Man.United - Man.City: Derby kinh điển

Thứ Bảy, 22/10/2011 19:07 GMT+7

Google News

(TT&VH Cuối tuần) - Sự vươn lên mạnh mẽ của Man. City trong vài năm gần đây khiến cán cân quyền lực bóng đá ở Manchester dần thay đổi, khi Man. United đứng trước nguy cơ đánh mất sự thống trị vốn đã kéo dài. Trận tranh Community Shield hồi tháng 8 vừa qua là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến nảy lửa giữa hai đại gia thành Manchester.

Sự vươn lên của “Man Xanh” và động lực cho “Man Đỏ”

Đã từng có lúc, sau trận chung kết FA Cup ở Wembley, một tấm băng-rôn khổng lồ đã được giăng lên. Nội dung trên đó nói lên tất cả: “United (Manchester United). Vô địch Anh. City (Man. City). Vô địch FA Cup. Manchester. Thủ đô của bóng đá”. Không phải là trước trận tranh Community Shield mùa này, mà là ở trận chung kết FA Cup năm 1956. Tuy nhiên, khi mùa bóng 2011-2012 khởi đầu, tấm băng-rôn nửa thế kỷ trước hoàn toàn có thể được dùng lại.

Lượt trận thứ hai mùa này có lẽ là những lời tuyên bố hùng hồn nhất của thành phố Manchester. Vài giờ sau khi Man. City đè bẹp Tottenham 5-1 ngay tại White Hart Lane, trên sân nhà Old Trafford, Man. United buộc Arsenal chấp nhận thất bại nặng nề nhất trong một thế kỷ với tỉ số 8-2. Tỉ số chung cuộc của hai cuộc đối đầu là Manchester 13, London 3.

Roberto Mancini với sứ mệnh khó khăn, giúp Man. City

phế ngôi của Man. United - Ảnh Getty

Với Chelsea đang trong quá trình chuyển đổi, Arsenal sa sút và sự hồi sinh của Liverpool vẫn còn xa, Premier League có nhiều lý do để tin vào một cuộc đua song mã ở thành phố Manchester trong mùa giải này. Bỗng nhiên, một thành phố ở miền bắc có thể sẽ thống trị giải Ngoại hạng, thậm chí có thể là châu Âu, trong nhiều năm sắp tới. Nhưng để đến được vị trí như bây giờ, cả Man. United và Man. City City đã trải qua một quá trình kéo dài.

Manchester không tiếp tục thống trị nước Anh sau năm 1956. Ngoài chức vô địch năm 1968, xếp hạng hai và giành Cúp C2 năm 1970 và một League Cup năm 1976, nửa xanh của thành phố Manchester không cạnh tranh nổi với kình địch của họ. Có thể nhiều người đã xem các trận derby Manchester qua truyền hình hơn so với ở Madrid hay Milan, nhưng trong khi Atletico và Inter, những đội ít truyền thống hơn ở các trận derby, cũng là những thế lực đáng sợ ở Tây Ban Nha và Ý, thì Man. City chỉ là cái bóng mờ của Man. United, nhất là trong giai đoạn Premier League. “City không hề được coi là một mối đe dọa với chúng tôi”, cựu tiền đạo Man. United, sau này chuyển sang chơi cho Man. City, Andrew Cole nói. “Chúng tôi tôn trọng họ như với mọi đối thủ khác, nhưng họ có tầm quan trọng với các cổ động viên hơn là với các cầu thủ. Đối thủ đích thực của chúng tôi trên sân là Liverpool và Arsenal”.

