(Thethaovanhoa.vn) - Đến lúc này, Man United mới chỉ đem về tân binh Victor Lindelof từ Benfica. Tuy vậy, những gì đội chủ sân Old Trafford đang thực hiện vẫn cho thấy sự đúng đắn trong định hướng chuyển nhượng của mình.
- Chốt thời gian Man United xong vụ Morata, fan 'Quỷ đỏ' có thể thở phào
- Man United đút túi 7,5 triệu bảng trong thương vụ kỷ lục của Everton
- Đừng bất ngờ nếu Alexis Sanchez gia nhập... Man United
Cuối tuần tới, Jose Mourinho cùng các học trò sẽ có mặt ở Los Angeles để bắt đầu cho quá trình chuẩn bị cho mùa 2017-18, mùa thứ hai của chiến lược gia người Bồ Đào Nha ở sân Old Trafford.
Woodward không hề chậm chạp
Ông tất nhiên vẫn chưa thể hài lòng vì ngoài Lindelof, Man United vẫn chưa có thêm bất cứ sự bổ sung nào. Không ít người yêu mến đội chủ sân Old Trafford bắt đầu sốt ruột khi các đối thủ mua sắm rầm rộ.
Nhưng liệu Ed Woodward, phó chủ tịch phụ trách điều hành của Man United, có đáng bị chê trách vì sự chậm chạp trong việc chuyển nhượng của đội bóng? Những gì ông làm được trong quá khứ cho thấy các cổ động viên Man United không nên quá sốt sắng.
4 năm trước, mùa hè đầu tiên Woodward kế nhiệm David Gill, có lẽ là khoảng thời gian đáng quên với rất nhiều thương vụ tệ hại. Nhưng mùa hè năm 2014 đã tốt hơn rất nhiều. Trước chuyến du đấu trên đất Mỹ, Man United đã mang về Ander Herrera từ Athletic Bilbao và Luke Shaw từ Southampton. Cả hai đều ra mắt ngay ở trận giao hữu đầu tiên gặp LA Galaxy, và đó là những chữ ký đầu tiên dưới triều đại Louis van Gaal. Sau đó, lần lượt Angel Di Maria, Daley Blind, Marcos Rojo và Ramadel Falcao gia nhập Man United vào thời điểm mùa giải vừa đi qua những vòng đầu tiên.
Quy trình mua sắm của Man United
Đến mùa hè năm 2015 thì Woodward bắt đầu cho thấy năng lực của mình. Sự xuất hiện từ sớm của Memphis Depay từ PSV đã làm xua tan những nghi ngờ về các đồn đoán chuyển nhượng. Vào thời điểm Man United chuẩn bị cho chuyến du đấu ở Mỹ, nhiều người nghĩ rằng Depay là tân binh duy nhất trong mùa thứ hai của Van Gaal. Thế rồi 48 giờ trước khi đội bóng đặt chân đến Mỹ, Man United hoàn toàn hàng loạt thương vụ với tốc độ nhanh không kém gì những chiếc xe trong loạt phim “Fast and Furious” (Quá nhanh, quá nguy hiểm). Matteo Darmian chuyển đến từ Torino, rồi sau đó là Bastian Schweinsteiger chuyển từ Bayern Munich, song song với việc chia tay Morgan Schneiderlin, với bến đỗ mới là Everton. Bộ đôi này đều đến kịp thời điểm Man United hội quân ở Seattle khi đội bóng chỉ mất hai ngày để công bố sự hiện diện của họ. Thương vụ duy nhất diễn ra ngoài thời điểm tháng Bảy là việc chiêu mộ Anthony Martial từ Monaco trong ngày cuối cùng của phiên chợ mùa hè.
Mùa hè năm ngoái cũng đi theo kịch bản tương tự. Eric Bailly của Villarreal là thương vụ được công bố sớm nhất. Trong tuần đầu tiên của tháng Bảy, khi thị trường chuyển nhượng mùa hè chính thức mở cửa, Man United đón về Zlatan Ibrahimovic, một chân sút miễn phí sau khi hết hạn hợp đồng với PSG và Henrikh Mkhitaryan, một tiền vệ sáng giá từ Dortmund. Bailly và Mkhitaryan lập tức lên đường tham dự chuyến du đấu trước mùa giải của thầy trò Mourinho, trong khi Ibrahimovic tập trung muộn hơn do được phép nghỉ ngơi sau khi hoàn thành nhiệm vụ cùng đội tuyển Thụy Điển ở EURO 2016. Tháng Tám năm ngoái là thời điểm để Man United công bố bom tấn Paul Pogba tử Juventus, với mức giá 89 triệu bảng, qua đó trở thành thương vụ đắt giá nhất thế giới.
Có thể hiểu rằng kế hoạch mua bán của Man United dưới thời Woodward đã thành hình sau một mùa hè không như ý. Thường sẽ có một thương vụ hoàn thành từ sớm, một đến hai thương vụ nữa trước chuyến du đấu và cái tên cuối cùng, thường là những thương vụ đắt giá, sẽ diễn ra vào tháng Tám. Chừng đó là đủ cho một mùa hè chuyển nhượng.
Nếu mùa hè này diễn ra theo kịch bản như thế, Lindelof sẽ là bước khởi đầu. Nemanja Matic của Chelsea và Alvaro Morata của Man United có thể chuyển đến trong tuần này, trước khi Man United có mặt ở Los Angeles. Một thương vụ bom tấn nào đó sẽ được Man United hoàn tất trong tháng Tám. Các cổ động viên Man United cần ghi nhớ những cột mốc này.
Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa
Tags