Ballet Kiều được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sẽ trở lại với khán giả vào ngày 13-14/5 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình do các nghệ sỹ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) thực hiện. Đây là một trong những vở diễn thành công nhất của Nhà hát, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thành tựu nghệ thuật ballet kinh điển của thế giới với các giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh và Nghệ sỹ Nhân dân Ứng Duy Thịnh chỉ đạo nghệ thuật; chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn là nghệ sỹ Tuyết Minh. Nghệ sỹ Nguyễn Phúc Hùng và Tuyết Minh cùng dàn dựng và biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm.
Ballet Kiều gồm 15 cảnh là những sắc thái tâm lý, sự tiếp nối và tương phản của các bức tranh khác nhau làm nên sự lôi cuốn, hấp dẫn và bất ngờ qua từng khoảnh khắc. Đó là hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc, tự do và công bằng cho con người, làm nổi bật giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, hành trình xúc động của nàng Kiều trong đời sống và tâm linh được khắc họa ấn tượng với ngôn ngữ của nghệ thuật múa. Tài hoa và nhan sắc của nàng Kiều cũng gắn liền với đa đoan, trầm luân...
Ballet Kiều không kể lại toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du mà dẫn dắt khán giả qua hành trình đầy hạnh phúc cùng những đắng cay, thách thức tột cùng trong cuộc đời của nàng Kiều. Các nghệ sỹ cũng thể hiện xuất sắc nội tâm phức tạp của nhiều người phụ nữ như Hoạn Thư, Đạm Tiên…
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ: Khi chọn ballet để dàn dựng tác phẩm, trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt với kết cấu ngôn ngữ múa. Với ballet, diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, diễn viên nam phải thể hiện được kỹ thuật nền tảng của ballet cổ điển châu Âu. Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa phương Đông, cốt cách, tinh thần, bản sắc văn hóa của người Việt. Do đó, mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh, khí, thần của các lớp diễn.|
Âm nhạc cũng là một điểm nhấn khi có sự kết hợp phong cách của hai nhạc sỹ Vũ Việt Anh và Chinh Ba. Âm nhạc của nhạc sỹ Việt Anh mang âm hưởng châu Âu đa tầng, đa diện, có phong cách hòa thanh hiện đại, mới mẻ, sử dụng âm hưởng dàn nhạc, hiệu quả trong những đại cảnh và diễn tả nội tâm. Nhạc sỹ Việt Anh được khán giả biết đến với những ca khúc như Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Hoa có vàng nơi ấy… Sau khi tốt nghiệp cao học sáng âm nhạc tại New Zealand, nhạc sỹ Vũ Việt Anh đã sáng tạo nhiều tác phẩm dành cho khí nhạc và hợp xướng được giới chuyên môn đánh giá cao.
Nghệ sỹ Chinh Ba lại mang đến không gian âm nhạc ấn tượng khi khai thác những âm thanh vocal hòa trộn cùng nhạc cụ truyền thống, không dựa trên điệu thức châu Âu. Những âm hưởng của nhạc cụ truyền thống xuất hiện trong các phân khúc kịch tính, lột tả tính cách dữ dội sẽ mang lại những cảm xúc đặc biệt cho khán giả.
Vở ballet Kiều cũng sử dụng một số hiệu ứng sân khấu đặc biệt về ánh sáng, hologam (kỹ thuật toàn ảnh) và trình diễn trên cao mở rộng không gian và gây ấn tượng mạnh về thị giác. Ballet Kiều được chuyển thể từ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là một kiệt tác của văn học Việt Nam, được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Ballet Kiều đã giành giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2022.
Nghệ sỹ Tuyết Minh đã giành được nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật. Cô sở hữu một gia tài 14 vở ballet và múa đương đại trong vai trò đạo diễn, tác giả kịch bản và biên đạo múa.
Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng đã tốt nghiệp biên đạo múa tại Học viện Múa Fontys (Hà Lan), công tác tại Hà Lan và châu Âu. Về nước, anh làm việc ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh. Anh liên tục cho ra mắt những phẩm múa thành công, chuyển tải được tinh thần con người Việt Nam, nhịp sống, tư duy của cuộc sống hiện đại, ngôn ngữ múa sáng tạo, hiện đại của các dòng chảy nghệ thuật trên thế giới.
Tags