Man. United đã ăn mừng hết chiến thắng này đến chiến thắng khác trong hai thập kỷ qua, trong khi người hàng xóm của họ thăng giáng ở Premier League như một con lắc lò xo. Bài hát ưa thích của các cổ động viên áo đỏ mỗi khi hai đội gặp nhau thời đó là “hóa ra đây là Man. City, giờ thì chúng tôi đã hiểu cảm giác của một đội bóng nhỏ”. Cay đắng hơn với các cổ động viên áo xanh, năm 1997, khi họ rớt xuống giải khi đó là hạng Ba (giờ là League One, dưới Premier League và Championship), những hàng xóm đáng ghét của họ đã sửa lời bài hát thành: “Thôi, thế là chúng ta chẳng bao giờ gặp nhau nữa rồi”. Rồi ngay cả khi Man. City trở lại với Premier League và trụ lại được ở đó dưới thời Kevin Keegan, Man. United vẫn dễ dàng đánh bại họ trong những cuộc đối đầu.

Sự coi thường của các cổ động viên áo đỏ với những người hàng xóm không thay đổi nhiều khi vị cứu tinh tiếp theo xuất hiện ở Eastlands, cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, vào năm 2007. Tiện thể quảng bá cho du lịch trong nước, ông Shinawatra mở những quầy thức ăn Thái miễn phí cho các cổ động viên trong ngày diễn ra trận đấu gần sân City of Manchester và tổ chức thêm các màn kick-boxing bên ngoài sân vận động. Nhưng rất nhiều cổ động viên áo xanh thấy lo lắng về ông chủ mới, và hàng nghìn người quyết định trả lại vé xem cả mùa. Vài tuần sau đó, Man. City thậm chí không thể bán hết vé trận derby.

Nhưng mối kình địch xuyên thành phố đã có sự thay đổi trọng đại vào ngày cuối cùng của tháng 8/2008, khi Shinawatra, đang phải lưu vong và bị niêm phong tài sản ở trong nước, bán lại câu lạc bộ cho một tập đoàn bí ẩn tại Abu Dhabi. “Ngày hôm đó giống như một giấc mơ kỳ lạ nhưng dễ chịu”, Howard Hockin của tạp chí cổ động viên Man. City King of The Kippax, nhớ lại. “Khoảnh khắc mà đài truyền hình Sky công bố Robinho trở thành cầu thủ của City thật đặc biệt”.

Nhưng ngay cả sau đó, khi Mark Hughes, rồi Roberto Mancini loay hoay tìm cách gắn kết những bản hợp đồng đắt tiền mới, chỉ số lòng tin vào đội bóng áo xanh vẫn rất thấp. “Man. City tiếp tục được chờ đợi sẽ thất bại như mọi khi và có cảm giác nếu như có thể lãng phí tiền bạc ở đâu, thì đó chính là tại Man. City”. Andy Spinoza, một cổ động viên trung thành khác của Man. City, thừa nhận: “Thậm chí đến tận tháng 4, chúng tôi vẫn chỉ tỏ ra là sung sướng và cố giả vờ như một đội bóng lớn, nhưng rồi chúng tôi chắc suất dự Champions League, rồi đánh bại họ ở chung kết Cúp FA và giành luôn cúp”.

Vài tuần sau đó, tấm băng-rôn nổi tiếng ở Old Trafford đếm số mùa giải không danh hiệu của Man. City bị gỡ xuống. Những đề xuất sau đó về một tấm băng-rôn mới liệt kê số năm kể từ lần gần nhất Man Xanh vô địch giải Ngoại hạng bị bác bỏ trong im lặng. Giờ đây, thảm họa với Man. City không còn là việc xuống hạng nữa, mà là không giành được những danh hiệu lớn nhất và vượt mặt người láng giềng đáng ghét.

Điều đó càng làm mối kình địch thêm gay gắt. Giờ đây, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt nhất cũng khiến hai nửa xanh đỏ của thành Manchester muốn ăn thua với nhau. “Các cổ động viên áo đỏ thấy thật nhẹ nhõm sau khi sút tung lưới Arsenal tám bàn vào ngày họ thắng 5-1 ở Spurs, giật lại ngôi đầu bảng từ tay họ nhờ hơn hiệu số bàn thắng bại”, một cổ động viên Man. City viết trên tờ tạp chí của Man. United, United We Stand. “Thật buồn là họ đã nhìn như một đội bóng thật sự”. Không nghi ngờ là những cổ động viên áo đỏ nhiệt thành bắt đầu thấy sợ hãi đôi chút.

