Kể từ khi người Pháp đến xâm chiếm và cai trị nước ta, một hệ thống đô thị quy hoạch theo mô hình của châu Âu lần lượt xuất hiện. Tại đó thường hình thành cộng đồng người Âu, nơi nhiều nơi ít, nhưng một trong những nhu cầu cấp bách đối với những cư dân này chính là nước sạch theo tiêu chuẩn của chính quốc.
Xem chuyên đề "Ảnh = Ký ức = Lịch sử" TẠI ĐÂY
Cùng với khí hậu nhiệt đới nóng bức, nguồn nước thiếu vệ sinh ("thủy thổ" không hợp với "bụng dạ" người Âu) đã trở thành nguyên nhân khiến cho những kẻ xâm lược, cai trị và đến khai thác xứ sở này khốn đốn vì dịch bệnh… Nhiều người Âu là quân nhân hoặc dân sự và ngay cả vị tổng trú sứ đầu tiên của người Pháp ở Bắc và Trung kỳ là Paul Bert đã chết vì dịch tả.
Vì thế, ngay từ sớm, một trong những việc làm đầu tiên của giới cai trị ở thuộc địa là xử lý nguồn nước. Những mô hình có sẵn ở các đô thị phương Tây về kỹ nghệ cấp nước sạch được đưa sang áp dụng tại các đô thị kiểu mới được hình thành tại các trung tâm dân cư lớn ở cả ba kỳ. Đặc điểm của tháp nước như tên gọi của nó là phải đạt một chiều cao phù hợp với nguyên lý vận hành là tạo độ chênh lệch giữa nơi cấp và nơi sử dụng để tạo áp suất cho dòng nước lưu thông. Do vậy, nước sau khi xử lý sạch phải được bơm lên các tháp nước cao hơn khu vực có nhu cầu sử dụng nước sạch. Cũng vì thế, một thời những tháp nước được coi là công trình kiến trúc có độ cao nhất ở các đô thị và chỉ duy nhất có thể thấp hơn các tháp chuông nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Đương nhiên, tháp nước đầu tiên được xây dựng ở Sài Gòn - thủ phủ của Nam kỳ, phần lãnh thổ sớm nhất của nước ta bị Pháp chiếm đóng và biến thành thuộc địa, cũng là nơi cư dân người Âu sống đông đúc hơn cả.
Năm 1876, dự án xây dựng thiết chế cấp nước sạch cho thành phố Sài Gòn đã được bàn tính và nhanh chóng triển khai. Hệ thống ấy gồm một cái giếng tĩnh (puits hidrostatique) có độ sâu 20m và đường kính miệng giếng là 2,8m để hút nước ngầm. Một bể chứa nước có kích thước dài 120m x rộng 2m x cao 9,5m, nằm sâu dưới mặt đất, để lắng nước và xử lý cùng một lượng hóa chất thích hợp, tạo thành "nước sạch". Về cái bể này, tờ L'illustration (Họa báo) ngày 22/5/1880 đã ví von cái thú ngồi thuyền đi trong cái bể ngầm này tạo nên sự hấp dẫn và lý thú tựa như đi thăm các cống ngầm ở Paris (!?).
Rồi trên mặt bể ngầm ấy, 8 cái trụ được xây để trên độ cao 20m, đỡ một cái bồn bằng thép có dung tích 100m3, để từ đó tạo áp lực cho nước chảy từ đó qua ống dẫn xuống mặt đất và tỏa đi tới các điểm sử dụng là công sở, tư gia hoặc các vòi nước công cộng… Vì là loại hình kiến trúc mới mẻ, phục vụ ưu tiên cho các khu cư dân của người Âu, nên Tháp nước Sài Gòn được đầu tư thiết kế đẹp và sử dụng các vật liệu tốt, nó trở thành kiến trúc độc đáo được quy hoạch tựa như một tượng đài ở khu vực trung tâm.
Thời gian sau, đô thị mọc lên nhiều, tháp nước trở về với công năng thành phần của hệ thống cấp nước sạch đô thị và khai thác dịch vụ cấp nước cho khách hàng nên các công trình này chỉ quan tâm đến độ vững chắc và có dung tích chứa nước lớn… Gắn với sự xuất hiện những tháp nước này còn có hệ thống các vòi nước máy công cộng tạo ra một nét mới trong đời sống đô thị thời cận đại…
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 49): 100 năm trước, lần đầu tiên có một vị nguyên thủ Việt Nam xuất ngoại
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 48): Cuộc đấu xảo hoành tráng 120 năm trước tại Hà Nội
- Ảnh = Ký ức = Lịch sử (Kỳ 47): Đấu xảo Hà Nội 1887
Cùng với thời gian, công nghệ cấp thoát nước sạch ở các đô thị cũng thay đổi, các loại máy bơm ngày càng hiện đại hơn, không cần đến tháp nước lớn, dùng chung cho cả đô thị, nên không được xây tiếp. Chỉ đáng tiếc là chiếc tháp đầu tiên có thiết kế và vị trí đẹp của thành phố Sài Gòn đã bị đập từ năm 1922 để thay thế bằng những tháp có dung tích lớn hơn, nhưng không còn cần đến vẻ đẹp nữa, nên sau khi không còn sử dụng, thì lại trở thành những chướng ngại thô thiển cần được phá bỏ.
Riêng Hà Nội thì có hai tháp xây bằng đá, kiến trúc tựa như các tháp canh lớn, trong các tòa thành cổ, nay vẫn được bảo tồn như một cảnh quan của quá khứ.
QXN
Tags