(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian gần đây có nhiều tuyển thủ quốc gia gặp chấn thương ở các mức độ khác nhau. Vì sao tần suất chấn thương lại dày lên và hầu hết các trường hợp đó đều liên quan đến dây chằng? Câu hỏi này đã được bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ (BS chuyên khoa y học thể thao -Trung tâm HLTTQG Hà Nội), người cũng từng làm việc cùng ĐTQG và đội tuyển U23 trao đổi với Thể thao & Văn hóa trong chuyên mục “Đối thoại cuối tuần”.
“Bản thân tôi từng gắn bó với ĐTQG và đội tuyển U23 Việt Nam, đã tận mắt chứng kiến không ít ca chấn thương theo các mức độ khác nhau. Phải nói thế này, chấn thương trong các hoạt động thể thao là bình thường. Riêng với bóng đá, khi có tính đối kháng cao, va chạm, va đập nhiều thì rõ ràng mức độ chấn thương sẽ ở tỉ lệ cao hơn. Các cầu thủ trên sân luôn luôn phải hoạt động thể lực với cường độ cao và thời gian kéo dài như thế hẳn nhiên chấn thương là điều khó tránh khỏi”. Bác sĩ Thủy khái quát vấn đề.
“Nguyên nhân dẫn đến chấn thương thì rất nhiều. Đầu tiên là cơ địa và thể trạng của chính cầu thủ. Sau đó là tình trạng hoạt động quá tải, dẫn đến vượt quá cái ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Thêm một yếu tố tác động nữa, đó là tình trạng sân thi đấu không đáp ứng yêu cầu. Ngay cả chính anh em cầu thủ chưa biết cách tự trang bị về các điều kiện cơ bản nhất trong lúc thi đấu”.
“Chúng ta hay nhìn vào các trường hợp cụ thể gần đây, sẽ thấy rõ quá tải dẫn đến chấn thương là điều dễ gặp nhất. Trước khi gặp chấn thương, gần như họ đều trải qua một giải đấu có mật độ thi đấu dày đặc và kéo dài. Điều dễ nhận ra, các cầu thủ thường bị vắt kiệt sức, rất mệt mỏi, do vậy rủi ro sẽ tăng lên. Cơ thể con người luôn đạt đến mức vận động nào đấy sẽ có điểm giới hạn. Khi đó, mọi sự vượt ngưỡng đều có thể dẫn đến rủi ro rất cao. Không có những va chạm mạnh cũng sẽ bị chấn thương.
Nhìn vào tình huống mà Trần Đình Trọng trong trận đấu ở V-League sẽ thấy rất rõ điều này. Đó là pha bóng mà Đình Trọng không tranh chấp không quá mạnh, không va chạm trực tiếp vào cầu thủ khác trên sân. Hay trường hợp Xuân Trường hôm rồi trên đội tuyển, không phải thi đấu, chỉ là tập luyện bình thường cũng bị như thế. Đó chính là lúc cơ thể cùng thể lực của cầu thủ đã ở mức độ giới hạn, quá ngưỡng chịu đựng thì chỉ cần sai động tác hay vận động mạnh một tí, lập tức phải trả giá ngay.
Hôm qua, tôi cũng đã có trao đổi với Xuân Trường về chấn thương của em ấy. Xuân Trường chia sẻ rằng chấn thương như thế này cũng phải chấp nhận, bởi nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không sớm thì muộn. Qua chuyện trò, em ấy cũng rất nhẹ nhàng và có cái nhìn đầy lạc quan khi nói về những bước tiếp theo như phẫu thuật, nghỉ dưỡng và tập luyện hồi phục thời gian đến.
Chính từ những trường hợp như thế, để thấy rằng đội ngũ bác sĩ ở các CLB cần nắm rõ về mức độ hồi phục của cầu thủ để giảm thiểu chuyện này. Ngay cả bản thân các cầu thủ cũng phải hiểu được thể trạng, thể lực của mình, chứ không thể vội vàng thi đấu trong những tình huống như vậy. Với một người làm công tác chuyên sâu về y học thể thao, tôi vẫn luôn muốn cầu thủ chúng ta được chăm sóc, theo dõi, phát hiện và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ chuyên ngành và các chuyên gia vật lý trị liệu.
Đó là mong muốn nhưng thực tế điều này cũng rất khó và cũng có những nghịch lý. Khó ở chỗ điều kiện về con người có chuyên môn và máy móc, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Nghịch lý khi có đội bóng bỏ ra rất nhiều tiền để chiêu mộ hay trả lương cho cầu thủ nhưng chưa có được những điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc và chi phí chữa trị khi cầu thủ dính chấn thương. Nói thế để thấy về câu chuyện này chúng ta cần thời gian và cả yếu tố kinh phí nữa”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy cho rằng những nguyên nhân cùng như đảm bảo các điều kiện tập luyện, thi đấu như ông chia sẻ chỉ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất chấn thương. Còn với cơ địa, sự quá tải và va chạm nhiều như bóng đá thì những trường hợp tuyển thủ quốc gia chấn thương như thời gian gần đây là điều bất khả kháng.
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags