GÓC ANH NGỌC: Khi một góc Rome cũng rung chuyển vì Ranieri...

Thứ Ba, 03/05/2016 21:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với không ít người ở Parioli, một khu đẹp đẽ, giàu có ở phía Bắc Rome, nhưng vài năm gần đây đã mang tiếng vì những bê bối liên quan đến mafia thủ đô, đấy là một đêm vô cùng đặc biệt.

Trong một quán bar gần ngôi nhà mà Ranieri đã mua ở khu Parioli, họ ngồi ở đó từ tối, uống cả rượu lẫn bia, xem trận đấu của Roma và sau đó Chelsea. Thế rồi nhảy nhót như một lũ trẻ điên rồ sau tiếng còi cuối cùng của trận đấu ở London vang lên. Không phải Scudetto. Roma, đội bóng trong trái tim họ, đã chưa từng với tới một danh hiệu vô địch nước Ý nào kể từ 15 năm nay, nhưng đối với những cổ động viên nhiệt thành ấy, danh hiệu vô địch của Leicester - đội bóng mà cho đến nay mới có nhiều người Ý biết đến - cũng có một giá trị tương đương như thế, khi đấy là một chiến thắng mang hương vị pizza.

Claudio Ranieri: Định kiến, tài năng và bí quyết vô địch với Leicester

Claudio Ranieri: Định kiến, tài năng và bí quyết vô địch với Leicester

Chức vô địch Premier League của Leicester mùa này không chỉ là một kỳ tích bóng đá, mà còn là kỳ tích thể thao chưa từng thấy. Vì lẽ đó, sau bao định kiến, đã đến lúc thừa nhận tài năng của Claudio Ranieri.


Bởi người đã đưa đội bóng ấy đến chiến thắng đẹp nhất trong lịch sử của họ cũng như của Premier League là một người Ý. Hơn thế nữa, người Ý ấy là hàng xóm của họ, người mà thỉnh thoảng họ vẫn gặp ông về nhà cùng vợ, bà Rossana, trong những chuyến đi chớp nhoáng để thăm bà mẹ 96 tuổi vẫn đang sống ở đấy. Và bà, một Romanista đích thực, dạo này ít ra ngoài  do tuổi đã cao, từng có lần nói với mấy người hàng xóm của mình rằng, nhờ con trai Ranieri, mà bây giờ bà chăm xem tivi hơn một chút, chủ yếu vào cuối tuần, và chỉ ngóng các trận đấu của Leicester. 

Massimo, một ông già 70 tuổi, nói với tôi sau một ngụm rượu: "Đối với không ít người dân của Rome, chiến thắng của Ranieri cũng là chiến thắng của họ. Ranieri là một người Rome đúng nghĩa. Ông sinh ra ở đây, lớn lên ở đây, đã từng dẫn dắt đội bóng thủ đô tiệm cận một Scudetto. Chúng tôi rất tự hào vì ông ấy". Riccardo, một ông già khác: "Chúng tôi coi ông ấy như một người anh em, kể cả khi ông ấy thỉnh thoảng lắm mới quay lại Rome".


Chiến thắng của Ranieri ở Leicester cũng là chiến thắng của người dân Rome

Trong cái tối mà Totti một lần nữa ghi bàn-bàn thứ 4 trong 5 trận gần nhất anh ra sân, và chứng tỏ cho tất cả thấy rằng, "Vị vua của Rome chưa chết", như có lần anh viết trên áo đấu, thì chiến thắng của một người gốc Rome khác đã làm cho biết bao con tim thủ đô đập mạnh trở lại, bồi hồi vì hạnh phúc và tràn ngập một tình cảm khó tả mà chỉ bóng đá mới có thể đem lại cho cái nơi cuồng điên vì mọi chuyện này. Trên những bức tường của Rome, cái tên Totti vẫn sừng sững và việc Spalletti ruồng bỏ anh đã khiến nhiều người đau đớn, khi nhìn thấy tình yêu của họ bị phản bội. Camera ở một trận mới rồi lia lên khán đài cho thấy một thanh niên đã bật khóc nức nở sau một bàn thắng của Totti-tuổi-40 và những bàn thắng ấy được báo chí coi như là cách cứu vãn sự sụp đổ của một thần tượng lớn trên con đường về hưu. 

