(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay 30/11 sẽ được Thethaovanhoa.vn cập nhật liên tục những diễn biến mới nhất trên thị trường vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng châu Á hướng đến tháng giao dịch kém nhất trong 4 năm
Giá vàng châu Á giảm khoảng 1% trong phiên giao dịch 30/11 và đang hướng tới tháng giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2016, do hy vọng về vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể giúp nền kinh tế phục hồi trở lại khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản mang tính rủi ro hơn.
Vào lúc 13 giờ 50 phút ngày 30/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.775,11 USD/ounce, và dự kiến giảm 5,4% trong tháng 11/2020. Giá kim loại quý này đã có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2/7 là 1.764,29 USD/ounce hồi đầu phiên này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống 1.775,70 USD/ounce.
Những thông tin tích cực về vắc-xin ngừa COVID-19 đã đẩy giá đồng USD xuống mức thấp của hơn hai năm qua và giúp các sàn chứng khoán trên thế giới đi lên trong tháng qua.
Margaret Yang, chiến lược gia tại DailyFX nhận định, giá vàng đang có xu hướng đi xuống và không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy xu hướng này sẽ sớm đảo chiều.
Số liệu cho thấy hoạt động chế tạo trong tháng 11/2020 của Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn ba năm cũng đang góp phần hỗ trợ cho các nhà đầu tư ưa thích sự mạo hiểm.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi phiên điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trong tuần này. Chuyên gia McCarthy thuộc CMC cho hay có khả năng Fed sẽ giảm hoặc thậm chí ngừng chương trình mua trái phiếu, do vậy thị trường có thêm một lý do khác để thận trọng về triển vọng của vàng. Tuy nhiên, ngân hàng Citi Bank dự kiến hoạt động bán tháo vàng sẽ dừng lại trong tháng 12/2020.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 2,2% xuống 22,19 USD/ounce, sau khi giảm tới 3,5% lúc đầu phiên. Giá bạch kim giao ngay giảm 0,7% xuống 957,04 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,5% xuống 2.413,08 USD/ounce.
Tại thị trường Hà Nội, vào lúc 15 giờ 20 phút ngày 30/11, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,25 - 53,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đầu tuần giao dịch quanh mốc 54,5 triệu đồng/lượng
Sáng 30/11, giá vàng trong nước giao dịch quanh mốc 54,5 triệu đồng/lượng.
Mở cửa đầu tuần, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,88 - 54,45 triệu đồng/lượng, giảm 120 nghìn đồng/lượng cả chiều mua và bán so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC được giữ nguyên so với chốt phiên cuối tuần qua, niêm yết ở mức 54 - 54,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới cũng đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 9/2020, khi giới đầu tư ngày càng lạc quan về đà phục hồi kinh tế toàn cầu nhờ triển vọng về vắc-xin ngừa COVID-19 và quá trình chuyển giao quyền lực có vẻ tương đối êm thấm tại Nhà Trắng.
Nhà phân tích Craig Erlam của công ty tư vấn tài chính OANDA cho biết, ngay sau khi giá vàng rơi xuống dưới mức 1.800 USD/ounce quan trọng, làn sóng bán tháo trên thị trường đã được kích hoạt. Rất có thể giá vàng sẽ còn rơi xuống ngưỡng 1.750 USD/ounce khi có những yếu tố khá bất lợi như các thông tin lạc quan về vắc-xin ngừa COVID-19.
- Giá vàng đi xuống, lực mua và bán đều giảm
- Giá vàng hôm nay cập nhật diễn biến mới nhất thị trường
- Giá vàng hôm nay về sát mốc 55 triệu đồng/lượng
Nhà phân tích Bernard Dahdah của ngân hàng đầu tư Natixis cho biết, các thị trường đang tin tưởng rằng chính quyền của ông Biden sẽ có cách tiếp cận bình tĩnh hơn trong quan hệ thương mại với các nước khác như Trung Quốc. Điều đó đang được phản ánh trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chuyên gia Dahdah lưu ý rằng với lãi suất vẫn ở mức cực thấp và còn nhiều triển vọng cho một gói kích thích kinh tế lớn tại Mỹ, giá vàng sẽ vẫn vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang đẩy mạnh mua vào vàng khi tin rằng nền kinh tế sẽ phục hồi vào năm 2021. Tuy nhiên, đồng USD suy yếu và kỳ vọng vào việc chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng cho ông Joe Biden đã hạn chế bớt đà giảm của giá vàng, khi những thông tin tích cực về vắc-xin ngừa dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu đối với các tài sản rủi ro.
