"Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào". Giai điệu tưng bừng bài "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao từ giữa thế kỷ trước vẫn luôn rộn ràng trong ta mỗi khi dịp kỷ niệm ngày 10/10 tới. Và thật lạ rằng, hình tượng "năm cửa ô" thường khiến ta liên tưởng tới kiến trúc của Ô Quan Chưởng, một trong các cửa ô còn lại của Hà Nội xưa, cùng các "cổng chào" dựng lên ở nhiều tuyến phố Hà Nội vào năm 1954 để đón mừng đoàn quân tiến về. Chuyên mục "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" số Xuân sẽ đưa bạn đọc ngược thời gian, tìm về loại hình kiến trúc và tập quán dựng "cổng chào" trong lịch sử.
1. "Cổng chào" trước hết là cái cổng, kiến trúc phân cách không gian hướng cho người qua lại và thêm một công năng nữa là để ghi nhận hay tôn vinh một sự kiện nào đó có ý nghĩa. Tuy nhiên, đã nói đến cổng chào không thể không nhắc đến những kiến trúc khá kinh điển ở Phương Tây mà ở nước ta gọi là "Khải Hoàn Môn" mà từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh diễn giải "Ngày xưa ở Tây phương, khi chiến thắng trở về thường xây cái cửa lớn để ghi công nghiệp gọi là Khải Hoàn Môn".
Đó là một kiến trúc vững chãi, bề thế, trên đó có những yếu tố mỹ thuật, trang trí để ngợi ca các chiến công (thường bằng các tượng hay phù điêu và họa tiết trang trí). Những "khải hoàn môn" sớm nhất được dựng tại La Mã rồi lan qua nhiều nước châu Âu.
Ở nước Pháp cũng từng dựng nhiều công trình tương tự, nhưng nổi tiếng nhất là Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe) được dựng trên Đại lộ Élysée nổi tiếng và tại điểm kết nối 12 tuyến đường của ba quận trung tâm thủ đô Paris, tạo một quảng trường mang hình "Ngôi Sao" được dùng làm tên gọi (nay mang tên cố Tổng thống Charles De Gaulle).
Kiến trúc này được xây theo lệnh của Hoàng đế Napoléon đệ Nhất, khởi công năm 1806 và hoàn thành vào năm 1836 để ghi dấu chiến công nổi tiếng của quân Pháp ở Austerlitz… Với nước Pháp, Khải Hoàn Môn là biểu tượng của Chiến thắng - Vinh quang và địa điểm dựng Khải Hoàn Môn trở thành trung tâm diễn ra các lễ trọng quốc gia trong hơn hai thế kỷ qua… và ngày nay trở thành một danh thắng của nước Pháp.
2. Có lẽ vì từng bị nước Pháp đô hộ, nên văn hóa, trong đó có kiến trúc và tập quán dựng cổng chào cũng được du nhập vào nước ta.
Các nguồn sử liệu bằng hình ảnh còn cho ta hình dung cổng chào được dựng sớm nhất là ở Sài Gòn vào dịp chính quyền thực dân tổ chức mừng thọ Hoàng đế Napoléon III (15/8/1865). Và muộn hơn là việc dựng cổng chào rất giống kiến trúc ở chính quốc nhưng được thu nhỏ tại khu vực vốn là cửa ô đã bị phá của Hà Nội, từ đó có thể đi sâu vào lòng thành phố, nơi vào đầu thế kỷ XX được người Pháp dựng một "cột đồng hồ"… Cổng chào này được dựng để đón và tôn vinh đạo quân viễn chinh Pháp ở mặt trận Bắc Ninh vừa tự coi là chiến thắng trong cuộc đụng độ với quân Nhà Thanh đang tranh chấp ảnh hưởng với Pháp ở Bắc Kỳ. Do vậy mà con đường từ đó tiến vào trung tâm thành phố Hà Nội hướng về phía Hồ Gươm, nơi đặt trụ sở của Pháp ở Bắc Kỳ, một thời mang tên "Phố Bắc Ninh" (sau đó đổi là "Phan Thanh Giản" nay là phố Nguyễn Hữu Huân).
Kể từ khi trở thành thuộc địa của nước Pháp, hình thức dựng cổng chào vào các dịp lễ trọng hay đón tiếp quốc khách trở nên khá phổ biến mà nhiều tấm ảnh còn ghi lại được.
Khải Định, vị Hoàng đế đầu tiên của nước ta xuất dương sang Pháp từng dắt theo Đông cung Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là Bảo Đại) đến đặt hoa dưới chân Khải Hoàn Môn (1922) và sau đó cũng về Huế dựng cổng chào nhân các ngày lễ trọng, trong đó có lễ thọ "Tứ tuần đại khánh" của mình.
3. Sau ngày nước nhà độc lập, tập quán này cũng được duy trì, nhưng mang những nội dung và thông điệp mới. Người ta thấy cổng chào được dựng trong ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (1/1946) và đặc biệt là trong ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954)
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký kết, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chiến khu sẽ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Vì thế, sự kiện các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Chiến khu Việt Bắc qua các cửa ô tiến vào trung tâm thành phố Hà Nội đồng thời với việc quân Pháp rút lui qua Cầu Long Biên để di chuyển vào Nam đã diễn ra như một cuộc khải hoàn trở về của đạo quân chiến thắng.
Cùng vì thế, nhiều cổng chào đã được dựng lên trên một số đường phố ở Thủ đô Hà Nội. Phải chuẩn bị và dựng trong bối cảnh quân Pháp vẫn còn kiểm soát cho đến sáng ngày 10/10/1954, nên các cổng chào được người dân "vùng tạm chiếm" xây dựng một cách đơn giản nhưng đầy ấn tượng để tỏ bày khao khát hòa bình và niềm vui được giải phóng...
4. Tập quán xây cổng chào vào những ngày lễ trọng như Quốc khánh hay lễ Tết vẫn được duy trì một thời gian cho đến khi chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (từ 1965) buộc Thủ đô và miền Bắc nước ta phải bước vào hoàn cảnh thời chiến nên tập quán này mất dần…
Chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), ý tưởng xây dựng kiến trúc cổng chào kiên cố mang tính chất biểu tượng cho chiến thắng của dân tộc cũng như của quân dân Hà Nội tựa như các kiến trúc hoành tráng kiểu phương Tây lại được đề xuất và một thời thu hút sự quan tâm sôi nổi của các nhà quản lý, chuyên môn và nhân dân… Nhưng cho đến nay dần chìm vào quên lãng. Chỉ còn thấy các tỉnh sôi nổi quan tâm đến việc đua nhau xây các "cổng tỉnh" để quảng bá "thương hiệu" của địa phương mình trong trào lưu phát triển du lịch…
Tags