Andy Murray và Jamie Murray: Những hiệp sĩ đích thực

Chủ nhật, 06/11/2016 13:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Williams và Judy Murrray đã li dị gần 20 năm nay, nhưng họ vẫn luôn tự hào về “tài sản chung” rất quý giá của mình: Jamie và Andy Murray. Đó là những tay vợt tài năng, giàu nghị lực, và đều đã được Hoàng gia Anh phong tước hiệp sĩ.

Sau những chiến tích đáng nhớ tại Mỹ mở rộng 2012, Olympic London 2012, và nhất là Wimbledon 2013, giải đấu mà người Anh đã chấm dứt 77 năm không danh hiệu, Andy Murray đã được hoàng tử Williams sắc phong tước hiệu OBE (Sĩ quan đế chế Anh). Hơn ba năm sau, đến lượt ông anh trai Jamie Murray được nữ hoàng Anh Elizabeth II sắc phong tước hiệu này.

OBE đứng thứ 4 trong hệ thống tước hiệu hiệp sĩ của Hoàng gia Anh, trên MBE, dưới CBE, KBE và GBE (xem box). Đây là tước hiệu mà HLV Arsene Wenger, cựu danh thủ David Beckham, tay lái F1 Alain Prost,… đã được nhận, song chỉ ở những cấp cao hơn như CBE (Bobby Charlton, Alex Ferguson, Eton Joh,… chẳng hạn) thì mới được gọi là Sir…

2016, năm của nhà Murray

Với chiến tích vừa đạt được ở Vienna, Andy Murray đã giành 7 danh hiệu trên cả ba mặt sân ở mùa giải này (trong tổng số 10 trận chung kết). Anh cũng là tay vợt đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công tấm HCV tại đấu trường Olympic. Chỉ trong năm vừa qua, Murray đã bỏ túi 10,2 triệu USD từ tiền thưởng. Không chỉ vậy, anh còn vừa chính thức đoạt vị trí số một thế giới từ tay Novak Djokovic, tay vợt đã sa sút rất nhiều trong thời gian vừa qua.

Nhưng trước khi Andy Murray thực hiện được mục tiêu ấy thì ông anh trai Jamie Murray (hơn anh 15 tháng) đã lập chiến tích lịch sử khi trở thành tay vợt Vương quốc Anh đầu tiên lên ngôi số một ở nội dung đôi nam. Thật ra, Jamie Murray còn giành Grand Slam trước cả Andy, khi cùng với Jelena Jankovic vô địch đôi nam nữ ở Wimbledon 2007. Còn năm nay, với việc vô địch đôi nam ở cả Australian Open và US Open (đánh cặp với Bruno Soares), anh đã thực sự bước ra khỏi cái bóng của cậu em trai nổi tiếng. Cũng phải kể thêm rằng, năm ngoái, anh em nhà Murray là người hùng giúp đội tuyển quần vợt Anh vô địch Davis Cup lần đầu tiên kể từ năm 1936.


Năm 2013, Andy Murray được hoàng tử Williams trao tước hiệu Sĩ quan đế chế Anh (OBE), còn lần này, Jamie được hẳn nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng tước hiệu ấy tại điện Buckingham Palace. Theo quy định chỉ những nhân vật có đóng góp đặc biệt thực sự lớn mới nhận được vinh dự này. “Thật là vui vì mọi thứ đã đến với tôi quá nhanh”, Jamie xúc động, “Chỉ trong vòng 12 đến 18 tháng, những điều tuyệt vời này đã đến với tôi”.

Jamie từng xuất sắc hơn cả Andy Murray

Thế giới biết đến Andy Murray nhiều hơn, nhưng về xuất phát điểm, Jamie mới là người xuất sắc hơn. 10 tuổi, Jamie là tay vợt trẻ giỏi thứ ba của châu Âu, 11 tuổi, cậu về nhì ở giải đấu uy tín Orange Bowl lứa tuổi U12. Đến năm 13 tuổi, Jamie Murray đã là tay vợt trẻ số 2 thế giới lứa U14,…

Nhưng sau đó, Jamie đã trải qua quãng thời gian khủng hoảng tâm lý. Cùng với 4 tay vợt trẻ khác lớn tuổi hơn, Jamie nhận được học bổng của trường Leys School tại Cambridge, một ngôi trường được Liên đoàn quần vợt Anh (LTA) tài trợ tập luyện với những tay vợt tài năng. Nhưng rồi, vì bé tuổi nhất, Jamie bị đẩy sang St Faith, một trường trung học hạng hai. Thất vọng vì bị đối xử bất công, lại mắc bệnh nhớ nhà, Jamie bỏ về Scotland sau 8 tháng, và thậm chí không động đến cây vợt trong suốt 2 năm.


