Gần đây, trong lần đầu tới Việt Nam biểu diễn, Psy đã mang tới rất nhiều hit và tất nhiên, không thể thiếu Gangnam Style (Phong cách Gangnam). Ca khúc này từng làm chao đảo cả thế giới vào năm 2012, tạo ra thành công "vô tiền khoáng hậu" nhưng cũng mang đến không ít gánh nặng cho Psy.
Nhưng dù thế nào, Gangnam Style vẫn là 1 cột mốc lịch sử âm nhạc hoành tráng và đặc biệt thú vị, có giá trị lớn cả về thương mại lẫn tình cảm.
"Phong cách Gangnam"
"Gangnam Style" là 1 từ mới của Hàn Quốc, để chỉ lối sống gắn liền với khu Gangnam của thủ đô Seoul - nơi cư dân là những người sành điệu, đẳng cấp. Thuật ngữ này cũng từng được định nghĩa tương tự trong danh sách từ vựng hàng tuần của tờ Time.
Psy thì ví Gangnam như khu siêu giàu Beverly Hills ở Mỹ. Tuy nhiên, trong 1 lần phỏng vấn, anh cho biết mình đặt tiêu đề như vậy cho Gangnam Style như 1 trò đùa, rằng mọi thứ về ca khúc, từ điệu nhảy, tạo hình lẫn MV đều không có chút gì đẳng cấp.
"Những người thực sự đến từ Gangnam không bao giờ phô trương rằng họ là người Gangnam. Chỉ có những kẻ giả tạo và muốn trở thành người như vậy mới tỏ ra thế, nói rằng họ mang "phong cách Gangnam" - Psy giải thích - "Nên ca khúc này thật ra là đang chế giễu kiểu người cố gắng hết sức để trở thành thứ không phải họ".
Ca khúc còn lồng ghép câu chuyện yêu đương hài hước, về "người bạn gái hoàn hảo biết khi nào nên tinh tế và khi nào nên hoang dã". Phần điệp khúc nhắc đi nhắc lại câu "anh trai phong cách Gangnam" là Psy hài hước ám chỉ chính mình.
Ngoài giai điệu và ca từ thú vị, 1 trong những điều làm nên tiếng tăm lừng lẫy cho Gangnam Style là điệu nhảy không giống ai, vô cùng vui nhộn. Thời điểm đó, Psy cho biết người hâm mộ Hàn Quốc có kỳ vọng rất lớn về những điệu nhảy của anh (thường là rất… ngớ ngẩn) và vì vậy, anh cảm thấy nhiều áp lực.
Để theo kịp những kỳ vọng đó, anh đã nghiền ngẫm rất lâu để tìm ra thứ gì đó mới mẻ. Sau khoảng 1 tháng thức khuya vắt óc suy nghĩ, cuối cùng, anh mới nghĩ ra điệu nhảy trong Gangnam Style.
Trong quá trình này, anh cùng biên đạo múa Lee Ju Sun của mình đã thử nghiệm nhiều động tác "sến súa", lấy cảm hứng từ các con vật. Anh từng thử động tác của gấu trúc và kangaroo, trước khi quyết định thực hiện các động tác liên quan tới ngựa, bao gồm giả vờ cưỡi ngựa, luân phiên cầm dây cương và quay một sợi dây thòng lọng rồi chuyển sang động tác phi nước đại.
Ca khúc “Gangnam Style” của Psy
Ban đầu, Psy vốn định sản xuất ca khúc cho người hâm mộ Kpop địa phương. Bắt đầu từ ngày 11/7, Psy và hãng thu âm YG Entertainment của anh bắt đầu phát hành một số đoạn giới thiệu quảng cáo cho Gangnam Style trên YouTube. MV nhồi nhét rất nhiều người nổi tiếng ở Hàn Quốc để đảm bảo thành công trong nước.
Khi MV đầy đủ của ca khúc được tải lên YouTube vào ngày 15/7/2012, nó nhận được khoảng 500.000 lượt xem vào ngày đầu tiên. Khá ổn! Nhưng đó mới chỉ là bước đi đầu tiên nhỏ bé của lịch sử hoành tráng phía sau.
"Ca khúc "Gangnam Style" thật ra là đang chế giễu kiểu người cố gắng hết sức để trở thành thứ không phải họ" - Psy.
Quan trọng là vui
Nói tới lịch sử, đầu tiên phải lần ngược về chính gốc gác của Psy. Thú vị thay, anh thật sự là dân Gangnam, sinh ra trong gia tộc Milyang Park giàu có tại nơi giàu có nhất Hàn Quốc này.
Cha mẹ đều là những doanh nhân lớn, Psy do đó được kỳ vọng sẽ tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Anh được gửi tới Mỹ học nhưng đã sớm bỏ ngang Đại học Boston để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.
Trong 11 năm trước khi Gangnam Style ra đời, Psy đã tạo đựng được vị trí trong giới âm nhạc Hàn Quốc như 1 rapper nổi tiếng hài hước và có phần gây sốc. Đến năm 2012, anh gia nhập YG Entertainment, 1 trong 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc, và trở thành ngôi sao.
Với vị thế của Psy khi đó, cùng truyền thông bài bản và bản chất hài hước, Gangnam Style nhanh chóng thành hit lớn ở quê nhà và bắt đầu vượt ra ngoài biên giới Kpop. Rapper người Mỹ T-Pain được cho là người nổi tiếng nước ngoài đầu tiên ủng hộ Gangnam Style khi nhiệt tình ca ngợi ca khúc trên X (trước là Twitter) vào ngày 29/7.