Không có gì lạ khi những cảm xúc như thế dẫn tới tình trạng bạo lực và cảnh hỗn loạn vào cuối trận bán kết Cúp FA và bầu không khí trước trận tranh Community Shield cũng hừng hực như thế. Nói điều này có vẻ lạ, nhưng chính mối kình địch trở nên gay gắt đó cũng có ích cho Man. United, khi chính Alex Ferguson và các cầu thủ của ông đều tìm thấy thêm một động lực quan trọng nữa cho hành trình chinh phục đã kéo dài 25 năm qua của họ: làm im miệng gã hàng xóm ồn ào đáng ghét. Thật vậy, trận thua ở bán kết Cúp FA của Man. United cũng cho Ferguson nhiều lý do để đầu tư cho đội hình trẻ như thất bại tại Wembley trước Barcelona ở chung kết Champions League vậy.

Bóng đá làm hồi sinh một thành phố

Các cổ động viên của Man. City có thể không muốn thừa nhận, nhưng Man. United là kẻ thống trị đích thực không chỉ ở Manchester, mà trên cả nước Anh cả về thành tích trên sân bóng, số cổ động viên lẫn doanh thu và ảnh hưởng toàn cầu. Người hâm mộ đổ về Old Trafford từ khắp nơi trên thế giới, Ireland, bán đảo Scandinavia hay vùng Viễn Đông xa xôi. Lượng khán giả này đặc biệt lớn vào những ngày diễn ra các trận đấu có tính chất quốc tế ở Champions League, điều mà giờ đây Man. City mới bắt đầu được trải nghiệm.

Wayne Rooney và bàn thắng “kinh điển” vào lưới Man. City - Ảnh Getty

Với dân bản địa, sự phát triển của bóng đá góp phần vào việc xây dựng lại hình ảnh cho thành phố trước kia chỉ được biết đến như một khu công nghiệp bụi bặm ở miền bắc Anh lạnh lẽo. “Khi tôi tới đây lúc còn là sinh viên hồi năm 1979, thành phố trông như Berlin sau chiến tranh”, Spinoza nhớ lại. So với các đô thị khác ở châu Âu, rõ ràng là Manchester gặp vấn đề về hình ảnh, không chỉ trong mắt du khách, mà với chính người dân thành phố. Khi Barcelona gặp Man. United năm 1994, các tờ báo ở xứ Catalan đã đăng những bức hình về những bãi rác và những con kênh đen đúa ở thành phố này, như một cách so sánh giữa hai đội bóng, giữa Manchester và Barcelona hào nhoáng lộng lẫy.

Nhưng những thành công của Man. United, và nguồn tiền bạc khổng lồ mà Man. City nhận được sau này đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố. Trực tiếp, hai sân bóng khang trang hoành tráng kèm theo là những sân tập, các cơ sở hạ tầng cho đội bóng, cho các cầu thủ triệu phú, những gian hàng lưu niệm đẹp đẽ bắt mắt, thực sự biến Manchester thành thiên đường cho các cổ động viên bóng đá. Gián tiếp, tiếng tăm của hai đội bóng góp phần quan trọng giúp Manchester trở thành chủ nhà của đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung 2002, thu hút những đầu tư lớn về hạ tầng giúp nâng cấp đáng kể bộ mặt thành phố. Những siêu sao bóng đá như David Beckham hay Carlos Tevez cũng đã khiến Manchester trở thành một điểm đến hấp dẫn với ngay cả các du khách không thật sự thích thú với bóng đá.

