(Thethaovanhoa.vn) - Ban nhạc Anh huyền thoại The Beatles, nữ văn sĩ J.K.Rowling, “Nữ hoàng truyền thông” Oprah Winfrey hay đạo diễn điện ảnh Steven Spielberg đều đã trở thành những “người khổng lồ” trong các lĩnh vực hoạt động của họ.
Song không phải ai cũng biết rằng để có được thành công, họ từng trải qua sự khởi đầu đầy khó khăn, từng bị “chối bỏ” nhưng vẫn không ngại khó để vươn lên.
Nhân dịp đầu năm mới, hy vọng câu chuyện về những con người đầy nghị lực này có thể mang lại bài học quý giá cho các fan, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đang đòi hỏi mỗi cá nhân vượt khó.
Từ nỗ lực bền bỉ...
Vào ngày đầu năm mới năm 1962, 2 ban nhạc, trong đó có The Beatles, đã đến thử nghề tại hãng đĩa Decca ở London (Anh). Lúc đó, hãng thu âm này đang tìm kiếm một ban nhạc mới có thể thu hút được đám đông người hâm mộ trẻ hơn. Sau khi nghe cả 2 ban nhạc trình diễn, các giám đốc điều hành của Decca quyết định chọn Brian Poole and the Tremeloes - ban nhạc hoạt động trong những năm 1960 sau này có các bản hit như bản cover Twist And Shout - thay vì The Beatles.
Giải thích quyết định của họ với Brian Epstein - người quản lý của The Beatles - các giám đốc điều hành hãng thu âm lý giải rằng “các nhóm chơi guitar đang trên đà phát triển”.
Trong khi Epstein tiếp tục tìm kiếm một hãng thu âm cho bộ tứ đến từ thành pố Liverpool của mình, thì các thành viên ban nhạc gồm, John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr, đều cảm thấy chán nản và gần như muốn ngừng hoạt động.
Giờ 60 năm sau, câu chuyện bị “chối bỏ” ngày đầu năm mới của The Beatles đang mang lại những bài học, đặc biệt là khi thế giới đang đối diện với đại dịch Covid-19.
Và The Beatles không phải là những nhân vật duy nhất của nền văn hóa đại chúng đã có “cú lội ngược dòng” ngoạn mục sau thất bại ban đầu của mình. Tác giả bộ truyện ăn khách Harry Potter - J.K. Rowling (56 tuổi) đã bị 12 nhà xuất bản từ chối trước khi Bloomsbury chọn bản thảo của bà. Hay Oprah Winfrey - “Nữ hoàng truyền thông” (67 tuổi) từng phỏng vấn các nhân vật nổi tiếng như “Vua pop” Michael Jackson, Hoàng tử Harry và Meghan Markle - từng bị sa thải khỏi công việc phóng viên tin tức buổi tối. Bà bị cho là “không thích hợp với tin tức truyền hình” vì không thể tách mình ra khỏi cảm xúc của những câu chuyện.
Hay đạo diễn lừng danh Mỹ Steven Spielberg (75 tuổi) đã bị Khoa Sân khấu, Điện ảnh và Truyền hình thuộc Đại học Nam California từ chối 3 lần. Nhưng sau đó ông đã có những bước đột phá trong công việc của mình khi đã đoạt 3 giải Oscar, 7 giải Quả cầu Vàng và 11 giải Emmy và tung ra nhiều phim bom tấn.
Tựu trung, tất cả những nhân vật kể trên đều thể hiện một đặc tính cụ thể: Tính kiên cường và sự bền bỉ trong công việc mà họ đã chọn.
“Tôi tin rằng những người biểu diễn, viết lách và giải trí là những người kiên cường nhất trên thế giới. Hãy nghĩ về các nhà văn. Họ gặp phải rất nhiều lời từ chối trước khi tác phẩm của họ được xuất bản. Hãy nghĩ về những diễn viên đã thử sức với nhiều vai trò trước khi nhận được một vai” - Shantha Mohan, chuyên gia tại Trường Silicon Valley thuộc Đại học Carnegie Mellon nói - “Bất kỳ nghệ sĩ nào đã làm việc với tư cách nghệ sĩ trong 10, 20, 30 năm đều cho thấy họ đã bền bỉ và kiên cường trong công việc của mình.
Tới sự đổi mới
Thực tế, nhiều nghệ sĩ mới đã tham gia các buổi thử giọng diễn ra trước đại dịch nhằm tìm kiếm những cơ hội mới trước khi Covid-19 bùng nổ song những đợt cách ly diễn ra liên tục khiến họ chưa tìm được cơ hội cho mình. Và thực trạng này đòi hỏi ở họ sự kiên nhẫn hơn bao giờ hết.