Jamie từng xuất sắc hơn cả Andy

Nhiều người cho rằng hai người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của Andy Murray là bà mẹ Judy Murray và cô vợ Kim Sear. Song thật ra người gắn bó nhất với anh từ bé, là điểm tựa cho anh trong những lúc thất bại chính là Jamie. “Rất nhiều động lực của Andy, khi còn là một cậu bé, đến từ cậu anh trai, người luôn làm mọi thứ trước nó, và tốt hơn nó”, Judy Murray đã nói như thế về hai cậu con trai của bà trong một bài phỏng vấn với ATP, “Khi chúng nó đánh đôi cùng nhau, Jamie là ông chủ. Không thắc mắc gì hết”.

“Khi Andy thi đấu chuyên nghiệp, còn Jamie đang cố gắng bứt lên. Andy thường bị ám ảnh bởi những kết quả của anh trai. Cậu ấy vui hơn khi Jamie thắng”, tay vợt cựu số một nước Anh Tim Henman nhận xét, “Và nhiều người cho rằng Jamie ghen tị với thành công của Andy, nhưng đó là suy nghĩ thực sự vớ vẩn nhất từ trước đến nay”.

Jamie, điểm tựa của Andy Murray

Hai anh em nhà Murray có rất nhiều khác biệt. Andy bước lên đỉnh cao ở nội dung đôi, Murray chọn cho mình nội dung đôi vốn ít được quan tâm hơn. Andy luôn là tâm điểm của báo chí còn Jamie thầm lặng hơn. Andy mê Arsenal, và cực ghét Man United, trong khi Jamie là một fan cuồng của đội chủ sân Old Trafford.

Cuộc sống của họ cũng có nhiều khác biệt. Jamie hẹn hò với cô sinh viên cao học người Colombia Alejandra Gutierrez năm 2009 và một năm sau tổ chức đám cưới. Andy yêu cô bạn gái Kim Sears từ năm 2005, nhưng mãi 10 năm sau mới đưa nàng về dinh. Vấn đề không phải vì Murray quá bận rộn, mà anh vẫn bị ám ảnh quá nhiều từ cuộc hôn nhân tan vỡ giữa ông Willam Murray và bà Judy Murray từ hồi anh mới 10 tuổi.


Jamie (trái) là điểm tựa cho Murray

Trở lại với biến cố năm đó, khi ông William và bà Judy đường ai nấy đi, người gắn bó với Andy Murray nhất vẫn chính là Jamie. “Thật may mắn vì tôi sinh sau Jamie, và có anh ấy ở bên cạnh vào những lúc khó khăn nhất”, Murray đã viết như thế trong cuốn tự truyện Hitting Back của mình.

Các tước hiệu của Hoàng gia Anh

Danh hiệu hiệp sĩ hiện đại của Hoàng gia Anh được phong dựa vào cống hiến của những cá nhân cho xã hội. Tên của người được ban tặng, kể từ tước CBE, sẽ được thêm vào từ "Sir" (quý ngài), nếu là phụ nữ thì là "Dame" (quý bà). Tước chỉ đi với tên, chứ không đi với họ (như HLV Alex Ferguson, có thể được gọi là Sir Alex hay Sir Alex Ferguson, chứ không bao giờ là Sir Ferguson). Vợ của những hiệp sĩ cũng có tước hiệu "Lady", nhưng sẽ đi với họ của chồng.

Hệ thống chức tước của Hoàng gia Anh gồm 5 bậc, xếp từ cao xuống thấp

-Knight Grand Cross of the Order of the British Empire (GBE, Hiệp sĩ chữ thập cao quý)

- Knight Commander of the Order of the British Empire (KBE, Hiệp sĩ chỉ huy đế chế Anh)

- Commander of the Order of the British Empire (CBE, Chỉ huy đế chế Anh)

- Officer of the Order of the British Empire (OBE, Sĩ quan đế chế Anh)

- Member of the Order of the British Empire (MBE, Thành viên đế chế Anh)

Phương Chi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›