Jurgen Klinsmann đã cười khá tươi khi Hàn Quốc bị Malaysia gỡ hòa 3-3 ở lượt cuối vòng bảng. Liệu có phải ông chủ động chọn Saudi Arabia, thay vì Nhật Bản?
Nhà cầm quân người Đức đang bị báo giới và truyền thông xứ Hàn chê trách khá nhiều, trong khi các đồng nghiệp thì tỏ vẻ dè bỉu. Roberto Mancini, đối thủ sắp tới của ông chẳng hạn. "Nếu muốn giành chiến thắng, bạn phải đánh bại bất kỳ đội nào mà bạn gặp ở bất kỳ giai đoạn nào. Vì vậy, chọn đối thủ không phải là suy nghĩ của chúng tôi", nhà cầm quân người Ý bóng gió.
ĐT Hàn Quốc: Vô chiêu, hay hữu chiêu?
Hàn Quốc là một cường quốc bóng đá châu lục. Cùng với Nhật Bản, cầu thủ Hàn Quốc đang tung hoành ở trời Âu với nhiều ngôi sao sáng giá như Son Heung Min, Hwang Hee Chan, Lee Kang In… Thế nhưng, kể từ năm 1960 đến nay, "những chiến binh Taeguk" chưa hề vô địch Asian Cup, dù từng 4 lần vào đến chung kết (1972, 1980, 1988, 2015).
Liệu đó có phải lý do mà Klinsmann bảo rằng "cần phải có những cách cư xử khác nhau trước những đối thủ khác nhau để đạt mục đích cuối cùng"? Cựu danh thủ này quả quyết: "Nếu chúng tôi chơi với thứ bóng đá của chính mình sớm và áp dụng trước bất kỳ đối thủ nào thì khi vào sâu gặp đối thủ bắt bài tốt, Hàn Quốc sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa. Vòng bảng cho phép và điều kiện cho phép Hàn Quốc thử nghiệm một số chiến thuật khác trước khi vào giai đoạn quan trọng".
Những lời biện bạch của Klinsmann có vẻ hơi khó nghe. Một đội bóng dù vượt trội đến đâu thì những thử nghiệm thường chỉ diễn ra ở các trận giao hữu vốn không quá nhiều áp lực chứ không phải ở một giải đấu chính thức. Và cứ cho là họ chủ động để Malaysia cầm hòa ở lượt cuối, vì đã đủ 4 điểm, nhưng màn hút chết trước Bahrain trước đó (Al Arab phản lưới phút bù giờ) thì sao? Không lẽ, đó cũng là một kết quả nằm trong toan tính của Klinsi? Thực tế, nếu thua trận đó, họ sẽ bị đẩy vào thế khó trước lượt trận cuối cùng.
Cách lý giải hợp lý nhất có lẽ là chính bản thân đội tuyển Hàn Quốc đang có vấn đề, chứ không phải họ chủ động "chọn đối thủ" như nhiều người lầm tưởng. Hàn Quốc đã đến Qatar với chuỗi 7 trận sạch lưới liên tiếp (6 thắng, 1 hòa). Thế rồi ở Qatar, họ nhận đến 6 bàn thua chỉ sau 3 trận trước những đối thủ bị xem là dưới cơ. Có vẻ như những trận đấu giao hữu và những đối thủ ở vòng loại thứ hai World Cup không phải những bài test thích hợp cho thầy trò Klinsmann. Và những vấn đề của họ đã lộ rõ ở Asian Cup 2023.
Những vấn đề của Klinsmann
Trước khi Asian Cup khởi tranh, hầu hết người hâm mộ Hàn Quốc đều cho rằng việc nằm chung bảng với Bahrain, Jordan và Malaysia sẽ không quá khó khăn. Mọi thứ bắt đầu với chiến thắng 3-1 trước Bahrain nhờ cú đúp của Lee Kang In. Sau đó, Hàn Quốc phải nhờ pha phản lưới nhà ở phút cuối mới gỡ hòa 2-2 với Jordan. Và cho dù thái độ có nghiêm túc hay không thì việc để một đối thủ Đông Nam Á như Malaysia cầm hòa đến 3-3 là điều không thể chấp nhận được.
Thực tế là việc Hàn Quốc để thủng lưới 6 bàn trong 3 trận trước những đối thủ được xếp hạng FIFA thấp hơn đáng kể là điều đáng lo ngại. HLV Klinsmann đã đổ lỗi cho trọng tài về hai bàn thua trước Malaysia, song nó giống như một lời bào chữa vụng về. Nếu không có phong độ xuất sắc của Lee Kang In, Hàn Quốc sẽ không giành được 5 điểm, và thậm chí còn có thể bị loại. Không chỉ đau đầu về hàng thủ yếu ớt, Klinsi sẽ còn phải khắc phục hàng công nữa khi Son Heung Min đang bị cô lập ở tuyến trên và ngôn ngữ cơ thể cho thấy anh không hài lòng.
Cho đến nay, những lo ngại về Klinsmann, người được bổ nhiệm vào tháng Hai năm ngoái, dường như là chính đáng. Một số người đã chỉ trích thái độ dường như thoải mái và nụ cười của ông khi Hàn Quốc bị dẫn trước, nhưng đó không phải là vấn đề lớn. Các HLV khác nhau có cách cư xử khác nhau. Điều đáng lo ngại là rất khó để tìm thấy một chiến thuật hay lối chơi tổng thể ở đội bóng này. Thay vào đó, chỉ có sự phụ thuộc vào những cầu thủ lớn tỏa sáng ở những thời điểm quan trọng. Điều này có thể đưa đội đi đến một chặng đường nhất định nhưng khó có thể tiến xa hơn. Saudi Arabia sẽ là một đối thủ khó khăn với hàng chục nghìn người hâm mộ cuồng nhiệt tại Qatar. Roberto Mancini đã chứng tỏ khả năng chiến thuật của mình bằng việc dẫn dắt Italy tới chức vô địch EURO 2020. Với chỉ 1 bàn thua (từ penalty) trong 3 trận, cùng 2 hậu vệ cánh xuất sắc là Saud Abdulhamid và Mohammed Al-Breik, và Cầu thủ hay nhất Châu Á Salem Al-Dawsari dẫn dắt hàng công, đó sẽ là một bài kiểm tra thực sự cho Hàn Quốc. Đội bóng này, vì thế, nguy hiểm không kém gì Nhật Bản, đối thủ mà Hàn Quốc được cho là cố tình "né" ở vòng 1/8.
Đội hình dự kiến
Saudi Arabia: Al-Kassar - Al-Briek, Al-Tambakti, Lajami, Al-Bulaihi - Abdulhamid, Ali, Al-Malki, Ghareeb - S. Al-Dawsari, Al-Shehri
Hàn Quốc: Hyeon-woo - Young-woo, Seung-hyun, Min-jae, Jin-su - Kang-in, In-beom, Woo-yeong, Jae-sung - Gue-sung, Heung-min
Dự đoán: 1-1 (Saudi Arabia thắng bằng đá luân lưu)
Tuấn Cương
Tags