“Hầu như tất cả các nghệ sĩ đều sử dụng Internet để duy trì nghề của mình trong thời gian bị cách ly. Một số nghệ sĩ đã thành danh còn hợp tác với nhau để cho ra những sản phẩm mới, như Ariana Grande và Justin Bieber đã cùng nhau tạo MV Stuck With U nhằm hỗ trợ Quỹ Thiếu nhi First Responders” - Mohan cho biết.
Mohan còn chỉ rằng The Beatles từng phải đối mặt với những lời từ chối khác trước khi tới hãng thu âm Decca. Nhưng Tứ Quái vẫn tiếp tục trau dồi kỹ năng của mình và chấp nhận thực hiện các hợp đồng biểu diễn liên tiếp ở nhiều địa điểm khác nhau, bao gồm cả ở Hamburg (Đức) vào năm 1960.
“Có thể nói, thất bại ban đầu dạy họ phát triển tính khiêm tốn, tính kiên trì, thấu hiểu khán giả, sự tinh tế” - theo Mohan, tác giả cuốn Leadership Lessons With The Beatles sẽ được phát hành vào tháng 5/2022.
Một ví dụ điển hình nữa là ban nhạc huyền thoại Thụy Điển ABBA. Ban nhạc kỷ niệm 50 năm thành lập vào năm nay và các thành viên - sau nhiều lần từ chối các hợp đồng tái hợp trị giá tỷ USD - đã quyết định trở lại cùng nhau và bắt đầu những buổi diễn vào tháng 5 tới. Dự kiến, nhiều giải pháp công nghệ sẽ được áp dụng với sự khác biệt lớn. Cụ thể, ở tuổi 80, họ sẽ xuất hiện qua hình ảnh được tạo ra bằng công nghệ lưu trữ chuyển động để “trẻ hóa”.
“ABBA là một ví dụ xuất sắc về cách các nghệ sĩ giải trí đang đổi mới ngày nay. Họ đã áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm mang lại cho mình sức mạnh để tiếp cận khán giả vốn cũng rất hiểu biết về công nghệ” - Mohan nói.
Hy vọng
Cuối cùng, trong bối cảnh biến chủng Covid-19 mới xuất hiện khiến cho nhiều nước trên thế giới phải thực hiện các biện pháp giãn cách mới, Mohan nói rằng con người ta cần phải có hy vọng. Và một cách để duy trì hy vọng là đưa tay ra trợ giúp những người khó khăn bất cứ khi nào chúng ta có thể.
- Ca khúc 'Strawberry Fields Forever' của The Beatles: Vùng đất ảo giác nằm ngoài thời gian
- Ban nhạc huyền thoại The Beatles trở lại với ba tác phẩm mới
- Huyền thoại The Beatles – không chỉ là 'Ngày hôm qua'
Nhắc đến sự thất bại của The Beatles ở hãng thu âm Decca, Mohan lập luận rằng ban nhạc có người quản lý Epstein đứng về phía họ và điều đó đã mang lại cho họ hy vọng để tiếp tục. Mohan cũng nói tới nguồn cảm hứng từ công việc của Jose Andres, đầu bếp người Mỹ gốc Tây Ban Nha, chủ nhà hàng và người sáng lập World Central Kitchen - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp các bữa ăn sau các thảm họa thiên nhiên. Hiện tại, tổ chức này cũng cung cấp bữa ăn cho những người bị ảnh hưởng do đại dịch.
“Chúng ta phải tin rằng khó khăn chỉ là tạm thời và tiếp tục tiến về phía trước. Hãy biến bản thân trở nên hữu ích trong bất cứ điều gì chúng ta có thể làm, nếu có thể. Giúp đỡ người khác là một cách để cho bản thân hy vọng rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua” - Mohan kết luận.
Biết chấp nhận thất bại Trong tuyển tập The Beatles: An Oral History (tạm dịch: The Beatles: Lịch sử truyền khẩu) của David Pritchard và Alan Lysaght, Paul McCartney nói: “Nghe đoạn băng cũ, tôi có thể hiểu tại sao chúng tôi lại thất bại trong buổi thử giọng của Decca. Chúng tôi chưa xuất sắc trong cuộc chơi của mình mặc dù có một số điều khá thú vị và độc đáo”. Mohan giải thích, bất chấp điều đó The Beatles coi thất bại như một trải nghiệm để học hỏi và không bỏ cuộc. Thất bại này đã thúc đẩy ban nhạc tiếp tục đổi mới. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags