Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan Dương (ngày mùng 5/5 âm lịch) là một trong những ngày Tết truyền thống tại một số nước Đông Á như Việt Nam, Triều Tiên và Trung Quốc…
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi là bằng cái tên dân dã hơn là Tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau thực hiện những tập tục đã có từ lâu đời với mong muốn sung túc, bình an.
* Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h và ăn Tết Đoan Ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan Ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Theo triết lý y học Đông Phương, hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên đến tột bậc.
Theo dân gian, ngày Đoan Ngọ là ngày người dân cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng quang đãng. Hơn nữa, giữa lúc chuyển trời sang mùa hè oi bức, người dễ mắc bệnh, người Việt còn có nhiều tục lệ như ăn quả chua, rượu nếp, bánh gio ngay từ khi thức dậy để diệt trừ sâu bọ. Vì vậy, có nơi còn gọi ngày này là Tết diệt sâu bọ.
Tết Đoan Ngọ của Việt Nam xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, một năm nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ kéo đến, ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch. Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cách cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh gio, trái cây. Nhân dân làm theo, chỉ một lúc sau đó, sâu bọ bay đi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì ta đã dặn sẽ trị được chúng. Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất.
Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt cho ngày này là ngày “Tết diệt sâu bọ”, có người gọi là “Tết Đoan Ngọ”, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (từ 11 giờ-13 giờ).
* Lễ bái trong ngày Tết Đoan Ngọ
Cũng như các tết khác, người dân ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.
Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Cúng xong thì ăn. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
* Những phong tục đẹp trong ngày Tết Đoan Ngọ 5/5 Âm lịch
- Khảo cây vào giờ Ngọ
Đúng 12 giờ trưa vào ngày Tết Đoan Ngọ, ở nhiều địa phương sẽ thực hiện tập tục khảo cây hay còn gọi là đánh cây. Những cây bị khảo thường là những loại cây ăn quả ít ra quả hoặc bị sâu bệnh. Nghi thức khảo cây sẽ có 2 người: Một người sẽ trèo lên cây đóng vai cây, người còn lại ở dưới, cầm dao, gõ vào gốc cây và bắt đầu đưa ra các câu vấn đáp để người ở trên trả lời, các câu hỏi như: Tại sao năm nay cây cối không đơm hoa, kết trái? Mùa cây sau quả có ra nhiều không?...
Theo quan điểm xưa, nếu thực hiện điều này và kèm theo ước muốn sung túc, đầy đủ thì sẽ được theo ý nguyện.
- Hái lá thuốc
Vào 12 giờ trưa, ở nhiều vùng thôn quê, người dân sẽ rủ nhau đi hái lá thuốc. Theo quan niệm của người xưa truyền rằng, 12 giờ trưa là thời khắc dương khí tốt nhất vì mặt trời sẽ tỏa ra ánh nắng tốt nhất trong năm, do đó các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh tốt nhất.
Các loại cây được hái thường là các loại cây cỏ có tác dụng chữa bệnh như các bệnh ngoài da hay các bệnh đường ruột. Sau khi hái về, người dân sẽ đun nước tắm hoặc xông hơi để phòng hoặc trị bệnh.
- Tắm nước lá mùi
Cây mùi là một loại cây lá nhỏ và có mùi thơm. Theo tục truyền, lấy cây mùi đun nước tắm trong ngày này sẽ tránh được gió máy, cảm mạo, trừ độc, mang lại sức khỏe tốt.
- Ăn trái cây giết sâu bọ
Vào ngày này, nhiều người tin rằng việc ăn một số loại trái cây có vị chua như: mận, cam, bưởi, xoài... có thể loại trừ được sâu bọ, mầm bệnh trong hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc ăn trái cây đầu mùa cũng thể hiện được mong muốn một cuộc sống đầy đủ, cây cối đơm hoa, kết trái.
- Ăn cơm rượu nếp
Vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, nhiều gia đình sẽ quây quần sum họp với nhau và cùng ăn cơm rượu nếp cẩm. Cơm rượu nếp cẩm là cơm từ gạo nếp cẩm được nấu lên men cùng với rượu. Đây là món ăn có vị ngọt và chữa được nhiều bệnh như suy nhược cơ thể, làm giảm cơn khát, trị chứng ra mồ hôi trộm. Phong tục này đã có từ lâu đời nhằm thể hiện mong muốn đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể, mang lại sức khỏe dồi dào và tươi trẻ.
- Ăn bánh gio
Bánh gio cũng là một món ăn đặc trưng và không thể bỏ qua trong ngày Tết Đoan Ngọ. Bánh gio dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với đường hoặc mật. Bánh được gói lại thành từng chùm, một chùm thường từ 7-10 cái và cho vào nồi luộc. Cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ, nhiều gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên nhau, ăn bánh và cùng nhau trò chuyện.
- Tết Đoan Ngọ: Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền có gì khác biệt?
- Tết Đoan Ngọ của người Việt Nam không giống Trung Quốc như 1 số người lầm tưởng
- Ăn thịt vịt
Theo Đông y, thịt vịt có tính mát và có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Vì thế người Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc nhiều gia đình còn giữ phong tục ăn thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ để bồi bổ và thanh lọc cơ thể.
Ngày nay, dù xã hội phát triển, vận động, có thể nhiều gia đình cho rằng, để diệt sâu bọ hay dịch bệnh phải bằng những cách khác mới hiệu quả. Tuy nhiên, bản chất sự hình thành những phong tục văn hóa là hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trọng quan hệ và trọng tình cảm của người Việt Nam.
Diệp Ninh (tổng hợp)/TTXVN
Tags