(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần
Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 3/7, giữa lúc những lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh trên toàn cầu và căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm lu mờ số liệu khả quan về thị trường việc làm của Mỹ.
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 36 phút ngày 3/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 49,41-49,80 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay gần như không biến động và đứng ở mức 1.775,35 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn giảm nhẹ 0,3%, xuống còn 1.785 USD/ounce.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA, nhận định giới đầu tư vẫn hoài nghi về khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới khi số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng tại một số bang của Mỹ. Trong ngày 2/7, Mỹ ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục mới, qua đó nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lên 10,89 triệu người. Bên cạnh đó, thị trường cũng thận trọng trước những căng thẳng gia tăng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
- Giá vàng hôm nay 2/7: Vàng vượt mốc 50 triệu/lượng
- Giá vàng hôm nay 1/7: Cập nhật mới nhất
- Giá vàng hôm nay 30/6 vượt mốc 49 triệu đồng mỗi lượng?
- Giá vàng hôm nay 29/6: Cập nhật diễn biến mới nhất
Cũng trong phiên này, giá palladium giảm 0,4%, xuống 1.893,12 Usd/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim tăng 0,8%, lên 809,50 USD/ounce, hướng tới tuần tăng giá đầu tiên trong sáu tuần qua. Giá bạc tăng 0,4%, lên 17,97 USD/ounce, hướng tới tuần tăng thứ tư liên tiếp.
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm phiên 3/7
Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên 3/7 khi các nhà đầu tư hoan nghênh báo cáo việc làm khả quan của Mỹ, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Khép phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tăng 0,7% lên 22.306,48 điểm, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tiến 1% lên 25.373,12 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2% lên 3.152,81 điểm.
Chứng khoán Sydney và Seoul phiên này tăng lần lượt 0,4% và 0,8%. Sắc xanh cũng được ghi nhận tại các thị trường Đài Bắc, Seoul, Wellington, Singapore và Mumbai. Thị trường Manila cũng tăng điểm, phần nào bù lại mất mát lúc đầu phiên.
Trong ngày 2/7, Mỹ ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm COVID-19 mới, mức kỷ lục mới, qua đó nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lên 10,89 triệu người. Xu hướng này khiến nhiều người quan ngại rằng đà tăng trưởng việc làm của Mỹ, vốn đạt kết quả tích cực trong tháng 6/2020, sẽ để tuột mất động lực đi lên trong thời gian tới.
Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020, khi các doanh nghiệp trên toàn quốc bắt đầu hoạt động trở lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%. Diễn biến này đã góp phần tạo đà cho thị trường chứng khoán Mỹ.
Khép phiên này, tại thị trường trong nước, chỉ số VN - Index tăng 0,62% (5,23 điểm) lên 847,61 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 0,05% (0,06 điểm) xuống 111,55 điểm.
Tỷ giá trung tâm tăng 5 đồng, Nhân dân tệ biến động trái chiều
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 3/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.230 VND/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.926 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.533 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay giá USD ổn định, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) biến động trái chiều.
Lúc 8 giờ 25 phút, giá USD tại Vietcombank niêm yết ở mức 23.080 - 23.290 VND/USD (mua vào - bán ra), không đổi so với cùng thời điểm hôm qua.
Trong khi đó, tại BIDV, giá USD được niêm yết ở mức 23.110 - 23.290 VND/USD (mua vào - bán ra), cũng không đổi so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá đồng NDT tại BIDV cũng được niêm yết ở mức 3.237 - 3.329 VND/NDT (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng ở cả chiều mua và chiều bán so với cùng thời điểm hôm qua.
Còn tại Techcombank, giá đồng bạc xanh giảm 1 đồng ở cả chiều mua lẫn chiều bán so với cùng thời điểm hôm qua, niêm yết ở mức 23.093 - 23.293 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.224 - 3.354 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 2 đồng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cùng thời điểm hôm qua.
Giá dầu châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng phiên cuối tuần
Giá dầu tại thị trường châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 3/7), khi sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu sẽ chững lại. Dù vậy, giá dầu thô vẫn hướng tới tuần tăng giá nhờ nguồn cung dầu giảm và những dấu hiệu khả quan về sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 50 xu Mỹ (1,2%), xuống 40,15 USD/ounce. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng mất 52 xu Mỹ (1,2%), xuống 42,62 USD/ounce.
Trong ngày 2/7, Mỹ ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm COVID-19 mới, mức kỷ lục mới, qua đó nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lên 10,89 triệu người. Xu hướng này khiến nhiều người quan ngại rằng đà tăng trưởng việc làm của Mỹ, vốn đạt kết quả tích cực trong tháng 6/2020, sẽ để tuột mất động lực đi lên trong thời gian tới.
Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020 khi các doanh nghiệp trên toàn quốc bắt đầu hoạt động trở lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%. Tình hình trên diễn ra khi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn dự kiến và cho thấy người lao động đang quay trở lại làm việc trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 như dịch vụ giải trí, nhà hàng, khách sạn.
Giá cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng hơn 2% trong phiên 2/7, nhờ báo cáo của Bộ Lao động Mỹ về tình hình việc làm tháng Sáu, cũng như lượng dự trữ dầu thô của Mỹ suy giảm. Giá dầu Brent vẫn hướng tới mức tăng hơn 5% trong cả tuần này.
Các dấu hiệu về sự phục hồi kinh tế và tình trạng nguồn cung thu hẹp nhờ nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ đã giúp giá dầu Brent tăng hơn gấp đôi từ mức thấp nhất trong 21 năm ghi nhận vào tháng 4/2020. Sản lượng dầu của OPEC hiện đã giảm xuống mức thấp nhất trong hàng thập kỷ qua và sản lượng dầu của Nga đã giảm xuống gần mức mục tiêu mà OPEC+ đưa ra.