Chiến thắng của Ranieri thì khác. Nó không làm người Rome rơi nước mắt. Ranieri đã 64 tuổi và sau bao nhiêu lần hụt hẫng với những thắng lợi suýt với tới, cuối cùng ông đã giành được một chức vô địch. Nhưng với rất nhiều người, ông vẫn còn nợ họ một Scudetto cách đây 6 năm, khi những người Roma chết chìm trong sức ép của chính mình và của Inter bám đuổi phía sau. Khi ấy, nhiều người đã khóc vì tiếc nuối. Bây giờ, họ cười vì chiến thắng của ông. Chiến thắng này trên đất Anh được người Rome coi như là của họ. Bởi Ranieri cũng là Rome.


 Ranieri (phải) và Totti khi ông còn dẫn dắt Roma

Ranieri là một người Roma đến tận xương tủy. Ông được sinh ra ở khu San Saba, lớn lên ở khu Testaccio bên dòng Tevere-khu được coi là nơi Roma nhất thành phố, một thánh địa đặc biệt chỉ dành riêng cho các con chiên của đội bóng màu bã trầu, sau đó vào tuổi 16, gia đình chuyển tới sống ở khu Cecchignola, nơi có một trường võ bị mà Ranieri đã gắn bó trong thời gian nhập ngũ. Cha mẹ ông đã từng có một cửa hàng thịt ở quảng trường Testaccio (nơi ấy bây giờ là một cửa hàng bán cá). 

Testaccio từng là một khu bình dân và giờ đã là một nơi tương đối "chic" (chảnh) của thành phố, nhưng sự gắn bó với đội bóng của thủ đô cả về lịch sử và con người đã khiến nó trở thành một trong những nơi điên nhất Rome về bóng đá, với một CLB cổ động viên hùng hậu đặt trụ sở ở đây, trên một con đường vào mùa xuân hay nở đầy hoa tím. Đêm thứ hai ở Testaccio, rất nhiều người có lẽ không ngủ được. Bên cạnh những nỗi lo toan thường nhật là một niềm hạnh phúc trào dâng vì bóng đá và những cái tên gắn bó với nó. Đấy là Totti lại lập công, và điều này chắc chắn khiến chủ tịch Pallotta thay đổi quyết định, cho phép anh chơi thêm một mùa nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ được chiêm ngưỡng báu vật của mình thêm một năm nữa. Và đấy là chiến thắng như một câu chuyện cổ tích của Ranieri, người từng làm cho họ khóc vì đau đớn năm nao.


Ranieri là một người Roma đến tận xương tủy

Maurizio, bạn tôi, một romanista, từng nói rằng, người Ý luôn sống đầy cảm tính. Người ta yêu say đắm bao nhiêu thì cũng có thể ghét bỏ nhanh chóng và điều này trở thành thù hận nếu cảm thấy bị phản bội. Ranieri đã từng trải qua những cảm giác như thế. Roma đã từng dẫn đầu Serie A ở giai đoạn gần cuối của Serie A cách đây 6 năm, làm bùng giấc mơ Scudetto. Chính tôi cũng đã có mặt trong một cuộc ăn mừng của các romanista ở quảng trường Venezia sau chiến thắng ở trận derby vào tháng 4 năm ấy. Thế rồi Roma sụp đổ và sự thất vọng dâng trào, khi giấc mơ tan nát. 

Đưa Roma đến những hy vọng và sau đó, thất vọng, là điều mà Ranieri đã làm nhiều người Rome đau đớn, thậm chí có ý nghĩ như Maurizio, là "không thể tha thứ". Nhưng bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, sự tiếc nuối cho Scudetto ngày ấy đã chuyển thành một niềm vui sướng tràn ngập khi Ranieri cuối cùng cũng có một chức vô địch trong sự nghiệp cầm quân. Thế rồi, trong một sự liên tưởng, Maurizio nói: "Leicester là những con cáo. Câu chuyện về Rome và Roma gắn liền với những con sói. Và Ranieri là người đã tạo nên những giấc mơ".

