M.U và Porto vào tứ kết Champions League: Chàng hiệp sĩ mang tên VAR

Thứ Sáu, 08/03/2019 08:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Người hâm mộ bóng đá châu Âu vừa trải qua một đêm đầy cảm xúc với những màn ngược dòng đầy kịch tính và hấp dẫn. Và điểm chung của chúng là đều có dấu ấn rất lớn của Công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR).

CĐV M.U muốn dựng tượng và trao hợp đồng trọn đời cho Solskjaer

CĐV M.U muốn dựng tượng và trao hợp đồng trọn đời cho Solskjaer

Các CĐV của M.U đã bàng hoàng và không thể tin nổi khi M.U với một đội hình què quặt vì chấn thương và những cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm đã vượt qua PSG ngay trên sân khách để đoạt vé vào Tứ kết Champions League.

1. Trận đại chiến giữa PSG và M.U ở Parc des Princes đã bị đẩy lên cao trào vào phút cuối cùng khi trọng tài Skomina quyết định dừng trận đấu để tham khảo VAR, dựa theo đề nghị của tổ trọng tài video về tình huống Kimpembe bị cho là chạm tay trong vòng cấm sau cú sút của Diogo Dalot. Khoảng thời gian ngắn ngủi ấy bỗng dưng dài như thế kỷ, với cả các fan M.U và PSG. Và khi quyết định được đưa ra, thật khó có thể mô tả được sự trái ngược về hai thái cực cảm xúc của cầu thủ và CĐV 2 đội.

Quyết định của ông Skomina, với sự trợ giúp của VAR đã đóng đinh số phận PSG, và mang về một cuộc lội ngược dòng kỳ vĩ bậc nhất trong lịch sử Champions League. Với các fan M.U, VAR là chàng hiệp sĩ có mặt cực kỳ đúng lúc để mang lại cái kết có hậu cho câu chuyện cổ tích của họ. Trong khi đó, UEFA có lẽ cũng khá hể hả, bởi sự kịch tính đó là điều họ luôn mong chờ.

Ở một mức độ ít được quan tâm hơn, song cũng không kém phần kịch tính, Porto đã giành chiến thắng 4-3 chung cuộc trước Roma nhờ một quả phạt đền được thổi trong hiệp phụ, sau khi tham khảo VAR về tình huống Florenzi kéo ngã Fernando.

HLV Ole Solskjaer "tiết lộ" kế hoạch giúp M.U đánh bại PSG

2. Tất nhiên, người vui ắt phải có kẻ buồn. Neymar, người đã phải ngồi ngoài trong trận lượt về gặp M.U, tỏ ra cực kỳ phẫn nộ. "Thật nhục nhã. UEFA chọn 4 gã chẳng biết gì về bóng đá để xem lại VAR bằng băng quay chậm. Tình huống chạm tay đơn giản là không tồn tại. Thế quái nào lại cố tình chạm tay được khi đang quay lưng chứ? Khốn kiếp". Còn Chủ tịch Roma James Pallotta thì ca cẩm: “Roma đã bị ăn cướp. Tôi mệt mỏi với VAR lắm rồi”.

Đây không phải lần đầu, những quyết định của VAR bị chỉ trích. Ở lượt đi, việc phạt Otamendi vì để bóng chạm tay có phần quá nặng nề, và trọng tài Carlos del Cerro phải mất hơn 4 phút mới đưa ra được quyết định. Ajax cũng thua Real Madrid bởi một tình huống gây tranh cãi, khi Vazquez đã phạm lỗi rõ ràng với De Jong trước khi ghi bàn, nhưng VAR lại không lên tiếng.

Sau đó, vì Man City vẫn thắng Schalke nên Pep vẫn bảo vệ quyết định dùng VAR, còn Ajax thì vừa rồi đã lội ngược dòng ngoạn mục trước Real Madrid ở lượt về, nên những tranh cãi ở lượt đi cũng chìm dần.

3. Có thể hiểu được sự tức giận của Neymar, nhưng rõ ràng đội bóng của anh phải tự trách chính họ, thay vì đổ thừa cho VAR. Chiến thắng 2-0 ngay tại Old Trafford đã mở toang cánh cửa vào tứ kết, giúp họ có lợi thế cực lớn ở lượt về. Đối thủ của họ gần như chấp hàng tiền vệ khi vắng ba trụ cột đáng chú ý nhất (Pogba, Matic, Herrera) trong tổng số 10 cầu thủ phải ngồi nhà. Thế nhưng chính PSG đã liên tiếp mắc những sai lầm đáng trách (Kehrer chuyền về hỏng, Buffon để bật bóng) và đã bị trả giá.

Ở chiều ngược lại, M.U được cho là may mắn. Đúng, nhưng điều quan trọng là họ chớp được những cơ hội ấy cực tốt. Nếu Lukaku không thể hiện nhạy cảm ghi bàn bén nhọn của mình, M.U chắc gì đã nhận được “món quà” của hàng thủ PSG. Nếu Rashford không đủ bản lĩnh trong lần đầu đá 11m cho M.U, liệu Quỷ đỏ có làm nên cuộc lội ngược dòng lịch sử?

Bởi vậy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, cho những khoảnh khắc tuyệt vời trên sân cỏ.

Tuấn Cương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›