Tuy vậy, các chuyên gia khác cho biết, quỹ đạo dài hạn của vàng vẫn khá tích cực, khi giá vàng vẫn có thể tăng khoảng 19% nhờ sức hút của nó trong việc ngăn chặn lạm phát và suy giảm tiền tệ được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có trên toàn cầu. Vàng có thể đạt mức cao mới vào năm 2021 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ tăng lãi suất và đồng USD sẽ suy yếu.
Tỷ giá trung tâm giảm 7 đồng
Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 30/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.155 VND/USD, giảm 7 đồng so với cuối tuần qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng hôm nay là 23.850 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.460 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, sáng nay, giá đồng USD ổn định, trong khi giá đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm nhẹ.
Lúc 8 giờ 30 phút, giá USD tại Vietcombank giữ nguyên niêm yết so với cuối tuần qua, ở mức 23.050 - 23.260 VND/USD (mua vào - bán ra).
Giá đồng NDT tại ngân hàng này được niêm yết ở mức 3.488 - 3.493 (mua vào - bán ra), giảm 5 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 23.060 - 23.280 VND/USD (mua vào - bán ra), giữ nguyên so với cuối tuần qua.
Giá đồng NDT tại BIDV được niêm yết ở mức 3.474 - 3.572 VND/NDT (mua vào - bán ra), giảm 2 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua.
Giá vàng châu Á hướng tới tháng giảm mạnh nhất trong bốn năm
Trong phiên giao dịch sáng 30/11 tại thị trường châu Á, giá vàng đi xuống khi những kỳ vọng vào việc phát triển thành công vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ giúp nền kinh tế thế giới phục hồi. Kết quả này đang dẫn mặt hàng kim loại quý này hướng tới tháng giảm giá mạnh nhất trong bốn năm.
Phiên giao dịch buổi sáng đầu tuần ngày 30/11 giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.782,72 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng hạ 0,1%, xuống 1.778,10 USD/ounce.
Như vậy, giá vàng- vốn được coi là một hàng rào chống lại lạm phát, chính trị và những bất ổn kinh tế - đã giảm 5,1% trong tháng 11 này, giữa bối cảnh giới đầu tư ngày càng lạc quan về triển vọng của các loại vắc-xin ngừa COVID-19 và khả năng tình hình chính trị tại Mỹ sẽ “lặng sóng” hơn dưới thời ông Joe Biden, nếu ông đắc cử Tổng thống Mỹ.
Sự lạc quan về vắc-xin và việc nhiều người đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới, đã giúp đồng USD thoát khỏi mức thấp nhất hai năm và thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý để lật ngược kết quả bầu cử ngày 3/11, song thông qua một cuộc phỏng vấn với Fox News, người ta đã nhận thấy sự dần chấp nhận của ông Trump đối với việc chuyển giao quyền lực cho ông Biden vào ngày 20/1 tới.
Nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ vẫn khá mạnh khi giá mặt hàng này giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng, khuyến khích người tiêu dùng nhỏ lẻ và các thợ kim hoàn đẩy mạnh mua vào trong mùa cưới này.
Cùng ngày, giá bạc giảm 0,9%, xuống 22,50 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,1%, lên 964,71 USD/ounce và giá palladium tiến 0,1%, lên 2.426,31 USD/ounce.
Chứng khoán sáng 30/11: Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đồng loạt tăng giá
Phiên giao dịch sáng nay (30/11), các chỉ số giằng có quanh mốc tham chiếu. Các nhóm cổ phiếu lớn như thép, dầu khí, chứng khoán... đang chịu áp lực bán mạnh. Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đồng loạt tăng giá.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức rất cao, đạt gần 7.000 tỷ đồng tính trên toàn thị trường. Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng hơn 212 tỷ đồng tính trên cả 3 sàn là HOSE, HNX và UPCoM là điểm tích cực đáng chú ý
Cuối phiên sáng 30/11, VN - Index giảm nhẹ 0,78 điểm xuống 1.009,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 307,5 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 5.912,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 198 mã tăng giá, trong khi có 214 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.
HNX - Index giảm 0,42 điểm xuống 147,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 34,2 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 524,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 49 mã tăng giá, 74 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.
