Ở Delhi, đến chợ châu Á, tôi gặp rất nhiều rau quả như ở Việt Nam. Song chế biến thì khác. Gà không cắt tiết mà chặt phăng cái đầu, bộ lòng bị đọng tiết đen sì. Thấy bố con tôi nói tiếng Việt, ông bán hàng cười tươi chào mời: "Nước mắm, phở". Con gái tôi mua nắm hành hoa, cân xong ông bán hàng chỉ mớ thơm mùi bảo: "15 nghìn, rẻ lắm, mua đi!".
1. Chưa tiếp xúc nhiều, song tôi vẫn khẳng định: Đa số thanh niên Ấn Độ đẹp trai, xinh gái. Từ sân bay, ga tàu hỏa, bến tàu điện ngầm đến công viên, chợ búa, siêu thị, quán ăn… tôi chưa gặp chàng trai cô gái nào xăm trổ chân tay, cạo trọc đầu, thuốc lá phì phèo hay mặc quần "bò"với 2 đầu gối thủng lỗ chỗ, gấu lướp tướp. Tới thời điểm viết bài này tôi mới gặp 6 cô gái mặc quần "bò" thủng một lỗ to ở đầu gối, 1 cô gái mặc quần short "bò" nhưng ống dài đến đầu gối, không cũn cỡn hở mông.
Nhìn chung đa số nam giới ở Ấn Độ mặc quần bò, áo phông hoặc sơ mi. Thi thoảng, gặp một trung niên mặc sơ mi dài lượt thượt. Ở đô thị, nhiều phụ nữ mặc saree - quần áo truyền thống của phụ nữ Ấn Độ thường hở một phần bụng và lưng. Các cô gái trẻ thì trang phục hiện đại hoặc là truyền thống cải biên khá đẹp. Còn tại làng xã, đa số chị em mặc saree, hoặc kurti -na ná áo dài cách tân ở Việt Nam. (Nhắc tới chuyện này thì thú thực đã mấy lần tôi "ngắm trộm" cô gái hàng xóm khi vào buổi chiều, cô mặc những bộ kurti rất đẹp, đứng trên sân thượng để chụp ảnh selfie).
Bảo người Ấn Độ không hút thuốc lá cũng không hoàn toàn đúng, nhưng vì cấm tuyệt đối tại nơi công cộng nên hãn hữu mới thấy đầu mẩu thuốc lá dưới đất. Không như lần đầu sang châu Âu, nghe bạn bè bảo bên đó cấm thuốc lá, tôi cũng ngại. Sau thấy chỉ cấm hút trong nhà, lúc nào muốn người ta ra hút trên vỉa hè, có khi đứng cả dãy, tôi chụp được khối ảnh. Ở Delhi, tối về khách sạn, tôi ra ban công đứng hút. Bụng bảo dạ khói bay lên trời, chắc không bị phạt. Nhìn 2 ban công đối diện thấy 2 ánh lửa lập lòe của 2 anh hàng xóm đang phì phèo. Giơ tay chào nhau cười toe toét. Hôm dự lễ Dussehra thì tôi thật sự kính nể, mấy nghìn người ngồi kín thung lũng và mấy sườn đồi tuyệt nhiên khôngmột chấm đỏ thuốc lá. Nhiệt độ ngoài trời 14 độ C, muốn hút điếu thuốc mà không dám.
Ở Delhi, duy nhất lần tới Deer Park - Công viên Hươu - tôi thấy có mấy thanh niên vừa đi vừa phì phèo nhả khói. Tiện xách theo bình trà, tôi ra ven hồ trà lá một mình, ngắm đàn dơi đen sì con nào con nấy to như cái chai một lít, treo lủng liểng trên các ngọn cây to, kêu lóe xóe. Nói vậy thôi, cấm thuốc lá như ở Delhi là đáng học hỏi.
2. Cũng tại Deer Park, lần đầu tiên tôi đi bên chú công vừa lững thững đi vừa xòe lông đuôi như bức tranh hoa, chú khỉ ngồi gật gù bên đường, đàn sóc nô đùa bên máy móc tập thể dục lắp đặt trong công viên. Và lần đầu tiên tôi để ý tới chó hoang, nhiều con béo núng nính, con nằm phơi nắng giữa lối đi, con leo lên ghế đá công viên làm giấc.
Sau này, hầu như đi đâu cũng gặp chó hoang, lúc vài ba con, lúc lông nhông cả đàn. Chó đã được tiêm chủng, hằng ngày cư dân xung quanh đem thức ăn đến. Hồi đại dịch Covid-19, dân không được ra ngoài, chính quyền cấp phép để tình nguyện viên hằng ngày đi các nơi mang thức ăn cho chó. Có hôm cơm chiều xong, thấy con rể gói bọc thức ăn thừa rồi đi đâu đó. Tôi hỏi, con gái bảo đem tới chỗ tập trung thức ăn cho chó hoang.
Lang thang trong nước, muốn tìm hiểu đời sống nơi nào, tôi thường tìm ra chợ, nhất là chợ huyện. Ở Delhi, đến chợ châu Á, tôi gặp rất nhiều rau quả như bắp cải, rau cải, đậu đũa, đậu cô ve, rau muống, mồng tơi, cải thảo, đậu bắp, cà tím, bầu, dưa chuột, mướp đắng, củ cải, khoai sọ… như ở Việt Nam. Song chế biến thì khác, các loại rau đều rất cứng, luộc, xào, hầm vẫn sồn sột. Gà không cắt tiết mà chặt phăng cái đầu, bộ lòng bị đọng tiết đen sì. Ở mấy chợ tôi đã đến, con gà công nghiệp nặng nhất khoảng 1,5 kg, còn gà nội địa như gà ta thì hơi hiếm, con to nhất nặng đến 3 kg, nhưng thịt, da dai ngoách. Con gái tôi đã khắc phục bằng cách luộc gần chín vớt ra để nguội, tẩm ướp rồi để vào lò nướng, thịt mềm ngon!
