(Thethaovanhoa.vn) - Giữa tháng 9, quyết định cắt gần 700 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương được đánh giá là “có tính lịch sử” nhằm cải cách môi trường kinh doanh và rộng cửa cho nhà đầu tư. Thế nhưng để kinh tế Việt Nam thực sự "cất cánh", cần có những cải cách thể chế vượt trội. Một trong những cú hích được kỳ vọng nhiều đó là việc thành lập các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Năng động mở cửa, hứa hẹn bùng nổ
Việt Nam hiện đã có 18 khu kinh tế cùng 325 khu công nghiệp với các chính sách ưu đãi đa dạng khác nhau. Tuy vậy, sau gần 30 năm phát triển, các mô hình này đã trở nên kém linh hoạt. Cơ chế, chính sách ưu đãi cũng chưa đủ mạnh mẽ để cạnh tranh với quốc tế. Trong khi đó, nền kinh tế đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư cũng đang mất dần tính hấp dẫn.
Sau năm năm đặt lên bàn nghị sự, từ chủ trương của Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu xây dựng các đề án thành lập đặc khu; đến bốn lần họp bàn, thảo luận từ Chính phủ, đến thời điểm này đề án về ba đặc khu kinh tế đã được hoàn thành. Điều đáng kể nhất, nói như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, “nếu không có cơ chế, chính sách khuyến khích vượt trội, mô hình đặc khu kinh tế (SEZ) khó có khả năng cạnh tranh để thu hút đầu tư”.
Vậy những thể chế vượt trội đó là gì? Điều đầu tiên có thể thấy là mô hình tổ chức chính quyền sẽ cải cách theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt. Đứng đầu bộ máy hành chính sẽ là trưởng đặc khu – người được Thủ tướng bổ nhiệm, với quyền tự chủ cao.
Cùng với sự năng động của bộ máy hành chính, các SEZ cũng sẽ là khu vực đầu tiên áp dụng những đổi mới kinh tế chưa từng có tại các khu vực khác. Chẳng hạn, các doanh nghiệp, sẽ được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Ba đặc khu này cũng có thể có những thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng, các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế; tự do hóa luồng vốn. Các đặc khu được phép sử dụng một số đồng tiền tự do chuyển đổi; thành lập trung tâm tài chính riêng… Sẽ có những dự án được thuê đất không quá 99 năm; thời gian miễn, giảm tiền thuê và áp dụng mức giá thuê đất và mặt nước ưu đãi hơn quy định của pháp luật về đất đai hiện hành.
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, dự thảo Luật cho phép các tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài. Người nước ngoài cũng được sở hữu nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng tại đặc khu gắn với một số điều kiện. Đặc khu cũng sẽ áp dụng các chính sách mở cửa thị trường, như mở cửa lĩnh vực phân phối cho một số sản phẩm chưa được quy định trong WTO và một số hiệp định thương mại tự do. Khi thể chế cho các đặc khu được hoàn thiện và đi vào thực tiễn, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ là các sân chơi mang tính toàn cầu ngay tại Việt Nam, tạo ra làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Thu hút dòng tiền tỉ đô
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sau giai đoạn 2020, các đặc khu sẽ đóng góp về thu ngân sách, tăng trưởng GDP cũng như thu nhập bình quân đầu người vượt trội so với hiện tại.
Ước tính tại đặc khu Vân Đồn, Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỉ USD từ thuế và phí; 2,1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu này cũng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn của Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030 khi các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỉ USD trong giai đoạn 2021-2030. Một tín hiệu khả quan nữa là thu nhập bình quân đầu người ở SEZ này sẽ tăng lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.
Tương tự, tại Bắc Vân Phong, Nhà nước có khả năng thu được khoảng 1,2 tỉ USD từ thuế, phí và 1 tỉ USD từ các nguồn thu từ đất. Cùng với đó, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người cũng đạt khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.
Tiềm năng mà đặc khu Phú Quốc mang lại cũng rất hấp dẫn. Ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2030; mức thu nhập bình quân đầu người được nâng lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.
Đó là chưa kể đến những cơ hội việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể như tới năm 2030, Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm; Bắc Vân Phong tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm. Còn Phú Quốc tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.
Vân Đồn: Đi sau sẽ mau khác biệt
Trong 3 đặc khu tương lai, Phú Quốc đang trên đà đi trước; Vân Phong "ẩn số" nhưng sẵn tiềm năng, Vân Đồn vẫn chưa thoát hết dáng dấp làng chài, dù đây là địa danh sớm xuất hiện trong lịch sử về sự thuận tiện của giao thương, buôn bán với cảng biển.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đồng thời là một trong những thế hệ lãnh đạo đầu tiên gắn bó với đề án xây dựng Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế đã tự tin khẳng định: Dù đi sau một bước nhưng Vân Đồn lại có lợi thế hơn Phú Quốc. Ở Phú Quốc, hàng hóa, vật liệu xây dựng, du khách đều không thể vận chuyển được bằng đường bộ. Nếu có cơ chế thông thoáng và thuận lợi, Vân Đồn sẽ phát triển chẳng kém gì đảo Ngọc phương Nam. Đặc khu Vân Đồn tương lai rất phù hợp phát triển các hoạt động vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nhằm phát huy hết lợi thế của sân bay quốc tế, đường cao tốc.
Trong lịch sử phát triển, hướng về phía biển luôn là tầm nhìn giúp các triều đại mở mang bờ cõi, tăng trưởng cường thịnh. Từ khi đổi mới, phát triển kinh tế biển tiếp tục là chiến lược đúng đắn đưa đất nước đi tới phồn vinh. Cú chớp mắt thần kỳ sau 40 năm đưa Thâm Quyến từ một làng chài thành đặc khu đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ là bài học thành công thiết thực nhất cho việc định hình và quyết tâm đi tới để tương lai kinh tế Việt Nam xác lập những thành tựu mới.
Phương Diệu