(Thethaovanhoa.vn) - Dù rất nỗ lực, BTC Premier League vẫn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng phân biệt chủng tộc xảy ra trong các trận đấu của họ.
1. Hôm 22/6, khi trận đấu giữa Burnley và Manchester City diễn ra, một chiếc máy bay với tấm banner mang nội dung “White Lives Matter Burnley” đã bay ngang qua bầu trời sân Turf Moor, sân nhà của Burnley. Tấm banner với có nghĩa tiếng Việt là “Mạng người da trắng mới đáng giá, Burnley” đã gây ra một làn sóng phẫn nộ lớn từ truyền thông và dư luận.
“Chúng tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng những người có trách nhiệm đằng sau vụ giăng biểu ngữ không được chào đón tại Turf Moor”, trích thông báo của CLB Burnley. “Điều này hoàn toàn không thể hiện quan điểm của câu lạc bộ Burnley. Chúng tôi sẽ phối hợp với nhà chức trách để tìm ra những người đứng sau. Sẽ có những lệnh cấm vĩnh viễn với họ”.
“CLB Burnley luôn tự hào khi được làm việc với tất cả giới tính, tôn giáo và tín ngưỡng. Bằng chứng là việc chiến thắng Giải thưởng Cộng đồng (Community Awards Scheme) và quan điểm chống lại phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào”.
Cũng theo đội bóng của vùng Lancashire thì họ hoàn toàn ủng hộ chiến dịch “Black Lives Matter” (mạng của người da đen đáng giá) của BTC Premier League. Cụ thể, các CLB của bóng đá Anh đều bỏ tên của các cầu thủ sau lưng và thay vào đó là cụm từ “Black Lives Matter”. Trước thềm mỗi trận đấu, các cầu thủ đều quỳ gối với mong muốn truyển tải thông điệp này tới người hâm mộ.
2. CLB Burnley sau đó cũng gửi lời xin lỗi tới các CĐV với sự cố ngoài ý muốn này. Tuy nhiên, điều mà các nhà chức trách cũng như BTC Premier League lo ngại sự việc sẽ không dừng ở mức độ như thế. Một báo cáo từ nhật báo The Guardian cho thấy số vụ việc phân biệt chủng tộc ở Anh và Xứ Wales đã tăng gần 50%, từ 98 vụ ở mùa giải 2017-2018 lên 152 vụ ở mùa giải 2018-2019. Đây là vấn nạn, chứ không phải một trò đùa ở xứ sở xương mù nữa. Và lần này, người ta đã lợi dụng bóng đá để thể hiện tư tưởng ấy.
Bóng đá từ lâu đã trở thành một môn thể thao phổ biến, có tính toàn cầu hơn bất cứ môn thể thao nào khác. Ở mỗi trận bóng đá, người ta không chỉ được xem chất lượng chuyên môn mà còn được chứng kiến những quan điểm riêng biệt của BLĐ đội bóng, của BHL và các cầu thủ cũng như tư tưởng, nguyện vọng của chính các CĐV. Ngay cả các tư tưởng chính trị đôi khi cũng được lồng ghép vào những trận bóng, nơi thường thể hiện rõ nét văn hóa đặc trưng của một vùng miền, hay một đất nước.
Đó cũng là lý do vì sao BTC Premier League đã đưa ra sáng kiến về thông điệp “Black Lives Matter” vào những trận đấu của mình. Để ủng hộ phong trào Black Lives Matter hơn nữa, các cầu thủ Premier League còn quỳ gối trước tiếng còi khai cuộc để tưởng nhớ tới George Floyd, người da đen bị cảnh sát đè chết ở Mỹ hồi cuối tháng 5, thổi bùng phong trào Black Lives Matter trên toàn thế giới.
3. Piara Power of Fare, mạng lưới quốc tế chống nạn phân biệt chủng tộc trong bóng đá đã chính thức lên tiếng: “Chiếc máy bay mang thông điệp ‘White Lives Matter’ là một phần của làn sóng phân biệt chủng tộc đang hoành hành ở cả châu Âu. Nó chống lại thông điệp ‘Black Lives Matter’ mà chúng ta đang nỗ lực theo đuổi. ‘White Lives Matter’ chỉ càng khiến nạn phân biệt chủng tộc được đẩy lên và phá hủy sự công bằng về giới tính, màu da cho cả thế giới này”.
Với sự cố xảy ra ở trận đấu giữa Burnley và Man City, không ai có thể đảm bảo được điều gì sẽ xảy ra ở những trận đấu tiếp theo của Premier League cả. Lúc này người Anh nói riêng và người hâm mộ bóng đá thế giới nói chung, sẽ chờ đợi BTC Premier League sẽ phải có những quyết sách như thế nào để giải quyết được dứt điểm những hành động phân biệt chủng tộc trong bóng đá như đã tuyên bố.
T.Giáp
Tags