Tất cả những điều đó, danh tiếng của Man. United và tiền bạc của Man. City, giúp cho Manchester, ngay giữa thời buổi khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở châu Âu, vẫn đang nhộn nhịp ồn ào với ba dự án khổng lồ: quy hoạch lại khu đất xung quanh Eastlands của Man. City, trụ sở mới của ngân hàng Co-op diện tích 14 hecta và dự án MediaCity UK ở bến phà Salford. Ngoài ra, Bảo tàng bóng đá quốc gia Anh cũng sẽ sớm được chuyển từ Preston về Manchester. Thành phố chắc chắn đã trở thành thủ đô của bóng đá Anh và giờ các phương tiện truyền thông đang kháo nhau liệu nó có thể trở thành thủ đô bóng đá của cả châu Âu, và thế giới nữa, hay không. Giấc mơ đó đã khiến Manchester bỗng nhiên trở thành một đô thị trẻ trung đầy sức sống. Những chiếc áo đấu xuất hiện khắp nơi trên mọi đường phố. Ngay chính các cổ động viên Man. United, dù không nói ra, cũng thích thú với sự trỗi dậy của Man. City. Nó mang tới một không khí hoàn toàn mới cho Manchester.

Nếu như có gì đó mà những ông chủ làm bóng đá tại đô thị miền bắc Anh còn chưa thể thay đổi, thì đó chỉ là do khách quan. Chẳng hạn, với một ngôi sao nói tiếng Tây Ban Nha, vốn thường là những người mang đến nhiều cảm xúc nhất trên sân bóng vào lúc này, thì Barcelona hay Real Madrid vẫn là lựa chọn ưu tiên hơn. Alexis Sanchez, tiền vệ người Chile được cả Barca, Man. United và Man. City theo đuổi, đã chọn Tây Ban Nha thay vì Anh, nơi anh có thể kiếm được nhiều tiền hơn, một phần quan trọng là vì lý do ngôn ngữ. Ngoài ra còn có vấn đề thời tiết, bởi ở Manchester, trung bình mỗi năm có 183 ngày mưa.

Cuộc đua tiền

Nếu như trên sân bóng, Mancini đang dần xây dựng được một đội hình đủ mạnh đẻ cạnh tranh với Man. United thì bên ngoài sân cỏ, Man. City hiểu rằng họ vẫn còn một khoảng cách rất xa so với người láng giềng. Thật vậy, mỗi khi nhắc đến cái tên Manchester, các cổ động viên thường nghĩ đến màu áo đỏ, ít ra là cho tới tận gần đầy. Man. City cũng vừa có một buổi ăn mừng nhỏ đánh dấu cột mốc họ có 1 triệu người hâm mộ trên Facebook, khi mà Man. United đã có 19 triệu. Nhưng nếu như giành được các thành công trên sân bóng, Man Xanh có thể tự tin rằng khoảng cách đó sẽ được rút ngắn nhanh chóng. Một hiện tượng nữa, là nếu như trước kia, Man. United lừng lẫy đến mức có một lực lượng cổ động viên căm ghét đông đảo không kém, thì Man. City cũng đang trải qua cảm giác như thế khi sự giàu có bất ngờ và những màn chơi trội trên thị trường chuyển nhượng của họ bị ganh tị, thù hằn và khinh miệt.

Điều này là chưa từng có tiền lệ, và chính Man. United cũng không phải là một đội tằn tiện gì. Đội hình xuất phát mà Ferguson sử dụng trong trận derby Manchester thua 1-5 hồi tháng 9/1989 khi đó là đội hình đắt giá nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng. Từ khi ông đến Old Trafford cho tới lúc giành được danh hiệu đầu tiên, Ferguson đã chi ra gần 18 triệu bảng cho 14 cầu thủ, gấp ba lần so với của Arsenal. Tính tổng số thì ít hơn đôi chút so với Liverpool, nhưng tính số tiền bình quân cho một cầu thủ thì đội chủ sân Anfield đã tiết kiệm hơn nhiều.