Claudio Ranieri: ‘Tôi biết cuối cùng mình sẽ vô địch’

Claudio Ranieri: ‘Tôi biết cuối cùng mình sẽ vô địch’

Claudio Ranieri nói chức vô địch Premier League với Leicester là vinh quang rực rỡ trong sự nghiệp sau khi đã phải chờ đợi rất lâu để dẫn dắt một CLB giành chức VĐQG.


Điều không thể làm được ở Ý, Ranieri đã làm được ở Anh. Khi người ta chờ đợi ông nhiều nhất thì thất bại ập đến. Khi người ta đơn giản chỉ coi việc ông đến Leicester (nhiều người Ý không phát âm nổi chữ này cho chuẩn) để dưỡng già, thì ông làm nên điều kì diệu. Đã qua từ lâu rồi, kể từ những ngày Verona, thậm chí Napoli, làm được nhiều kì diệu và cổ tích như thế trên sân cỏ Serie A. 

Cũng đã qua rồi cái thời mà cứ trước mỗi trận đấu ở sân San Paolo hay Olimpico, những gia đình sống gần đó phải cất kĩ tách chén và đồ đạc dễ vỡ, bởi chỉ một bàn thắng là đủ để biến cái sân bóng trở thành một nơi ầm ỹ kinh khủng nhất thế giới, với tiếng hò hét, tiếng kèn, trống, và tiếng ồn như chợ vỡ ấy có thể làm đổ vỡ tất cả. Giờ thì trong khi người Italy hoài niệm và sung sướng đến vỡ òa vì một đồng hương mà họ từng ghét bỏ và chỉ trích, thì Ranieri gạt sang bên quá khứ với nhiều trang chẳng thích thú gì để tận hưởng hiện tại. Tương lai có thể là gì, và mang màu gì, điều đó chẳng quan trọng. Totti cứ ghi bàn để khẳng định anh vẫn tồn tại. Ranieri chiến thắng để tuyên bố rằng ông không còn là một "gã thợ hàn"


Điều không thể làm được ở Ý, Ranieri đã làm được ở Anh

Một năm rưỡi về trước, ông bị đội Hy Lạp sa thải. Chín tháng trước, khi ông đến Leicester, báo chí ở Rome chỉ dành ông một góc nhỏ trên cột báo, nói về "một cuộc phiêu lưu mới của một người con của Rome". Bây giờ, ông trở thành một trong những người Rome nổi tiếng nhất thế giới, người đem đến niềm vui cho biết bao người ở hai đất nước cách nhau hàng nghìn dặm. Nhưng ông vẫn không hề quên rằng, mình là một người Rome chính gốc. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn cách đây mấy năm, khi được hỏi ông nhớ nhất điều gì về Rome khi ông không ở đây, con người đã lang bạt khắp nơi trong 29 năm qua này nói rằng, đấy là cách mà người Rome thể hiện sự vui sướng tột bậc. Nhưng ước mơ lớn nhất của Ranieri là gì, ngoài bóng đá? Lượn phố trên một chiếc xe máy để ngắm nhìn Rome, thành phố tình yêu của ông.

Ông nói: "Tôi có một chiếc Gilera 124 5 mã lực. Tôi mua nó từ năm 16 tuổi. Những năm qua, tôi để nó trong garage. Thế rồi con gái tôi mang ra sửa, và giờ thì nó trông như mới. Thế nhưng con bé cấm tôi đi cái xe đó ra đường. Ừ, cũng được thôi. Vì đường xá đầy ổ gà của Rome nhìn chẳng khác gì tuyến đường Paris-Dakar"...

Trương Anh Ngọc
(từ Rome, Italy)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›