Mourinho luôn bị ám ảnh bởi điều gì?

Thứ Bảy, 29/10/2016 12:57 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi HLV đều có một triết lý bóng đá riêng. Chúng ta có thể rất hiểu và luận bàn rất hào hứng về triết lý đó, nhưng có lẽ chúng ta chưa bao giờ đặt ra một câu hỏi rằng “tại sao họ lại lựa chọn triết lý ấy?”.

1. Rất nhiều người hiểu rằng Mourinho xây dựng đội bóng dựa trên cơ sở không được để lọt lưới trước đã, rồi sau đó tính đến chuyện ghi bàn kiếm chiến thắng. Ông cũng chủ trương chơi kiểm soát thế trận hơn là kiểm soát bóng, với tuyên bố nổi tiếng rằng “Càng cầm bóng nhiều, càng có nguy cơ mắc sai lầm. Vậy thì tại sao không để đối phương cầm bóng và bộc lộ sai lầm nhỉ?”.

Nhưng có bao giờ chúng ta lại tự hỏi: “Vì sao ông say mê triết lý đó? Vì sao ông theo đuổi nó, dù ông từng coi mình là học trò của những HLV ưa thích kiểm soát bóng cũng như đã có thời gian làm việc ở Barcelona, một đội bóng hàng đầu về kiểm soát bóng?”.

Phải chăng, Mourinho ở đó, trong vai trợ lý, và nhận ra những nhược điểm của lối bóng đá ấy, để rồi hun đúc cho mình một triết lý riêng?

Phải chăng, Mourinho “căm hận” Barca tới mức luôn muốn đánh bại Barca, hoặc coi Barca là cái thước đo của đỉnh cao, và phải chinh phục đỉnh cao ấy, nên ông tạo ra cho mình thứ triết lý đi ngược lại với Barca?

Tương lai của Man United nằm ở cả tuyến giữa

Tương lai của Man United nằm ở cả tuyến giữa

Eric Bailly chấn thương, Man United đau đầu hàng thủ. Ibrahimovic tịt ngòi, Quỷ đỏ đau đáu với hàng công. Song vấn đề thực sự khiến đội chủ sân Old Trafford chính là việc Jose Mourinho chưa định hình được một bộ khung cho tuyến giữa.

Phải chăng, khi còn làm trợ lý, Mourinho từng bị phớt lờ mỗi khi đưa ra ý kiến, và ông quyết chứng minh mình đúng bằng triết lý của mình?

Tất cả các câu hỏi ấy đều rất khó tìm đáp án…

2. Chúng ta nói, Pep luôn bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Vậy thì Mourinho luôn bị ám ảnh bởi điều gì?

Có một câu chuyện mà ta nên tham khảo về Mourinho. Ông rất thân với một phóng viên thể thao tên là Robert Beasley. Hồi tháng 12/2014, ông nhắn tin hỏi Beasley rằng: “Giúp tôi. Tìm hiểu xem thằng nào là đứa quyết định trong cái giải thưởng HLV của tháng đầy giẻ rách kia nhé”. Sau đó, ông “tâm sự” với Beasley, đầy nóng giận: “Tính đến hết tháng 11, kể từ ngày đầu khai mạc giải tới đó, tôi đứng ở đầu bảng, không thua trận nào. Vậy mà tôi không được cái giải ấy cả tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười và tháng Mười Một. Xem này, ai mới được nó gần nhất? Alan Pardew. Hắn thua trước West Ham, còn tôi thắng tất, kể cả trên sân Liverpool. Không bình thường phải không nào. 4 năm tôi làm việc tại Anh, tôi đoạt 2 danh hiệu, 2 lần á quân vậy mà tôi chỉ được giải thưởng ấy có 2 lần (thực ra là 3, Mourinho nhớ nhầm)”.

Beasley kể lại hết điều đó trong cuốn sách mà ông mới viết về Mourinho. Và có vẻ như nó cho ta hiểu, Mourinho ám ảnh bởi thành tích, cả của CLB lẫn thành tích cá nhân.

Thắng Pep Guardiola, Mourinho chưa hết áp lực


3. Sự ám ảnh ấy có thể thôi thúc ông đến với một triết lý thực dụng tối đa, tất cả chỉ nhằm tới đúng một thứ duy nhất: Thành tích. Và câu hỏi của ông với Beasley càng cho chúng ta thấy rõ hơn về Mourinho. Đó là một con người thích được vinh danh, thích minh chứng mình là số một, bất chấp việc ở năm 2014, ông đã có cả danh hiệu Champions League với Inter trong tay.

Như vậy, tâm lý Mourinho có vẻ đã được phơi bày khá rõ ở đây. Ông như một con sư tử, luôn vùng lên chống lại mọi thứ để minh chứng giá trị của mình, kể cả khi điều đó không còn là cần thiết nữa.

Và một khi đã cố minh chứng điều đó, ông khó lòng có thể tạo dựng được một tập thể mạnh bởi đơn giản, cầu thủ không có nhu cầu phải làm gì đó để chứng minh HLV của mình có giá trị.

Nietzsche từng viết, tinh thần người đàn ông đầu tiên là con lạc đà, mang vác tất cả, tin vào bất kỳ điều gì được nghe. Rồi dần dần, nó biến thành con sư tử, một mình chống lại mọi giá trị áp đặt lên mình. Để cuối cùng, nó trở thành đứa trẻ, thuận với lẽ tự nhiên và vòng quay của đời sống. Có lẽ, ở tuổi 50 này, Mourinho nên buông bỏ cái gánh nặng của mình, buông bỏ cái nhu cầu minh chứng từ thời tuổi trẻ của mình, bởi với một đội bóng như Man United, họ cần một HLV biết thuận theo thời thế, với môi trường và vòng quay của đời sống để chơi bóng một cách cảm xúc nhất…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›