Không lâu sau, một loạt các ngôi sao quốc tế, trong đó có Britney Spears, Katy Perry, Tom Cruise và Robbie Williams cũng si mê Gangnam Style và đã giới thiệu nó tới hàng triệu người theo dõi của mình. Và cứ thế, độ nổi tiếng của ca khúc tăng theo cấp số nhân.
Chỉ mới đến tháng 9, Gangnam Style đã đạt trung bình hơn 6 triệu lượt xem mỗi ngày. Quản lý tài năng Scooter Braun - người đã phát hiện ra Justin Bieber trên YouTube - phải thốt lên rằng: "Sao tôi không ký hợp đồng với anh chàng này?" (và đúng là họ đã ký hợp đồng với nhau ít lâu sau đó).
Sau khi đứng đầu BXH ở hơn 30 quốc gia, vào ngày 21/12/2012, Gangnam Style đã trở thành video đầu tiên đạt một tỷ lượt xem trên YouTube. Vào thời điểm ca khúc đạt 2.147.483.647 lượt xem, vào năm 2014, bộ đếm của YouTube cần phải nâng cấp để có thể đăng ký thêm. Tính đến nay, ca khúc đã đạt 5,3 tỷ lượt xem.
Nhưng đó vẫn mới chỉ là 1 phần nhỏ trong sự thành công của Gangnam Style! Sau khi ca khúc lan truyền khắp thế giới, giá cổ phiếu của YG đã tăng 50%. Tập đoàn nhà Psy còn "hướng ké" mạnh hơn: tăng 586,8% giá cổ phiếu chỉ sau vài tháng ca khúc phát hành dù cùng kỳ năm trước còn lỗ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó là ông Ban Ki Moon coi Gangnam Style là "sức mạnh vì hòa bình thế giới". Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã trao tặng Psy Huân chương Văn hóa hạng IV vì "làm tăng sự quan tâm của thế giới đối với Hàn Quốc".
Thật vậy, khi đó, khắp nơi trên thế giới, mọi người đều thích thú nhảy theo Gangnam Style.
Đám đông flashmob gồm hàng nghìn người đã cùng tái hiệu điệu nhảy ngựa hài hước này này ở California, New York, Sydney, Paris, Rome và Milan,… Nhiều cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, võ sĩ quyền Anh, vận động viên quần vợt,… đã ăn mừng chiến thắng theo điệu Gangnam Style.
Quân đội Anh và Thái Lan từng quay phiên bản Gangnam Style của họ. NASA làm hẳn video hài hước ăn theo ca khúc với các cảnh quay từ Trạm Vũ trụ quốc tế và nơi làm việc của NASA.
Khi đó, các chính trị gia nghiêm túc cũng không cưỡng lại niềm hạnh phúc từ điệu nhảy ngựa. Thị trưởng London Boris Johnson cho biết ông từng nhảy Gangnam Style cùng Thủ tướng Anh David Cameron. Tổng thống Mỹ Barack Obama tiết lộ kế hoạch biểu diễn riêng Gangnam Style cho vợ mình là Michelle Obama.
Thành công quốc tế của Gangnam Style cũng được mổ xẻ để làm tấm gương trong giới âm nhạc. Nhiều yếu tố được đưa ra: MV tuyệt vời pha trộn giữa sự ngớ ngẩn và châm biếm, giai điệu cực kỳ hấp dẫn và điệu nhảy kỳ lạ, hài hước và dễ nhại lại. Nhưng dù là gì, tuyệt vời nhất mà Gangnam Style làm được có lẽ là đã phá mọi rào cản, kết nối mọi người trên toàn thế giới với nhau, trong 1 niềm vui vô tư lự.
Gánh nặng thành công
Mặc dù đã có vị trí ở Hàn Quốc từ trước khi phát hành Gangnam Style, Psy vẫn cảm thấy vô cùng áp lực sau siêu thành công của ca khúc. Đĩa đơn tiếp theo của anh, Gentleman, không tạo được hiệu ứng mạnh tương tự, bị giới phê bình chê bai và anh bị coi là One-hit wonder (hiện tượng nổi tiếng một lần rồi thôi).
"Có công bằng không tôi bị gọi là One-hit wonder chỉ vì ca khúc tiếp theo của tôi thất bại?" - Psy trải lòng sau 1 lần biểu diễn Gentleman - "Tôi đã tình cờ nổi tiếng thế giới nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải hết mình duy trì sự nổi tiếng toàn cầu đó".
Thay vào đó, Psy nói anh sẽ tiếp tục làm những gì anh đã làm bao năm qua, còn việc nó có thỏa mãn được thị hiếu của mọi người hay không thì là tùy duyên. Và đúng là như vậy. Psy đã không thay đổi mình theo số đông. Anh vẫn tiếp tục duy trì phong cách riêng và đạt được thành công theo cách của riêng mình.
Album mới nhất của Psy, Psy 9th (2022), đạt No.3 BXH Album thế giới của Billboard Mỹ. Đặc biệt, ca khúc That That trong album, hát cùng Suga nhóm BTS, giành nhiều giải thưởng và lọt Billboard Hot 100. Quan trọng hơn cả, Psy tiếp tục được yêu mến trên toàn cầu và mỗi khi anh biểu diễn Gangnam Style, dù đã được nghe rất nhiều lần, đám đông khán giả vẫn cuồng nhiệt hưởng ứng!
Tags