Ra khỏi vùng Thượng Dharamshala, dấu ấn đạo Phật nhạt dần và thay vào đó là cuộc sống in đậm dấu ấn đạo Hindu. Các ngôi đền Hindu to, nhỏ với chiếc tháp hình nón màu trắng có mặt bên mọi nẻo đường, trong mọi xóm ngõ, và như dấu chấm trắng giữa lưng chừng núi lúc ẩn lúc hiện trong mây. Qua lễ Dussehra đến lễ Diwali - còn gọi là Tết Ấn Độ - vì đa số cư dân Ấn Độ đều tổ chức.
1. Diwali liên quan truyền thuyết xưa kia mọi người đã thắp những ngọn nến soi sáng con đường để sau khi chiến thắng ác quỷ Ravana, chàng Rama đưa nàng Sita trở về. Vì thế Diwali là ngày của niềm vui, ánh sáng, hạnh phúc.
Tết Diwali tính theo lịch của người Hindu, tổ chức trong 5 ngày, mỗi ngày có ý nghĩa riêng. Ngày thứ nhất là Dhanteras - thịnh vượng, giàu có. Ngày thứ 2 là Naraka Chaturdashi - ánh sáng chiến thắng bóng tối. Ngày thứ 3 là Diwali - quan trọng nhất dành để cúng vị thần khởi đầu của sự tốt lành là Lakshmi. Ngày thứ 4 là Diwali Padva - dành cho quan hệ vợ chồng. Ngày thứ 5 là Bhau-beej - dành cho tình anh chị em.
Diwali năm nay bắt đầu từ ngày 22/10. Giáp Tết, mọi người dọn dẹp nhà cửa, tấp nập mua sắm, khắp nơi rộn rã tiếng cười. Suốt ngày, tiếng trống lễ hội râm ran, tiếng pháo nổ đì đùng. Đoạn phố với dãy cửa hàng bán pháo đông nghịt người mua, "pháo xanh" thân thiện với môi trường chỉ phát tiếng nổ không có khói độc.
Ở đây, mua bán trong cộng đồng ít dùng tiền mặt, hàng quán cũng trả tiền qua ứng dụng trên smartphone. Nhìn con gái bấm điện thoại trả tiền mua rau tôi cứ buồn cười, vì xem ra tôi lạc hậu hơn chị bán rau. Đấy là chưa nói với cư dân Dharamshala, mua hàng trên Amazon, Flipkart (trang thương mại điện tử của Ấn Độ) đã trở thành bình thường.
2. Xem chừng cuộc sống ở Dharamshala có phần sung túc. Tới thăm một gia đình, tôi ngạc nhiên về sự hoành tráng của ngôi nhà, về bài trí nội thất đẹp, sang trọng. Bà chủ nhà niềm nở đón khách phương xa. Chồng bà (đã mất) theo đạo Sikh, bà theo đạo Hindu thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, khi lấy nhau ông bà không phải cải đạo.
Bà mời một bữa trưa nhẹ với mấy loại bánh do nhà làm rất ngon. Con gái bà đã lớn tuổi, là họa sĩ ở London, cha mất nên chị về nhà để chăm nom mẹ.
Ở Dharamshala ngoài công sở và khách sạn, có rất nhiều tư gia bề thế, hiện đại, cao vài ba tầng, sân rộng rãi, hoa lá xum xuê, và ít gặp nhà cửa nhếch nhác. Tiện đường thì để ôtô trong gara hoặc góc sân, còn đa số ôtô, xe máy để qua đêm ven đường, không bị vặt gương, tháo lốp. Có nhà đi vắng cả tháng gửi hàng xóm chìa khóa ôtô để thi thoảng nổ máy giúp.
Định cư trên sườn núi, các ngôi nhà ở Dharamshala có vị trí khác nhau. Chỗ bằng phẳng làm nhà 2 bên đường, còn lại là nhà trên taluy, nhà dưới thấp thì tầng lớp như ruộng bậc thang. Ở độ cao 1.600 mét nhưng cơ sở hạ tầng của Dharamshala khá hoàn chỉnh. Không chỉ đường xá, điện, nước mà đường truyền internet, 4G cũng tốt.
Về điện tiêu dùng, mỗi tháng mỗi gia đình được trợ cấp gần 600 rupee, tương đương với 125 kWh, dùng không quá 125 kWh không phải trả tiền. Đó là chính sách chung của chính phủ Ấn Độ trong hỗ trợ, trợ giá tiền điện sinh hoạt cho nhân dân.
Việc thực hiện phụ thuộc vào ngân sách mỗi bang và giá điện của nhà cung cấp nên hỗ trợ, trợ giá ở mỗi bang khác nhau. Ở Delhi, mỗi gia đình được dùng 200 kWh miễn phí, dùng từ 200 kWh đến 400 kWh được giảm 50%. Ở Mumbai, mỗi gia đình được giảm 50% tiền số kWh đã dùng. Bang Uttar Pradesh là trung tâm nông nghiệp, nông dân chỉ phải trả 1,5rupee - tương đương 450 đồng Việt Nam cho 1 kWh. Đáng nói là giá 1 kWh trong 125 kWh đã được hỗ trợ ở Dharamshala bằng 1.200 đồng/kWh. Trong khi đó, theo biểu giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, tiêu dùng từ 101 kWh đến 200 kWh giá mỗi số là… 2.014 đồng, gần gấp đôi!
