(Thethaovanhoa.vn) - Không lâu sau khi tỷ phú Todd Boehly tiếp quản Chelsea, một cuộc “thay máu” ban lãnh đạo đội bóng đã được tiến hành.
Hội đồng quản trị mới được xác nhận có những thành viên sau: Behdad Eghbali và José E. Feliciano - chủ sở hữu đồng kiểm soát của Chelsea FC; Mark Walter - đồng sở hữu Chelsea FC, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Guggenheim Partners, chủ sở hữu của Los Angeles Dodgers, Los Angeles Lakers và Los Angeles Sparks; Hansjörg Wyss- đồng sở hữu Chelsea FC, người sáng lập Quỹ Wyss; Jonathan Goldstein - đồng sở hữu Chelsea FC, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Cain International; Barbara Charone - giám đốc và đồng sáng lập MBC PR; Lord Daniel Finkelstein OBE - người phụ trách chuyên mục và là cựu biên tập viên của The Times; James Pade - đối tác và giám đốc điều hành của Clearlake Capital.
Trong số những gương mặt trên, Barbara Charone gây chú ý nhất. Bà được chủ mới của Chelsea lựa chọn bởi 2 lý do. “Họ muốn có hai người hâm mộ của đội bóng trong hội đồng quản trị. Họ muốn có một phụ nữ. Đó là lý do họ tiếp cận tôi. Điều đó thật thú vị”, Barbara Charone nói với The Big Issue. Nếu cựu Giám đốc Marina Granovskaia được ví là “Bà đầm thép” trong lĩnh vực bóng đá, thì Barbara Charone có vị thế tương tự, nhưng trong một ngành hoàn toàn khác: Công nghiệp âm nhạc.
Hành trình trở nên nổi tiếng
Sinh năm 1952 tại Chicago (Mỹ), Barbara Charone đam mê viết báo từ khi còn học trung học, khởi nghiệp với những bài viết cho tờ Chicago Sun-Times với tư cách là cộng tác viên. Sau một thời gian học tập tại Anh trong chương trình trao đổi sinh viên, Barbara Charone yêu thích đất nước này và chuyển đến hẳn vào năm 1974, làm việc cho tạp chí Sounds, cộng tác với Rolling Stone, và loạt tạp chí như Crawdaddy!, Creem, Hit Parader, ZigZag…
Là một người hâm mộ cuồng nhiệt The Rolling Stones, Barbara Charone đã phỏng vấn ban nhạc nhiều lần, giúp bà tạo nên mối quan hệ bền chặt với nghệ sĩ guitar Keith Richards. Mối quan hệ với ban nhạc huyền thoại là bước đệm để Barbara Charone tiến tới công việc tiếp theo của mình. Năm 1981, bà từ bỏ nghề báo và bắt đầu làm việc cho Warner Music trong bộ phận quan hệ công chúng. Bà trở thành chuyên gia PR nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, làm việc với các ngôi sao như Madonna, Rod Stewart và Keith Richards. Năm 2000, Barbara Charone thành lập công ty quản lý của riêng mình, MBC, quản lý những nghệ sĩ như Foo Fighters, Depeche Mode, Lewis Capaldi,… Truyền thông từng ví Barbara Charone là “nhà PR âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Anh”.
Mối duyên với Chelsea
Thân thiết với Rolling Stone, mối quan hệ thân tình của Barbara Charone với các thành viên nhóm là lẽ đương nhiên. Với Keith Richards, Barbara Charone là bạn tâm giao, có mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng tuyệt đối. Với Rod Stewart, Barbara Charone thân thiết nhờ tình yêu bóng đá là điểm chung giữa họ.
Trong cuốn hồi ký của mình, Barbara Charone tiết lộ “Rod Stewart là một fan bự của câu lạc bộ Celtic và thực sự yêu bóng đá”. Tương tự như vậy, bà là fan của Chelsea. “Một lần, khi chúng tôi ở Thụy Điển để chụp trang bìa cho tạp chí Rolling Stone, Rod đã nhờ tôi đọc kết quả các trận đấu cuối tuần vừa diễn ra cho anh ấy. Tôi đã đọc hết, ngoại trừ trận thua thảm 0-7 của Chelsea trước Nottingham Forest. Ngày hôm sau, trước khi tôi rời Stockholm, điện thoại của tôi đổ chuông và giọng nói vang lên ‘7-0’ rồi cười. Rod đã dập máy trước khi tôi có thể nói gì đó”, Barbara Charone kể một trong những kỷ niệm về tình yêu bóng đá của họ.
Yêu Chelsea, Barbara Charone giữ vé cả mùa trong nhiều năm. Trong hơn 3 thập kỷ qua, Barbara Charone thường xuyên dành ngày nghỉ cuối tuần để tới Stamford Bridge cổ vũ cho đội bóng mình hâm mộ. Bà cũng từng có mặt trên khán đài ở Munich để chứng kiến Chelsea vô địch Champions League lần đầu tiên vào năm 2012. Và người phụ nữ nay đã 70 tuổi thậm chí đã góp phần tạo nên bài hát “Blue Day” của Chelsea tại Cúp FA.
Năm 1997, khi Warner ký hợp đồng với Madness Suggs, Barbara Charone đã rất vui. Bà biết Suggs là một người thường xuyên có mặt trên khán đài Stamford Bridge theo dõi đội thi đấu nên rất vui khi được hợp tác với nam ca sĩ. Cơ hội hợp tác giữa họ xuất hiện vào đúng năm đó, khi Chelsea lọt vào trận chung kết Cúp FA. Nhạc sĩ Mike Connaris đã mang tới cho Barbara Charone ca khúc “Blue Day” mà ông tin là “hoàn hảo” cho Suggs và “sẽ tạo nên một bài hát chung kết Cúp FA tuyệt vời”. Bằng cách nào đó, Barbara Charone đã thuyết phục được hãng WEA trả tiền cho bản thu âm và phát hành đĩa đơn.
“Tôi đã ở trong studio ở London vào một buổi chiều Chủ nhật cùng với đội trưởng Chelsea Dennis Wise, Gianluca Vialli, Mark Hughes, Steve Clarke, Gianfranco Zola. Khi cả đội rời đi, Suggs và tôi ngồi uống bia, gần như không nói nên lời, giống như trong mơ vậy. Đó là một khoảnh khắc thực sự đáng nhớ trong cuộc đời tôi”, Barbara Charone nhớ lại.
Ước mơ của Barbara Charone cuối cùng đã thành hiện thực. Chelsea đánh bại Middlesbrough trong trận chung kết với tỷ số 2-0 để đăng quang Cúp FA. “Blue Day” bùng nổ trên sân Wembley. Có mặt trên khán đài hôm đó, Barbara Charone suýt bật khóc. Bài hát giờ trở thành một phần của văn hóa của Chelsea và được phát ở mọi trận đấu trên sân nhà.
Giờ đây, với vai trò là Giám đốc, mối quan hệ giữa Barbara Charone và Chelsea sẽ bước sang một trang mới. Bà sẽ không chỉ đứng trên khán đài cổ vũ cho đội bóng với tư cách người hâm mộ mà sẽ trực tiếp hành động, góp phần đưa đội bóng đi lên. Với một thành viên “yêu Chelsea” trong ban lãnh đạo, người hâm mộ cũng sẽ có niềm tin hơn vào chặng đường tiếp theo của “The Blues”.
Khánh Đan
Tags