(Thethaovanhoa.vn) - Chiếc thẻ đỏ của Metersacker, bàn thắng đẳng cấp của Costa và chiếc băng đội trưởng của Walcott là điểm nhấn của trận Arsenal – Chelsea vừa rồi. Và chừng đó đủ lý giải tại sao dù đã trải qua 12 năm trắng tay ở Premier League, Wenger vẫn được kính trọng.
1. Không ít người thắc mắc tại sao Walcott mang băng đội trưởng ngay từ đầu trận, chứ không phải Metersacker như lệ thường? Câu hỏi ấy thực ra không khó để lý giải nếu ta nhìn vào các đội trưởng Arsenal trước đây và những dữ kiện của Arsenal hôm nay.
Trước trận Arsenal – Chelsea, Patrick Vieira có tiết lộ anh làm việc tại Man City là bởi chẳng có lời mời nào từ Arsenal cả. Và trong trận ấy, cũng như các trận Chelsea – Arsenal ở mùa trước, Cesc Fabregas tiếp tục bị các CĐV la ó như kẻ phản bội. Chính Arsenal đã không chọn lựa Fabregas dù họ vẫn còn quyền mua khi Barca không cần Fabregas nữa chứ không phải Fabregas đã từ chối Arsenal mà khoác áo Chelsea. Dễ hiểu thôi, cả Vieira và Fabregas đều có động thái lìa bỏ Arsenal khi họ đang là đội trưởng, cầm đầu một thế hệ mới mẻ ở Emirates và chính việc họ bỏ đi đã tạo nên một Arsenal cứ dang dở với dự án tái thiết của mình.
Wenger không cho họ cơ hội thứ hai với Arsenal không phải ông muốn trả thù mà đơn giản, ông không muốn sự trở lại ấy làm hỏng cả một nền tảng văn hóa của CLB. Ông biết, sự trở lại của họ ở lần thứ hai sẽ cho lớp trẻ Arsenal cảm giác rằng “cứ ra đi và lúc nào ta cũng có cơ hội quay lại chốn ấy trong sự chào đón nhiệt thành”.
Ngày 20/01/2006, Walcott gia nhập Arsenal và trận gặp Chelsea chính là dịp kỷ niệm 10 năm anh gắn bó với CLB. Trong 10 năm ấy, bao nhiêu tin đồn rằng Walcott sẽ tới chỗ này, chỗ kia và cũng chẳng ít hơn số tin đồn rằng anh làm mình làm mẩy đòi tăng lương, đòi vị trí. Nhưng mối quan hệ Walcott-Wenger vẫn bền chặt và việc ông giao chiếc băng đội trưởng cho anh đúng dịp kỷ niệm 10 năm khoác áo Arsenal không chỉ là tưởng thưởng mà còn là một thông điệp nhấn mạnh giá trị văn hoá CLB. 2.
Đó là Arsenal luôn cần những con người làm đại diện tiêu biểu cho lòng trung thành, cho sự thấu hiểu mục đích dài hạn và cái chung. Thông điệp đó gửi trực tiếp đến tất cả những cầu thủ Arsenal: Trên sân; trên ghế dự bị và cả ở học viện. Chính bởi vậy, lúc cần rút 1 cầu thủ tấn công để đưa Paulista vào lấp chỗ trống Metersacker để lại, ông không rút Walcott hay Campbell mà ông chọn Giroud. Ông muốn Walcott vẫn cảm thấy được tôn trọng trọn vẹn chứ không bị tổn thương vì phải trao trả lại băng đội trưởng chỉ mới sau chục phút nhận nó. Còn Campbell, đó là hiện thân của một Walcott của thì tương lai, với kỳ vọng sẽ tiếp tục truyền thống của CLB về lâu dài. Có thể nói, Wenger đã lựa chọn thà chấp nhận thua một trận đấu để bảo toàn những giá trị lớn hơn của cả một CLB. Cách của ông là cách mà Napoleon đã nói “có thể thua một trận đánh nhưng sẽ thắng cả một cuộc chiến toàn cục”.
3. Trong khi đó, Costa đã chơi cực hay ở mùa trước, và không chơi bóng nữa ở giai đoạn Mourinho của mùa này. Để rồi Mourinho ra đi, Costa bắt đầu tỏa sáng trở lại. Ở Arsenal, 20 năm nay không có tình trạng như thế xảy ra bao giờ. Đơn giản, ở đó có một HLV kiên định, chấp nhận thất bại nhỏ để phục vụ một mục đích cao cả, tạo dựng một CLB có tâm hồn, có văn hóa đặc trưng riêng, có những quy ước hành xử riêng mà không ai có thể vi phạm.
Tầm vóc ấy, ngoại trừ Man United và Liverpool ra, chưa một đội bóng Premier League nào đạt đuợc như Arsenal. Còn Chelsea và Man City ư? Họ đã từng phải sống qua những giai đoạn có những cầu thủ sẵn sàng thua tất cả, từ trận đánh đến cuộc chiến, chỉ để thỏa mãn yêu sách riêng của mình, mà đơn cử như hành động đẩy Mourinho ra đi đầy phũ phàng mùa Giáng sinh năm ngoái.’
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags