(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/1, tại Đền thờ Cao Lỗ, thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức lễ khởi công gói thầu số 1 tu bổ, tôn tạo Nhà tiền tế, đền chính, nhà Tả vu, Hữu vu, miếu sơn thần, nghi môn, lầu hóa vàng và các hạng mục phụ trợ đền Cao Lỗ. Đây là gói thầu thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử và du lịch văn hóa Cao Lỗ Vương.
Dự án có tổng mức vốn đầu tư trên 42 tỷ đồng được tiến hành từ năm 2015 – 2018 bao gồm 3 gói thầu. Gói thầu 1: Tu bổ tôn tạo Tiền tế, đền chính, nhà Tả Vu, Hữu Vu, miếu sơn thần, nghi môn, lầu hóa vàng và công trình phụ trợ đền Cao Lỗ; Gói thầu 2: Tu bổ tôn tạo lăng mộ Cao Lỗ; Gói thầu 3: Tu bổ, tôn tạo các hạng mục còn lại.Trong đó, gói thầu số 1 có tổng mức vốn đầu tư 26 tỷ 874 triệu đồng do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Tu bổ, tôn tạo và xây dựng Duy Linh thi công theo phương án giữ nguyên các bố cục cũ; đồng thời, sửa chữa, thay thế những cấu kiện đã hỏng bằng vật liệu mới như gỗ tứ thiết, gỗ lim… và xây mới một số công trình như lầu hóa vàng, công trình vệ sinh, nhà thủ từ, bếp.
Theo ông Trần Quang Nam, Giám đốc Sở Văn hóa, - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, quần thể di tích Đền thờ và Lăng Cao Lỗ Vương là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, có giá trị quý báu. Đây là nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Qua đó, củng cố khối đoàn kết dân tộc cho các con cháu hướng về nguồn cội.
Theo cuốn thần tích của Đền thờ Cao Lỗ, tướng quân Cao Lỗ - danh nhân lịch sử dưới triều vua An Dương Vương sinh ra tại trang Đại Than có công lao lớn trong việc xây dựng thành Cổ Loa và bảo vệ Nhà nước Âu Lạc. Khi Triệu Đà tấn công thành Cổ Loa, ngài triệu tập quân sĩ ứng cứu nhưng không giữ được thành. Ngài hy sinh ngày 4/4 (âm lịch). Để tưởng nhớ công lao to lớn của ngài, nhân dân trong vùng đã xây dựng Lăng và Đền thờ của ngài tại thôn Đại Trung, trang Đại Than, tổng Vạn Ty (nay là làng Lớ, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
Đền có quy mô kiến trúc lớn với cảnh quan sông nước. Qua thăng trầm của lịch sử, Đền đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc thời Lê – Nguyễn. Di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 8/3/2005.
TTXVN/Thanh Thương
Tags