(Thethaovanhoa.vn) - Bây giờ thì ai cũng biết: Leicester City là hiện tượng nổi bật nhất ở Premier League mùa này, bất chấp kể quả chung cuộc là như thế nào. Nhờ chiến thuật đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả của HLV Claudio Ranieri? Đấy chỉ là một phần nguyên nhân. Mà suy cho cùng, Ranieri thành công đến đâu đi nữa thì đấy cũng chỉ là phần sau của một câu chuyện căn bản hơn: nhờ quyết định trao ghế HLV trưởng cho Ranieri.
- 'Leicester chưa thể vội mừng. Vô địch đâu đơn giản!'
- ‘Leicester đang nắm trong tay định mệnh vô địch’
- Sir Alex Ferguson ca ngợi những chiến thắng 'xấu xí' của Leicester
Quyết đoán đến mức kỳ lạ
Tháng 5/2015, Leicester City trở thành đội trụ hạng xuất sắc nhất trong lịch sử Premier League. Trước đó, chỉ có 2 đội khác từng đứng chót bảng trong ngày Giáng sinh mà lại trụ hạng. Và chưa có đội nào như họ: trụ hạng dù không kiếm nổi 20 điểm trong 29 vòng đầu tiên. Ông chủ Vichai Srivaddhanaprabha - hay Khun Vichai, theo cách gọi ngắn gọn của người Thái Lan - mời toàn đội một bước đại tiệc caviar để ăn mừng chiến tích.
Đấy là lần thứ hai tỷ phú Vichai chiêu đãi toàn đội tiệc caviar trong một nhà hàng cực kỳ đắt tiền ở London. Giới săn tin choáng ngợp hơn cả chuyện ông chơi polo với thái tử Charles hoặc thường xuyên đáp trực thăng xuống SVĐ King Power. Lần đầu tất nhiên là lúc Leicester thăng hạng, cuối mùa bóng 2013-2014. Trong cả hai hai bữa đại tiệc đáng nhớ ấy, HLV Nigel Pearson đều là "ngôi sao" sáng nhất, với lý do dễ hiểu. Ông đã dẫn dắt Leicester từ "thuở hàn vi" lên Premier League, rồi trụ lại ở đẳng cấp ấy.
Giám đốc điều hành của Leicester Susan Whelan đã sa thải HLV Nigel Pearson để đưa về Claudio Ranieri
Thậm chí, ngay cả khi Ranieri giúp Leicester làm nên chuyện động trời trong mùa bóng này, vẫn có nhiều người cho rằng ông chỉ thừa hưởng những gì Pearson để lại. Vậy mà, can đảm thay, giám đốc điều hành Susan Whelan thẳng tay sa thải "người hùng" Pearson ngay giữa vinh quang! Bà kiên nhẫn thuyết phục giới hâm mộ Leicester rằng ghế HLV trưởng do Pearson để lại sẽ được tiếp quản bởi người xứng đáng hơn. Còn với ông chủ Vichai, Whelan thậm chí chẳng cần giải thích. Đấy đơn giản là việc của bà!
Hiểu thật rõ tâm lý người Thái
"Giới hâm mộ Leicester"? Trước đây, người ta chỉ phải liên tưởng dân số hơn 300.000 người của thành phố Leicester hoặc sức chứa 32.000 chỗ của sân bóng, để suy diễn về một con số nhỏ nhoi nào đấy. Còn bây giờ, không dễ ước đoán có bao nhiêu triệu người Thái Lan cuồng nhiệt với các trận đấu của Leicester mỗi cuối tuần. Vâng, ông chủ tập đoàn King Power nổi tiếng Thái Lan đã mua lại Leicester vào năm 2010, như mọi người đã biết. Và các báo lớn nhỏ ở Anh đã phải liên tục cử người sang Thái Lan làm phóng sự hoặc viết bài về cổ động viên Leicester trong mùa bóng này.
Whelan lập tức chấm dứt hợp đồng với hậu vệ trẻ James Pearson khi cầu thủ này dính scandal sex ở Thái Lan
Giám đốc điều hành Whelan lập tức chấm dứt hợp đồng với hậu vệ trẻ James Pearson khi bùng nổ scandal về một một cuốn video sex được ghi hình ở Thái Lan, đã trác táng lại mang lời lẽ phân biệt chủng tộc, mà James là "diễn viên chính". Công nghiệp sex nhằm thu hút du khách ở Thái Lan là một chuyện. Đời sống gia đình và thái độ của người Thái Lan với sex, ở một đất nước Phật giáo, lại là chuyện khác. Whelan quả quyết: Leicester không thể có một cầu thủ như James Pearson. Bố anh, tức HLV trưởng Nigel Pearson phản đối. Ông lập luận: đâu ra đấy, James đáng bị phạt nhưng Leicester cần những cầu thủ như anh. Ông chỉ trích chỗ "không rành chuyên môn" của Whelan. Thế là... bố đi theo con. Với Whelan, đây không còn là chuyện bóng đá nữa.
