại thanh niên da màu Brown. Thậm chí ông còn bị chỉ trích nặng nề khi trì hoãn việc công bố danh tính viên cảnh sát bắn chết thanh niên da màu này. Những quyết định được cho là "thiếu trách nhiệm" của ông Thomas Jackson đã kéo theo làn sóng phẫn nộ và loạt biểu tình dữ dội tại Ferguson.

Cảnh sát bắt giữ 1 người biểu tình bên ngoài sở cảnh sát Ferguson. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo công bố ngày 4/3, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định nhân viên Sở cảnh sát Ferguson thường xuyên vi phạm các quyền Hiến định của công dân da đen bằng cách dùng vũ lực thái quá và bắt bớ vô cớ. Theo bản báo cáo, tuy người da đen chỉ chiếm 67% cư dân Ferguson nhưng lại có tới 93% các vụ bắt bớ có liên quan đến những người này. Tỷ lệ này trong các vụ kiểm tra giao thông thường lệ là 85% và vé phạt vi phạm luật lệ giao thông là 90%. Trước kết luận điều tra này, nhiều ý kiến cho rằng Sở cảnh sát Ferguson phải giải tán. Tuy nhiên, Thị trưởng thành phố Ferguson, James Knowle đã bác bỏ ý kiến trên, khẳng định sẽ xem lại bản báo cáo và sớm tìm ra thiếu sót của lực lượng cảnh sát.

P.V - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›