3. Tôi đến Dharamshala khi các ngọn núi bên cạnh đã phủ đầy tuyết, trắng xóa dưới ánh mặt trời, và đúng thời điểm hoa ngũ sắc bừng nở, nên đến đâu cũng gặp hoa ngũ sắc. Vào dịp này, anh đào cũng ra hoa. Lúc đầu, gặp vài ba cây anh đào chi chít hoa bên sườn núi đã thích, đến khi gặp cả một triền núi ngút ngàn hoa anh đào và thấp thoáng năm ba ngôi nhà mờ tỏ trong mây thì mê mẩn.
Chưa được ngắm anh đào ở Tokyo, Washington D.C, nhưng tôi tin những cây anh đào đã được "nhân hóa" trồng có lớp lang, cành lá tỉa gọn, không thể sánh với triền núi hoa anh đào mọc giữa tự nhiên, gốc xù xì to hơn cỡ một người ôm.
Nằm trên vùng ôn đới, nếu nói ở Dharamshala rất nhiều rừng thông cũng không có gì lạ. Nhưng đất này còn có loài cây lá kim rất hiếm là tuyết tùng - đặc sản Himalaya còn được gọi là thông tuyết. Đó không phải là tuyết tùng trong chậu cảnh như một số gia đình Việt Nam đã trồng mà là cả rừng tuyết tùng hùng vĩ, thẳng tắp, xanh rì, cao vời vợi. Loài cây này chỉ mọc từ độ cao 1.600m trở lên, chịu được vài chục độ dưới 0.
Đứng bên ngôi đền Hindu mịt mờ trong mây, thấy một gốc tuyết tùng to uỳnh, tôi thử vòng tay ôm mà chưa được 1/3, không biết cây bao nhiêu tuổi. Và vì mê mải với tuyết tùng mà tôi đến một nhà thờ đạo Kitô cổ kính xây dựng năm 1852 - tức là 35 năm trước khi Nhà thờ Lớn ở Hà Nội khánh thành, và cảm thấy chút gì đó u hoài, nhẫn nại từ ngôi nhà thờ nhỏ bé nằm giữa vô vàn tuyết tùng lừng lững, thân cành phủ đầy rêu phong. Lại liên tưởng đến chuyện về hòa đồng tôn giáo mà tôi đã đề cập.
4. Ngày thứ 3 của lễ Diwali toàn Ấn Độ được nghỉ. Dharamshala như ngày hội, mọi ngôi nhà sáng trưng, trang trí thật đẹp, mọi người rạng rỡ trong những bộ trang phục sặc sỡ, nhưng ít ra đường, chủ yếu ở nhà để làm lễ.
Tiếng ôtô, xe máy thưa vắng hơn. Cả buổi sáng chỉ có âm thanh to nhất là tiếng còi của một bác người Dalits đi thu gom rác. Các công sở, khách sạn, nhà hàng giăng đèn kết hoa, lung linh nhấp nháy. Thoang thoảng trong gió mùi dầu mỡ rán chuẩn bị cho bữa ăn ngày Tết. Tiếng trống lễ hội náo nức, rộn ràng. Tiếng pháo ngày càng râm ran. Gần tối khi buổi lễ ở các gia đình bắt đầu kết thúc thì pháo nổ nhiều hơn và nhiều loại hơn, có lúc đinh tai nhức óc. Từ pháo tép, pháo đùng, đến pháo thăng thiên vút lên cao, pháo hoa muôn màu sáng rực bầu trời. Đứng trên đường nhìn xuống các sân thượng bên dưới, thấy đám trẻ vừa đốt pháo vừa bịt tai hò hét.
Và cảm xúc Giao thừa như ở quê nhà trỗi dậy, tôi cũng háo hức, vui lây cùng mọi người. Hít thật sâu không khí trong lành trong đêm Himalaya thấy như được hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận nhiều hơn về một Dharamshala yên bình. Nhớ trong quan niệm của người Ấn Độ, nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng, may mắn, tôi cầu mong cho con người và đất này ngày càng thêm nhiều điều tốt lành. Rồi ước ao cuộc sống ngày càng phồn vinh thì kỳ thị đẳng cấp phai nhạt, các tập quán không còn phù hợp với sự phát triển văn minh sẽ chỉ còn là dĩ vãng, chí ít để mỗi khi ra đường sẽ không gặp những người Dalits đen đúa, gầy gò đang lầm lũi với cuộc mưu sinh.
"Về điện tiêu dùng, mỗi tháng mỗi gia đình được trợ cấp gần 600 rupee, tương đương với 125 kWh, dùng không quá 125 kWh không phải trả tiền. Đó là chính sách chung của chính phủ Ấn Độ trong hỗ trợ, trợ giá tiền điện sinh hoạt cho nhân dân. Việc thực hiện phụ thuộc vào ngân sách mỗi bang và giá điện của nhà cung cấp nên hỗ trợ, trợ giá ở mỗi bang khác nhau" – nhà phê bình Nguyễn Hòa.
Tags