Củng cố thêm vào kỳ vọng phục hồi kinh tế, khảo sát mới đây cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với nhịp độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ qua trong tháng 6/2020.
Số liệu việc làm lạc quan của Mỹ tiếp sức cho các sàn chứng khoán Âu-Mỹ
Các thị trường chứng khoán trên thế giới tăng điểm trong ngày 2/7 khi giới đầu tư toàn cầu đón nhận các thông tin tích cực về tỷ lệ việc làm của Mỹ đã phục hồi mạnh và tiến triển trong hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cuối phiên 2/7 của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên 25.827,36 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,5% lên 3.130,01 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,5% lên 10.207,628 điểm.
Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 1,3% lên 6.240,36 điểm, chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức) tăng 2,8% lên 12.608,46 điểm và chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) tăng 2,5% lên 5.049,38 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 tăng 2,8% lên 3.320,09 điểm.
Bộ Lao động Mỹ cho hay nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020 khi các doanh nghiệp trên toàn quốc bắt đầu hoạt động trở lại trong khi tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 11,1%. Tình hình trên diễn ra khi dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn dự kiến và cho thấy người lao động đang quay trở lại làm việc trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 như dịch vụ giải trí, nhà hàng, khách sạn.
Theo ông Adam Sarhan, người sáng lập 50 Park Investments, sự lạc quan của các thương nhân đang được “tiếp sức” bởi các biện pháp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm tăng thanh khoản của thị trường cũng như sự sẵn sàng của Quốc hội Mỹ trong việc thông qua các gói kích thích tăng trưởng kinh tế để ngăn chặn sự suy giảm do dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh trên, số liệu việc làm tích cực nói trên đã giúp nâng cao tinh thần lạc quan của giới thương nhân.
Trong khi đó, những hy vọng về việc nghiên cứu và điều chế thành công vắc-xin phòng COVID-19 đã gia tăng khi công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) và hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) tối ngày 2/7 (giờ địa phương) đã thông báo kết quả ban đầu khá tích cực của dự án nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19 chung giữa hai doanh nghiệp này. Theo chuyên gia Neil Wilson của Markets.com, giới đầu tư phần lớn đều không quá lo ngại về số ca mắc COVID-19 mới đang gia tăng tại Mỹ và một số nước khác khi Pfizer và BioNTech thông báo kết quả tích cực nói trên.
Trước đó, tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/7, chỉ số VN - Index giảm 0,13% (1,11 điểm) xuống 842,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 223 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 3.781 tỷ đồng. Chỉ số HNX - Index giảm nhẹ 0,08 điểm (0,07%) xuống 111,61 điểm.
Thị trường việc làm Mỹ chưa thể trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2030
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế 10 năm công bố ngày 2/7, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) nhận định tỷ lệ thất nghiệp tại nước này vào quý IV/2030 có thể ở mức 4,4%, vẫn trên mức thấp kỷ lục là 3,5% được ghi nhận trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
CBO dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 10,5% vào quý IV/2020 và xuống 7,6% vào quý IV/2021.
Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày 2/7 công bố báo cáo cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đã tuyển dụng thêm 4,8 triệu lao động trong tháng Sáu, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 11,1%.
Trước đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức kỷ lục là 14,7% trong tháng Tư, khi COVID-19 tác động đến nền kinh tế Mỹ, sau đó giảm nhẹ xuống 13,3% trong tháng Năm, khi các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ từng bước mở cửa trở lại.
Việc tỷ lệ thất nghiệp giảm tháng thứ hai liên tiếp nhờ những nỗ lực mở cửa kinh tế trở lại đã cho thấy sự cải thiện của thị trường việc làm, nhưng với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, các nhà phân tích cho rằng con đường phục hồi sẽ không dễ dàng.
Theo nhà quyền kinh tế trưởng của Wells Fargo Securities, Jay H. Bryson, thị trường việc làm vẫn cần một thời gian dài để có thể khôi phục 22 triệu việc làm đã mất trong tháng Ba và tháng Tư.
Nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán Grant Thornton, Diane Swonk, ngày 2/7 nhận định sự phục hồi việc làm trong mùa Hè này sẽ gặp khó khăn, kêu gọi Quốc hội Mỹ mở rộng diện cấp bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ bổ sung.
Theo dự báo của CBO, GDP của Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020, trên cơ sở so sánh giữa quý IV/2020 và quý IV/2019 và sẽ tăng trưởng 4,8% trong năm 2021.
Các nhà kinh tế cảnh báo tình trạng gia tăng trở lại số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đang đe dọa cản trở đà phục hồi mới bắt đầu của nền kinh tế.
Theo nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, Mark Zandi, sự phục hồi tăng trưởng GDP trong quý III, với mức tăng trưởng đang được dự báo là gần 20%, sau khi giảm trên 30% trong quý II, là không chắc chắn.
Hơn 10 bang của Mỹ, hầu hết là ở phía Nam và phía Tây, gần đây chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, buộc phải đảo ngược hoặc dừng các kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại. Tuần trước, bang Texas đã thông báo sẽ đóng cửa các quán bar và giảm số chỗ ngồi trong các nhà hàng.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh số liệu việc làm mới, trong khi tiếp tục bác khả năng số ca mắc COVID-19 gia tăng sẽ làm đảo ngược đà phục hồi của nền kinh tế.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói báo cáo việc làm tháng Sáu đã cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng đang được xử lý.
Nhóm P.V
Tags