Kể từ đó, ngoài Man. United và Arsenal, những đội bóng lâu đời, giàu thành tích, lắm tiền nhất giải và ngày càng hùng mạnh hơn nhờ vào những nguồn thu dồi dào từ các danh hiệu và tiền bản quyền truyền hình ở Premier League, Champions League, chỉ hai đội bóng khác chen chân được vào cuộc đua vô địch ở Anh, Blackburn năm 1995 với sự đầu tư mạnh tay của triệu phú Jack Walker và Chelsea mới gần đây, được xây dựng trên đống tiền của tỉ phú Nga Roman Abramovich.

“Sự thành lập nhóm G14 và những đe dọa về một giải đấu siêu đẳng ly khai, cùng với việc các đội bóng lần lượt trở thành doanh nghiệp cổ phần và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống truyền hình trả tiền đã đảm bảo cho sự thống trị của những đội bóng lớn một cách bền vững trong ít nhất 20 năm”, Howard Hockin phân tích. “Không có cách gì phá vỡ cartel đó nếu không có thật nhiều tiền. Và các cổ động viên Man. City chúng tôi bị coi như những người vừa trúng số. Chúng tôi càng bị căm ghét hơn”. Tuy nhiên, với những người hâm mộ áo xanh chưa được chứng kiến đội nhà đăng quang lần nào trong suốt 30 năm qua, thái độ của họ là dễ hiểu. “Chúng tôi chẳng quan tâm”, Hockin nói.

Do đều đã đầu tư rất lớn, cuộc chiến để tạo ra doanh thu ở Manchester cũng sẽ khốc liệt không kém cuộc chiến trên sân cỏ. Man. City đang cố gắng tạo ra một cơ sở cổ động viên trên toàn cầu hầu như từ con số không. Nhưng chặng đường phía trước còn rất dài và ở đấu trường này, Man Xanh đang bị dẫn trước khá xa. Chỉ riêng từ các hoạt động thương mại, bao gồm chuỗi quán cà phê chủ đề mở tại Viễn Đông, Man. United thu về 100 triệu bảng. Trong khi tổng doanh thu của Man. City cũng chỉ mới đạt 100 triệu bảng vào mùa trước, bao gồm cả 43 triệu bảng từ các hợp đồng tài trợ rộng rãi đến đáng ngờ với các công ty có trụ sở tại Abu Dhabi.

“Đây là một trong những hợp đồng bóng đá quan trọng nhất”, Giám đốc điều hành Man. City Gary Cook nói về việc đổi tên sân City of Manchester thành Etihad, tên của hãng hàng không quốc gia Abu Dhabi. Nhiều người nghi ngờ điều đó, như huấn luyện viên Arsenal Arsene Wenger. Ông cho rằng đó chỉ là chiêu lách luật công bằng tài chính của Man. City mà UEFA quy định các câu lạc bộ phải đạt mức hòa vốn vào năm 2013 nếu muốn tham dự các cúp châu Âu. Man. United có lẽ sẽ đạt được điều đó không mấy khó khăn, nhưng với Man. City lúc này, họ bắt buộc phải giở nhiều trò nữa, bởi vì đối thủ đã xuất phát trước họ quá xa. Ngoài việc cắt giảm chi tiêu, cho mượn bớt những cầu thủ lương cao, tăng doanh thu là điều bắt buộc. Man. City có thể chưa bán được nhiều áo đấu như Man. United tại Malaysia hay Singapore, nhưng họ sẽ phải nhắm đến những thị trường đó.

Và để kiếm thêm tiền, điều quyết định với một đội bóng vẫn sẽ là những gì họ làm được trên sân. Tất cả khiến cuộc đối đầu Xanh-Đỏ ở Old Trafford cuối tuần này trở nên đáng xem hơn bao giờ hết.

Trần Trọng



Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›