(Thethaovanhoa.vn) - Granit Xhaka được chọn làm người đeo băng đội trưởng của Arsenal trong mùa giải 2019-20, nhưng tố chất thủ lĩnh và những điều anh mang lại cho CLB tính đến lúc này chẳng có gì quá đáng nhớ.
Lịch thi đấu và trực tiếp bóng đá Ngoại hạng Anh vòng 7:
* 02h00 ngày 1/10: MU vs Arsenal (K+PM)
https://fptplay.vn/xem-truyen-hinh/kpm
Xem kết quả và bảng xếp hạng bóng đá Ngoại hạng Anh TẠI ĐÂY
https://www.livescore.com/soccer/england/premier-league/
Thủ lĩnh đại diện
Mạnh mẽ và cứng rắn là những từ dùng để miêu tả về lối chơi của Arsenal thời gian đầu trong kỷ nguyên Premier League. Khi đó, người đeo băng đội trưởng của họ là trung vệ Tony Adams. Anh là cầu thủ không có thể hình quá to lớn, nhưng lối chơi lăn xả, không ngại va chạm khiến Adams luôn là cái tên mà tiền đạo đối phương phải e sợ.
Sau Adams, Arsenal trao danh hiệu thủ quân cho Patrick Vieira. Lúc này, người ta nhắc tới khả kiểm soát bóng của “Pháo thủ”. Tiền vệ người Pháp chính là yếu tố quan trọng bậc nhất giúp Arsenal tạo nên mùa giải bất bại huyền thoại. Tiếp đến, Thierry Henry là người được trao băng thủ quân. Arsenal hình thành phong cách lối đá nhanh, tốc độ và vô cùng hiệu quả.
Có thể nói, băng đội trưởng không chỉ là một chức danh trong đội bóng. Người đeo chiếc băng đó, đầu tiên phải có được bản lĩnh của một người đứng đầu. Họ phải dẫn dắt được toàn đội, tạo ra được phong cách thi đấu đặc trưng. Nói cách khác, người đội trưởng giống như hình ảnh đại diện của đội bóng để khi nhắc tới anh là người ta nhớ tới CLB với phong cách thi đấu rõ ràng.
Ngoài ba cái tên nổi bật nêu trên, Arsenal cũng có những vị đội trưởng không có tố chất thủ lĩnh. Chẳng hạn như William Gallas hay Thomas Vermaelen. Và mới đây nhất chính là Granit Xhaka.
Xhaka không thể là thủ lĩnh
Granit Xhaka không bao giờ khiến CĐV Arsenal nghi ngờ tinh thần thi đấu của mình. Tiền vệ người Thụy Sỹ được các đồng đội bỏ phiếu để bình chọn làm đội trưởng nhưng dường như họ họ chỉ tính đến tinh thần thi đấu của anh mà bỏ quên đi khả năng thực sự.
Ở tuyển Thụy Sỹ, tiền vệ này thậm chí còn được trao cho chiếc áo số 10 và cả chiếc băng đội trưởng. Xhaka cũng được chọn làm đội trưởng tại Borussia Mönchengladbach khi mới chỉ 23 tuổi. Thế nhưng, có điều gì đó khiến cầu thủ này luôn thi đấu bất ổn tại Arsenal.
Trong 3 mùa giải trước, Xhaka vắng mặt tới 5 trận đấu của Arsenal vì các án phạt. Cùng với đó, anh mắc 7 sai lầm trực tiếp dẫn tới bàn thua của “Pháo thủ” tại Premier League. Đáng kể gần đây nhất có lẽ là pha vào bóng thô bạo của anh đối với cầu thủ Tottenham khiến đội bóng phải chịu phạt đền. Đó cũng là lần thứ 5 anh khiến Arsneal phải chịu phạt đền tại Premier League. Xhaka là cầu thủ dày dặn kinh nghiệm, nhưng thực tế cho thấy anh chẳng mấy khi sử dụng kinh nghiệm của mình khi cần.
Mặc dù lựa chọn Xhaka làm đội trưởng, nhưng HLV Unai Emery đồng thời cũng chọn tới 4 đội phó cho Arsenal. Điều này cho thấy ông cũng lo lắng về những bất ổn phong độ của Xhaka và sẵn sàng thay thế cầu thủ này khi cần. Trong trận đấu với Aston Villa, khi đang thua 1-2 và trận đấu chỉ còn 18 phút, HLV Emery rút Xhaka ra sân, dành niềm tin cầu thủ trẻ 20 tuổi Joe Willock chứ không phải người đội trưởng của CLB.
Xhaka vẫn sẽ là người dẫn các cầu thủ Arsenal ra sân trong trận đấu với MU sắp tới. Xa hơn, đó là các trận đấu mùa này. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, vai trò và tầm ảnh hưởng của anh sẽ thể hiện như thế nào?
Trước đây, khi William Gallas không thể hiện vai trò đội trưởng, HLV Wenger đã chuyển băng đội trưởng cho Cesc Fabregas lúc này mới 21 tuổi. Đặc biệt, quyết định của HLV người Pháp xảy ra vào giữa mùa (24/11/2008). Câu chuyện này hoàn toàn có thể làm nền tảng cho HLV Emery thay đổi đội trưởng CLB mà không nhận quá nhiều chỉ trích.
Quý Dậu
Tags