Người Thái đã xem Leicester là CLB... của họ từ 5 năm trước. Nhưng khi "cơn sốt Leicester" bùng nổ ở Thái Lan trong mùa bóng này, thì nguyên nhân không chỉ là những chi tiết "bề nổi" như thăng hạng, trụ hạng, hoặc tranh ngôi vô địch. Thái độ rõ ràng và dứt khoát của giám đốc điều hành Susan Whelan trước bố con nhà Pearson mới là chi tiết cốt lõi để Leicester thực sự chinh phục giới hâm mộ Thái Lan. Và đấy cũng chỉ là một ví dụ. Đâu phải tự nhiên mà Whelan hiểu rõ tình cảm, tâm lý của người dân Thái.
Từ xuất phát điểm... không rành bóng đá
Susan Whelan bước vào lĩnh vực kinh doanh và trở thành "dân pro" từ năm 1990, ở tập đoàn ARI. Bà đến Bangkok để thiết lập và điều hành một hệ thống bán lẻ, rồi đồng ý làm việc cho Vichai Raksriaksorn, ông chủ tập đoàn King Power. Đây là tập đoàn chuyên bán hàng miễn thuế, độc quyền ở 3 sân bay lớn nhất Thái Lan. Năm 2010, gia đình Raksriaksorn mua lại Leicester City, và Whelan trở thành giám đốc điều hành (vào năm 2013, Raksriaksorn được quốc vương Thái Lan ban cho họ mới Srivaddhanaprabha).
Nói cách khác, Whelan biết rất ít về bóng đá cho đến trước khi điều hành Leicester. Nhưng tất nhiên, không thể nói bà không biết về dân Thái hoặc các lĩnh vực kinh doanh, điều hành. Ngược lại là đằng khác. Ngay khi chuyển sang từ ARI, Susan Whelan đã ngồi ghế ban giám đốc và giúp King Power đẩy mạnh cả uy tín lẫn hiệu quả kinh doanh. Thế rồi, chỉ 1 năm sau khi trở thành giám đốc điều hành Leicester, bà được tạp chí Image (rất nổi tiếng ở Ireland) trao giải nữ doanh nhân xuất sắc nhất trong năm - hiển nhiên có cả danh hiệu nữ doanh nhân ở nước ngoài xuất sắc nhất trong năm. Giám đốc xuất bản Richard Power của tạp chí này hào hứng phát biểu: "Susan Whelan thật đáng đại diện Ireland ở tầm mức thế giới".
Susan Whelan chính là người điều hành công việc hàng ngày ở Leicester City. Bà phải chia thời gian cho hợp lý và liên tục di chuyển giữa Bangkok, London, Leicester. Bà phải kết hợp hài hòa giữa các phần việc kinh doanh, quản lý, điều hành.
Nữ tướng đá nể trong "thế giới đàn ông"
Khen ngợi một Leicester đang phom phom tiến đến ngôi vô địch Premier League bằng một lực lượng có giá chuyển nhượng tổng cộng chỉ tương đương với mỗi cầu thủ Kevin de Bruyne bên Man City, thì khá đơn giản. Tương tự, người ta ngạc nhiên khi thấy các ngôi sao Jamie Vardy, Wes Morgan, Danny Drinkwater hoặc Riyad Mahrez có giá chuyển nhượng dưới 1 triệu bảng; Marc Albrighton hoặc Christian Fuchs đều miễn phí. Nigel Pearson hoặc Claudio Ranieri đều đã thành công với các cầu thủ giá rẻ như thế. Nhưng đấy là chuyện bóng đá thuần túy - thành công đấy, rồi cũng thất bại đấy, chưa biết chừng. Làm sao để một đội bóng như thế phát triển bình ổn, ăn nên làm ra, bất chấp mọi may rủi thông thường, bất chấp cả những kết quả thuần túy chuyên môn trên sân cỏ - đấy lại là việc của giám đốc điều hành Whelan.
Susan Whelan chính là người điều hành công việc hàng ngày ở Leicester City
Trong năm tài chính mới nhất vừa được công bố, Leicester đạt những con số kỷ lục cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Ở mùa bóng tới, khi Leicester dự Champions League thì dù có qua nổi vòng bảng hay không, chắc chắn sẽ lại xuất hiện những con số tốt đẹp về kinh doanh, và đấy mới thật sự là chuyện căn cơ đối với một CLB bóng đá chuyên nghiệp - chuyện tồn tại và phát triển độc lập với vấn đề phong độ hoặc thành tích nhất thời. Hay nhất có lẽ là những thành công mang màu sắc văn hóa. Người ta quen dần cảnh các sư thầy Thái Lan sang Anh ban phước cho Leicester trong khi ngược lại, khăn choàng cổ hoặc áo đấu của Leicester ngày càng trở nên quen thuộc trong quán bar hoặc trên đường phố Bangkok. Không ít cổ động viên Thái thú nhận: họ từng cổ vũ Liverpool hoặc Manchester United, nhưng nay đã chuyển dần sang Leicester, xem đấy mới là đội bóng "ruột". Leicester giờ đã có biệt danh "chồn Thái".
Nhờ hầu bao của tỷ phú Vichai đã đành, nhưng còn nhờ vào năng lực và tầm nhìn của những con người tài giỏi như Susan Whelan, đời sống bóng đá tại Thái Lan mới sôi động, hấp dẫn như những ngày này. Còn bao nhiêu Whelan hoặc Vichai nữa, để người hâm mộ Thái Lan sẽ lại có những đội bóng "của mình" ở Serie A hoặc La Liga?
Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags