Có một Robin Hood ở Leicester

Chủ nhật, 14/02/2016 21:44 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dân chúng thích hình tượng anh hùng của Robin Hood nhưng Robin Hood không thể thay thế được các chính trị gia ở tầng lớp tinh hoa. Leicester cũng vậy thôi, họ cũng chẳng thay thế nổi các đại gia nước Anh để làm đại diện tiêu biểu cho Premier League ở những sân chơi quốc tế.

Sẽ rất nhiều người còn tranh cãi nhau về những quyết định của trọng tài ở trận Arsenal – Leicester, đặc biệt là ở quyết định cho Leicester hưởng qủa penalty ở hiệp 1. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta, ở vị thế của những người yêu bóng đá, sẽ phải cảm ơn quyết định phạt đền ấy. Nếu không có nó, trận đấu chắc không kịch tính đến thế. Nhờ có nó, Arsenal phải chơi với một áp lực đè nặng kinh khủng, và do đó, những pha dứt điểm hỏng ăn (hoặc bị chặn đứng) của họ càng mang lại cảm xúc nuối tiếc hơn, thứ cảm xúc nuôi dưỡng một cảm xúc mắt xích xâu chuỗi kế tiếp nó, cảm xúc ngỡ ngàng khi Arsenal thắng vào phút bù giờ cuối cùng.

Song, có nói về cảm xúc, có nói về các quyết định sai-đúng buộc phải được đưa ra trong một phần nghìn giây của trọng tài đi nữa, chúng ta chắc khó quên nổi một tình huống ở đầu hiệp 2, khi Leicester đã bị đuổi 1 người. Đó là lúc Petr Cech bình tĩnh gạt bóng lừa qua Vardy để từ từ đưa bóng lên cho đồng đội xây dựng một đợt tấn công mới. Khi ấy, Arsenal vẫn đang bị dẫn 0-1, đang vô cùng sốt ruột, đang chịu nhiều áp lực và thậm chí có thể là tâm lý hoảng loạn nếu họ không thể rút gọn khoảng cách điểm trước Leicester. Vậy mà Cech vẫn làm cái điều mà không mấy thủ thành dám làm. Nhưng nó chứng tỏ rằng Arsenal khác Leicester City nhiều lắm. Arsenal, giống như Chelsea, Man United, Liverpool, Man City ở chỗ, dẫu có đang lận đận thế nào, họ vẫn là đẳng cấp. Còn Leicester City thì dù được ủng hộ ra sao, họ vẫn chỉ là hiện tượng nhất thời mà thôi.

Leicester đơn giản là một đội cực mạnh, không phải chuyện cổ tích

Leicester đơn giản là một đội cực mạnh, không phải chuyện cổ tích

Nói rằng Leicester là chuyện thần tiên của Premier League mùa giải này là không đúng sự thật. Họ đơn giản là một đội bóng cực mạnh.


Tất nhiên, thắng Leicester 2-1 không có nghĩa là Arsenal sẽ vô địch Premier League mùa này, và càng không có nghĩa là họ sẽ khiến Leicester không thể duy trì ngôi đầu bảng đến cuối mùa. Khoảng cách điểm vẫn còn là 2 điểm, mong manh đấy, nhưng ai biết điều gì sẽ xảy ra. Leicester vẫn là đội nhiều cửa vô địch hơn Arsenal hay Man City và nếu ở cuối mùa này, họ đăng quang, đó sẽ là câu chuyện cổ tích được nhiều người hả hê tung hô cổ súy nhất. Đơn giản, lâu rồi, người xem bóng đá Anh chỉ thấy chức vô địch chỉ quanh quẩn ở mấy cái tên Man United, Chelsea, Man City và Arsenal (nếu kéo rộng biên độ thời gian ra thêm một chút). Họ thích sự thay đổi, sự lật đổ, sự bất ngờ và Leicester sẽ là sự bất ngờ còn lớn hơn hồi Atletico Madrid vô địch Primera Liga mùa bóng trước nữa.

Arsene Wenger từng phát biểu “Cả nước Anh thích Leicester City vô địch” và ông nói rất đúng. Đó là thứ tâm lý chung của loài người. Tâm lý muốn nhìn thấy “cường quyền” phải bị đánh sập. Loài người mang cái tâm thức đó theo mình như một hành trang và trong tất cả các câu chuyện dân gian của các dân tộc gần như đều có ít nhất một câu chuyện nào đó tôn vinh một kẻ bần cùng nhất như một anh hùng chống lại những người cai trị. Ở Anh quốc, câu chuyện kiểu ấy hiện thân trong hình ảnh Robin Hood, con người của rừng xanh, đi cướp của người giàu chia cho người nghèo. Hành vi cướp, hay trộm, vốn dĩ bị coi là xấu xa, bỗng chốc trở nên một hành vi anh hùng, qua lăng kính của những câu chuyện tôn thờ cá nhân đầy tính cổ tích. Còn ở thời đại này, khi mà vẫn có những bộ phim ngợi khen hành vi xấu xa kia như kiểu Ocean Eleven, việc Leicester lên ngôi vô địch (nếu có thể), nó cũng nhuốm màu cổ tích kiểu lật đổ như thế.


"Cả nước Anh mong Leicester vô địch"

Chỉ có điều, Leicester không ăn trộm, không đánh cướp của ai cả. Nhưng cách họ đang làm bóng đá (vốn lại đang được ngợi ca đến tận mây xanh) lại hoàn toàn khác cách làm chung của người châu Âu. Ông chủ đội bóng, một tỷ phú Thái Lan, chẳng mơ ngôi vô địch. Nhưng khi cơ hội cận kề như hôm nay, ông lập tức treo thưởng 1 triệu bảng cho các cầu thủ của mình nếu họ thực hiện được điều đó. Ấy là cách mà người châu Âu, những người biến bóng đá thành công nghệ chuyên nghiệp, chẳng bao giờ làm. Họ thừa hiểu, với đội hình của Leicester như hôm nay, có treo 10 triệu bảng tiền thưởng đi nữa cũng không khiến sự kích thích làm khả năng cầu thủ tốt hơn. Họ đã ở giới hạn tối đa của mình rồi. Mà bóng đá thì không phải một mùa. Bóng đá là quá trình.

Robin Hood cũng vậy thôi. Dân chúng thích hình tượng anh hùng của Robin Hood vì những thứ đầy tính mị dân của nó. Nhưng rồi thế hệ này qua thế hệ khác, họ đều nhận ra rằng những Robin Hood không thể thay thế được các chính trị gia ở tầng lớp tinh hoa. Leicester cũng vậy thôi, họ cũng chẳng thay thế nổi các đại gia nước Anh để làm đại diện tiêu biểu cho Premier League ở những sân chơi quốc tế.

Thế nên, ở Leicester, đang có một Robin Hood, trừ phi ông chủ của đội bóng ấy học cách làm bóng đá của những người tinh hoa hơn mình rất nhiều.

Hà Quang Minh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›