Quầy thịt lợn bán thủ, lòng, móng với giá rẻ hơn. Không lọc riêng thăn, ba chỉ, nạc vai, chân giò và bán đồng giá. Người mua thích chỗ nào chỉ chỗ đó, nhà hàng chặt cả thịt lẫn xương. Mua thịt lợn như vậy phải tính xem vài đoạn xương sườn, dăm cục xương vai, mấy khúc xương chân giò sẽ làm món gì.
Thú vị là qua một quầy hàng ở chợ châu Á, thấy bố con tôi nói tiếng Việt, ông bán hàng cười tươi chào mời: "Nước mắm, phở". Con gái tôi mua nắm hành hoa, cân xong ông bán hàng chỉ mớ thơm mùi bảo: "15 nghìn, rẻ lắm, mua đi!".
Cũng vì đi lang thang mà tôi thấy cạnh lối đi, dưới chân tường, đôi ba chỗ khuất nẻo có những vệt đo đỏ như nước cốt trầu mà ngày trước các cụ nhà ta hay xả ra đường. Hóa ra đúng vậy, nhiều người Ấn Độ vẫn ăn trầu. Và tôi lại lọ mọ đến một cửa hàng bán trầu xem ông chủ đặt lá trầu lên bàn, phết lên đó một chút nước màu đỏ cùng chục loại thành phần khác nhau (trong đó tôi chỉ nhận ra hạt cau khô) rồi gói lại, đặt vào một chiếc lá khô đưa cho khách. Người mua còn trẻ, đưa luôn miếng trầu vào miệng, bỏm bẻm như nhai kẹo cao su.
3. Đến siêu thị, vào chợ, qua cửa hàng bán các loại bánh óng ánh dầu mỡ ở đâu cũng chỉ thấy có 3 loại gói bọc là báo, túi ni lông tự hủy, túi vải không dệt tự hủy. Có lần thấy xe đẩy ven đường bán loại quả vừa quen vừa lạ, tôi mua vài lạng ăn thử, nhìn người bán hàng bọc trong giấy báo, tôi quen tay lấy từ balô ra túi ni lông, rồi lại ngượng, giấu biến. Còn loại quả kia thì cắn rốp một cái nước chảy tong tỏng, hóa ra là củ ấu non, người Ấn Độ ăn củ ấu non, không ăn củ đã tích bột vỏ cứng đen sì như ở Việt Nam.
Lại nghĩ gói bọc bằng báo như vậy hẳn là người Ấn Độ đọc chăm báo, lọ mọ tìm hiểu thì đúng vậy. Hầu như người lớn nào trên tay cũng lăm lăm smartphone, song các quầy bán báo vẫn khá nhiều. Có buổi sáng gặp anh nhân viên bưu điện đeo túi dết to đầy báođi rải vào thùng thư, nhét khe cửa các gia đình bên đường.
Đến phố núi Dharamshala ở độ cao 1.500 mét cũng thấy quầy báo tấp nập người mua. Buổi sáng ở Dharamshala tôi thích làm ấm trà ngồi đầu nhà giữa nắng rực rỡ gió lành lạnh, ngắm trời xanh tới mức không thể xanh hơn, có mấy chú đại bàng bé bằng hạt ngô lượn trên cao tít tắp, hoặc ngắm chú chim sâu bé bằng ngón tay vừa kêu loách choách vừa len lỏi giữa bụi hoa… và hôm nào cũng thấy anh hàng xóm lụi cụi cầm bát gạo rải lên bờ tường. Lát sau, không chỉ chim chóc mà cả mấy chú sóc cũng đến, nhấm gạo như thỏ nhấm cà rốt.
Lại nhớ buổi sáng đầu tiên ở Delhi, qua cửa sổ thấy cành cây trước mặt có chú chim màu đen. Ngỡ là bồ câu, rồi phì cười vì lúc vỗ cánh bay, chú chim kêu "quà quạ". Đến chiều thì hàng đàn chim chóc tung cánh giữa trời. Chào mào, én, bồ câu, sẻ, vẹt xanh đuôi dài… cả đại bàng, quạ nữa thi nhau bay lượn, tầng thấp tầng cao. Khó có thể nghĩ đó là khung cảnh giữa một thủ đô hiện đại. Đó cũng là khung cảnh cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước tôi đã gặp ở Hà Nội, và giờ chỉ còn là dĩ vãng.
Hầu như đi đâu cũng gặp chó hoang, lúc vài ba con, lúc lông nhông cả đàn. Chó đã được tiêm chủng, hằng ngày cư dân xung quanh đem thức ăn đến. Hồi đại dịch Covid-19, dân không được ra ngoài, chính quyền cấp phép để tình nguyện viên hằng ngày đi các nơi mang thức ăn cho chó. Có hôm cơm chiều xong, thấy con rể gói bọc thức ăn thừa rồi đi đâu đó. Tôi hỏi, con gái bảo đem tới chỗ tập trung thức ăn cho chó hoang.
(Còn nữa)
Tags