(Thethaovanhoa.vn) - Từ Porto, Chelsea (2 lần), Inter Milan, cho đến Real Madrid, Jose Mourinho đều rất thành công ở mùa giải thứ hai của mình. Với M.U, đó vừa là một tín hiệu vui, nhưng cũng tiềm ẩn những áp lực rất lớn.
- Conte sẽ theo vết xe đổ của Mourinho?
- Jose Mourinho: 'Tôi rất bình tĩnh. Mùa trước M.U cũng thế này rồi cuối cùng xếp thứ 6'
- Jose Mourinho: ‘M.U hoàn toàn có thể vô địch Premier League’
Rất nhiều mỹ từ đã được dành cho thầy trò Jose Mourinho, sau khởi đầu đầy ấn tượng với chiến thắng 4-0 trước West Ham ở vòng mở màn Premier League 2017-18. Nhưng thật ra, những bài test thực sự vẫn còn nằm ở phía trước.
Sự thận trọng của Mourinho
"Mùa trước, chúng tôi cũng đứng đầu bảng sau lượt trận đầu tiên rồi cuối cùng xếp thứ 6 nên chiến thắng này chẳng có ý nghĩa gì cả. Nó chỉ có nghĩa là chúng tôi đã chơi tốt ngày hôm nay với đẳng cấp cao và thử thách cho M.U là duy trì đẳng cấp này”, Mourinho nhấn mạnh như vậy sau khi đội nhà đè bẹp West Ham 4-0.
Sự thận trọng ấy là có cơ sở. Mùa trước, M.U thậm chí còn khởi đầu bằng ba chiến thắng liên tiếp trước Bournemouth, Southampton, và Hull City. Nhưng ngay sau đó, trong trận đấu lớn đầu tiên của mùa giải gặp Man City trên sân nhà, họ gục ngã 1-2. Với áp lực tâm lý đè nặng, M.U thua sốc 1-3 trước Watford, nhưng đáng quên nhất là trận đại chiến với Chelsea hồi tháng 10/2016, khi họ thảm bại đến 0-4. Cùng với việc để hòa quá nhiều, M.U đã phải kết thúc mùa giải 2016-17 ở vị trí thứ sáu. Họ chỉ giành vé dự Champions League nhờ vô địch Europa League.
Đó là lý do Mourinho đang muốn giữ đôi chân của các cầu thủ vững vàng trên mặt đất. Lịch thi đấu của M.U ở giai đoạn đầu mùa khá thuận lợi khi họ không phải đụng một đối thủ nào trong Top 5 mùa trước ở 7 vòng đấu đầu tiên. Phải đến ngày 14/10, thầy trò Mourinho mới đá trận Big Bang đầu tiên khi làm khách trên sân Liverpool. Nhưng bài học từ mùa giải trước còn nóng hổi. Nếu không thể thoát hẳn khỏi căn bệnh hòa và đánh mất những điểm số đáng tiếc ở hai tháng đầu mùa, M.U sẽ đối mặt với áp lực cực lớn ở giai đoạn sau đó.
Phải tin ở Mourinho
Vì sao Mourinho luôn thành công ở mùa giải thứ hai khi dẫn dắt các đội bóng? Chắc chắn đó không phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Mùa giải đầu tiên ở đội bóng nào cũng là thời điểm Mourinho xem xét, đánh giá hiện trạng và đưa ra một số thay đổi nhất định với đội hình thừa hưởng lại từ người tiền nhiệm. Sau khi có thời gian nghiền ngẫm, đánh giá xem cần bổ sung chỗ nào, điều chỉnh chỗ nào cho phù hợp, ông sẽ chi tiêu mạnh tay ở mùa giải thứ hai để đạt mục đích của mình. Ở mùa giải thứ hai, với lối chơi đã được định hình rõ ràng hơn, với các trụ cột đã thấm nhuần triết lý của Mourinho hơn, đội bóng ấy đã có nền tảng vững chãi hơn để hướng tới thành công hơn.
Điều tương tự đang diễn ra ở M.U. Để phát huy sức mạnh phòng thủ, ông đã giữ chân được David De Gea, và bổ sung Victor Lindelof cho hàng thủ (tiếc là anh chưa kịp hòa nhập với đội bóng mới). Để giải phóng bớt nhiệm vụ phòng ngự cho Paul Pogba, ông đưa Nemanja Matic về. Và để tăng cường sức mạnh cũng như tốc độ cho hàng công, Romelu Lukaku đã cập bến Old Trafford, trong khi Ibrahimovic hết hợp đồng còn Rooney thì được thanh lý sang Everton.
Những vị trí mà Mourinho theo đuổi ở mùa giải này, thực ra rất rõ ràng. Ông cần 4 lựa chọn chất lượng cho 4 vị trí cụ thể, và đã được đáp ứng 75%. 25% còn lại sẽ là mục tiêu từ giờ cho đến hết kỳ chuyển nhượng mùa hè. Mourinho cần tăng cường khả năng tạt bóng từ biên trái, điều mà những Matteo Darmian, Daley Blind, hay Martial khá yếu. Đó là lý do ông đã theo đuổi Ivan Perisic và Danny Rose. Những thương vụ này đều chưa có tiến triển nhiều, nhưng ít nhất BLĐ M.U cũng đã nhìn ra được đâu là điểm yếu còn tồn tại của mình, và họ vẫn còn thời gian để xử lý nó trước khi quá muộn.
Chính những sự tiến bộ ấy, chứ không đơn thuần là kết quả trên bảng tỷ số, mới là dấu hiệu đáng khích lệ cho một mùa giải thành công. Chúng ta cần phải tin vào Mourinho, như chính ông vẫn luôn tin tưởng vào bản thân mình vậy.
Tuấn Cương
Tags