(Thethaovanhoa.vn) - Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người Việt Nam ta thường làm mâm cơm để cúng tổ tiên và cầu mong một mùa làm ăn mới thuận hòa, may mắn.
Cũng như các tết khác, người dân ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ. Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 của người Việt có các lễ vật
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước, rượu nếp
- Các loại hoa quả
- Bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp
- Xôi, chè
Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau. Tuy nhiên phải đảm bảo đủ các lễ vật chính như: Hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp.
Cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào?
Theo lời nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, trong quan niệm cổ truyền, dịp Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là lúc tiết trời oi ả. Đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối.
Ngày này, người dân thường chuẩn bị lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ vào sáng sớm. Tuy nhiên, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 13 giờ chiều. Do vậy, thời gian cúng Tết Đoan Ngọ chuẩn nhất là từ 11 giờ đến 13 giờ.
Chi tiết mâm cúng mùng 5 tháng 5 vùng miền
TS Trần Long giải thích, tết Đoan Ngọ là lễ hội dân gian không tập trung, tức là không được tổ chức tại đình, chùa mà rải rác đến từng gia đình. Mỗi gia đình tự chuẩn bị mâm cúng và tùy vùng miền mà mâm cúng này cũng khác nhau.
Trên mâm cúng của người miền Bắc thường có trái dưa hấu đỏ, miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên Huế thì không thể thiếu chè kê và thịt vịt. Sở dĩ lại là thịt vịt mà không phải các loại thịt heo, bò, gà là vì người Việt xưa tin rằng thịt vịt mát, ăn vào sẽ làm cơ thể mát cả năm.
- Văn khấn Tết Đoan Ngọ theo truyền thống người Việt Nam
- Hoàng thành Thăng Long: Triển lãm trực tuyến 'Tết Đoan Ngọ xưa và nay'
Từ Đà Nẵng vào đến Quảng Ngãi thì một số gia đình nấu xôi chè cúng lễ, nhà nào có trồng cây thì cho trẻ nhỏ vào tận vườn hái trái ăn. Mâm cúng của người miền Nam thì không thể thiếu bánh ú tro, chè trôi nước, xôi gấc… Sau khi cúng xong, cả nhà sẽ cùng quây quần ngồi ăn.
Ngoài ra, ở các địa phương ven sông, biển thì tục tắm trong dịp này được duy trì phổ biến. Trong ngày này, mọi người sẽ canh đúng giờ ngọ để đi tắm sông, biển. Nhiều người dân ở đồng bằng sông Cửu Long tin rằng sông nước Mê Kông trong ngày này rất linh thiêng, có thể giúp “tẩy rửa bệnh tật”.
Tương tự, nhiều người đi tắm biển lúc đúng 12 giờ trưa cũng tin rằng tắm biển vào giờ này sẽ giết chết sâu bọ trong người. Những đứa trẻ ở các vùng quê còn có thể được cha mẹ, ông bà tắm cho vào đúng giờ ngọ, dưới ánh nắng mặt trời để trừ sâu bọ trong cơ thể.
Theo TS Thơ, có thể thấy sự ra đời của phong tục tết Đoan Ngọ trước hết là để đáp ứng nhu cầu chống nóng bảo vệ sức khỏe. Tết Đoan Ngọ là một phong tục “dĩ hàn khứ nhiệt” (dùng tính lạnh để khử tính nóng như ăn trái cây mát để giải nhiệt, tắm sông giải nhiệt…) mang tính chất tự phát gắn liền với văn hóa dân gian.
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang
Tết Đoan Ngọ, hay dân gian quen gọi là tết diệt sâu bọ, tết nửa năm... rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Vì sao lại như vậy?
Trong các bộ môn Lý học Đông phương cổ, nền tảng chính là Hà Đồ và Lạc thư, và Hà Đồ phối hậu thiên Lạc Việt.
