(Thethaovanhoa.vn) - Đây là nỗi lo thường trực của con người, nhất là khi GMO đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Hiện tượng biến đổi gen ở người không phải là không có. Thực tế, khi nhiễm chất độc màu da cam, gen trong cơ thể con người đã bị biến đổi. Tuy nhiên, theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng việc này với việc ăn thực phẩm biến đổi gen là hoàn toàn khác nhau.
Ở đây, người ta thực hiện việc biến đổi gen trên cây trồng, tức là cắt, ghép các gen tốt cho một loại cây trồng. Trên thực tế, cây trồng vẫn tự biến đổi gen của nó để phù hợp với khí hậu, môi trường xung quanh, thế nên, theo ông, việc con người can thiệp vào quá trình biến đổi gen của cây trồng cũng không có gì quá đặc biệt.
Vẫn theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, trên thế giới có tới 175,2 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Riêng ở Mỹ, diện tích này là 75 triệu ha. Và tính đến thời điểm hiện tại, GMO đã được sử dụng hàng chục năm tại Việt Nam và vài chục năm trên thế giới, song nó vẫn chưa gây ra những hậu quả nào về sức khỏe.
Tuy nhiên, trái với quan điểm của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng, ảnh hưởng của GMO không phải là một sớm một chiều mà đó sẽ là vấn đề của tương lai, song hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học. Cũng chính vì vậy, GMO tốt hay độc vẫn là cuộc chiến bất phân thắng bại.
Tường Minh
Tổng hợp
Tags