UPCoM - Index đứng ở mức tham chiếu 66,79 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 14 triệu đơn vị, tương ứng trên 219,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 71 mã tăng giá, 80 mã giảm giá và 54 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 15 mã giảm giá, trong khi có 13 mã tăng giá. Dù vậy, chỉ số VN30 - Index vẫn giữ được sắc xanh.
Các mã trong nhóm cổ phiếu VN30 tăng giá mạnh như REE tăng 2,9%, GAS tăng 1,6%, KDH tăng 1,5%, MWG và PNJ tăng 1,3%...
Ở chiều giảm giá, MSN giảm tới 2%, các mã VJC, NVL, HPG đều giảm 1,1%. Bên cạnh đó, các mã như VIC, VNM, POW, TCH, SBT... cũng ở chiều giảm giá, nhưng mức giảm đều dưới 1%.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, TPB tăng tới 6,7% lên mức giá trần 22.300 đồng/cổ phiếu. Các mã tăng mạnh khác như HDB tăng 4,9%, VBB tăng 4,5%, KLB tăng 2,3%, MBB tăng 2,2%, STB tăng 2,1%, LPB tăng 2%.
Trong khi đó, ở chiều giảm giá có VCB, BAB, CTG, SHB, VIB, BID. Tuy nhiên mức giảm giá của các cổ phiếu này đều dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí chìm trong sắc đỏ với PLX, BSR, OIL, PVD, PVC, PVS... đều ở chiều giảm giá.
Nhóm Khu công nghiệp là một trong những nhóm diễn biến tích cực nhất phiên sáng nay với giao dịch sôi động và hàng loạt mã tăng giá như PHR tăng 0,6%, SZL tăng 1,3%, SIP tăng 1,9%, LHG tăng 2,2%, BCM tăng 2,6%, NTC tăng tới 5,8%…
Các thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên 30/11 trái chiều, khi thị trường Nhật Bản, Thượng Hải vẫn giữ được đà đi lên, còn các thị trường Hong Kong và Hàn Quốc lại giảm điểm.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn duy trì được động lực sau khi các thị trường trên toàn cầu đi lên nhờ sự hấp dẫn lớn của các tài sản rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài và sự lạc quan về tiến bộ nhanh trong việc nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19. Chỉ số Nikkei 225 mở cửa phiên này tăng 125,84 điểm, hay 0,47%, lên 26.770,55 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mở cửa giảm 41,29 điểm, hay 0,15%, xuống 26.853,39 điểm, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đà phục hồi gần đây, trong lúc cũng có những lo ngại lớn hơn rằng sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này có thể khiến các biện pháp kiểm soát được thực hiện.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 9,85 điểm, hay 0,29%, lên 3.418,16 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,21 điểm, hay 0,01%, xuống 2.633,24 điểm trong 15 phút giao dịch đầu giờ.
Tuy nhiên, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,1% và tăng hơn 11% từ đầu tháng, đánh dấu tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ cuối năm 2011.
Các thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên 30/11 trái chiều
Các thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên 30/11 trái chiều, khi thị trường Nhật Bản, Thượng Hải vẫn giữ được đà đi lên, còn các thị trường Hong Kong và Hàn Quốc lại giảm điểm.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản vẫn duy trì được động lực sau khi các thị trường trên toàn cầu đi lên nhờ sự hấp dẫn lớn của các tài sản rủi ro đối với các nhà đầu tư nước ngoài và sự lạc quan về tiến bộ nhanh trong việc nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19. Chỉ số Nikkei 225 mở cửa phiên này tăng 125,84 điểm, hay 0,47%, lên 26.770,55 điểm.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mở cửa giảm 41,29 điểm, hay 0,15%, xuống 26.853,39 điểm, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đà phục hồi gần đây, trong lúc cũng có những lo ngại lớn hơn rằng sự gia tăng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này có thể khiến các biện pháp kiểm soát được thực hiện. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 9,85 điểm, hay 0,29%, lên 3.418,16 điểm.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 0,21 điểm, hay 0,01%, xuống 2.633,24 điểm trong 15 phút giao dịch đầu giờ.
Tuy nhiên, chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,1% và tăng hơn 11% từ đầu tháng, đánh dấu tháng tăng điểm mạnh nhất kể từ cuối năm 2011.
Nhóm P.V
Tags