Theo đó, tháng 3 là tháng Thìn - Rồng biểu tượng của Vương quyền chính là tháng thứ 5 kể từ tháng Tý (Tháng Tý là tháng 11 âm, sau đó tới tháng Chạp, Giêng, tháng hai). Đây là biểu tượng của 5 vòng tròn trắng ở trung tâm Hà Đồ thuộc Dương (Tháng có trước thuộc Dương). Ngày là con của tháng thuộc Âm, nên chọn ngày mùng 10. Đó đó chính là biểu tượng của 10 vòng tròn đen thuộc Âm trên Hà đồ. Cho nên ông cha ta chọn biểu tượng của ngày giỗ Tổ là mùng 10 tháng 3.
Ngày mùng 5 tháng 5 chính là biểu tượng của hai dãy mỗi dẫy 5 vòng tròn đen ở trung tâm Hà Đồ. Tháng 5 là tháng Ngọ (Đoan là bắt đầu nên có tên là Đoan Ngọ) và tiết khí là Hạ Chí, nhưng là ngày cực âm khi vạn vật quay về Thổ trung cung - đó chính là số 5. Vậy nên, đây chính là ngày mang tính biểu tượng của ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.
Tháng Ngọ cũng chính là giữa năm (Ngọ luôn là biểu tượng chính giữa) cho nên cũng được gọi là Tết giữa năm, nhưng ý nghĩa quan trọng chính là biểu tượng của ngày Giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.
Trong ngày Lễ Tết này theo truyền thống của dân tộc Việt, cũng như các tết khác, người dân ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.
Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Gia đình thì làm lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Cúng xong thì ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Trung Quốc.
Ở nhà thì chúng ta thường thắp hương trên ban thờ Tổ tiên gồm hoa quả, bánh tro (bánh gio), rượu nếp - đặc sản của văn minh lúa nước. Do biểu tượng là ngày Cực Âm trong tiết Hạ chí (cực nóng) nên đồ ăn đều là đồ nguội, lạnh mang tính hàn. Hoa quả được chọn có hình tròn như vải, mận (miền Nam gọi là mận bắc), hạt sen (làm chè).
Cũng chính vì điều đó, ông cha ta gọi ngày này là ngày giết sâu bọ bởi tiết Hạ Chí chính là tiết để gieo hạt vụ mùa hè thu. Giết sâu bọ bằng biểu tượng hình Kim cũng là để chuẩn bị cho một vụ mùa không có sâu bệnh, hướng tới một vụ mùa bội thu.
Tết Đoan Ngọ có ở nhiều nước Châu Á và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam của chúng ta. Ca dao của người Việt có câu: Tháng Năm ngày tết Đoan Dương/ Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Ngày giỗ Mẹ Việt Thường tức Quốc Mẫu Âu Cơ là một ngày vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của mỗi người dân Việt. Do vậy, ngoài ngày giỗ Quốc Tổ mùng 10 tháng 3 thì ngày giỗ Quốc Mẫu cũng vô cùng quan trọng.
Ý nghĩa quan trọng của ngày tết Đoan Ngọ hoàn toàn khác xa với ý nghĩa về tết này của người Trung hoa với tích về ông Khuất Nguyên nước Sở cuối thời chiến quốc. Hầu hết các học giả thời đó cho rằng nguồn gốc của lễ tiết này là sự tưởng niệm thi hào nổi tiếng của nước Sở là ông Khuất Nguyên thế nhưng các sử gia Trung Quốc lúc bấy giờ không hề đưa ra được những tư liệu cụ thể để chứng minh cho “sự liên quan” này.
Ngay trong “Sử ký” của Tư Mã Thiên (145 - 86 TCN), tác phẩm được coi là thành tựu sớm nhất, ghi chép đầy đủ nhất về lịch sử Trung Quốc cổ đại (suốt 2000 năm từ thời Hoàng Đế đến đời Hán Vũ Đế), cũng hoàn toàn không xác định được rõ thời gian tự trầm của Khuất Nguyên là vào ngày, tháng nào.
Những ghi chép của Tư Mã Thiên trong “Khuất Nguyên liệt truyện” (Sử ký) chỉ là những tư liệu được thu thập từ trong dân gian. Như vậy, theo hai truyền thuyết trên thì mùng 5 tháng 5, tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa là rất mù mờ và thiếu cơ sở.
Thảo Nhi
Tags