Ai ghi bàn cho U23 Việt Nam khi không còn Tiến Linh?

Thứ Sáu, 27/05/2022 07:45 GMT+7

Google News

Vinh quang của U23 Việt Nam ở SEA Games không thể che mờ vấn đề nơi hàng công, thứ sẽ mang tới bài toán đau đầu cho tân HLV Gong Oh Kyun ở U23 châu Á đã rất gần.

Tiến Linh là mối đe doạ lớn nhất với U23 Thái Lan

Tiến Linh là mối đe doạ lớn nhất với U23 Thái Lan

Các HLV danh tiếng Thái Lan như ông Sasom Pobprasert của Chonburi FC đánh giá Tiến Linh là hiểm hoạ lớn nhất của U23 Thái Lan ở trận chung kết SEA Games 31 diễn ra lúc 19h00 ngày 22/5.

8 bàn sau 6 trận là thống kê khiêm tốn nhất của một nhà vô địch trong lịch sử tính từ năm 2001, thời điểm SEA Games bắt đầu trở thành sân chơi của các đội tuyển U23. Nó cho thấy nhà vô địch U23 Việt Nam có những vấn đề riêng và thực sự đáng ngại.

Vấn đề đó đã được khỏa lấp ở SEA Games bằng phong độ rực sáng của hàng thủ, nhưng sẽ tiếp tục trở lại và chưa có phương án giải quyết tại U23 châu Á 2022, giải đấu sẽ khởi tranh chỉ trong ít ngày tới.

Xu hướng thực dụng ở Đông Nam Á

Không nhà vô địch nào có hàng công “hạn hán” như U23 Việt Nam trong lịch sử. Hầu hết đều ghi được được trên dưới 20 bàn, có trung bình từ 3 tới 4 bàn mỗi trận trên hành trình đăng quang ở SEA Games. Thái Lan 2015 (24 bàn sau 6 trận), Malaysia 2009 (22 bàn sau 6 trận) hay Thái Lan 2007 (18 bàn sau 5 trận) là những dẫn chứng cụ thể.

Năm 2011, U23 Malaysia từng bị chỉ trích khi vô địch chỉ với 9 bàn sau 6 trận. Thái Lan 2013 hay Thái Lan 2005 (cùng 10 bàn) dù họ đã đăng quang, nhưng cũng không được ca ngợi bởi hàng công yếu kém.

Nhưng không ai trong số những hàng công ấy gây thất vọng như U23 Việt Nam. Ngoại trừ các chiến thắng trước U23 Indonesia và Timor-Leste, hàng công U23 Việt Nam không ghi quá 1 bàn trong cả 4 trận còn lại.

So với phiên bản chính mình của năm 2019, đó là một sự xuống cấp ghê gớm khi U23 Việt Nam năm đó “dội bom” 24 lần vào lưới các đối thủ.

Bên cạnh lý do lực lượng chủ quan từ U23 Việt Nam, lý do khách quan là xu hướng thực dụng đang lên ngôi tại bóng đá Đông Nam Á. 2 trong 3 nền bóng đá hàng đầu khu vực lúc này là Indonesia cùng Việt Nam đều được dẫn dắt bởi các HLV Hàn Quốc, đều theo đuổi lối chơi lấy phòng ngự làm kim chỉ nam.

bóng đá Việt Nam, U23 Việt Nam, U23 châu Á, VTV6, trực tiếp bóng đá U23 Việt Nam, U23 Việt Nam vs U23 UAE, HLV Gong Kyun, giao hữu U23 Việt Nam vs U23 UAE
Mạnh Dũng ghi bàn quyết định nhưng những hậu vệ như Việt Anh mới là người quyết định vinh quang của U23 Việt Nam ở SEA Games vừa qua. Ảnh: Bạch Dương

Cả ông Park Hang Seo lẫn ông Shin Tae Yong đều đã nhiều lần thể hiện điều đó. Điều đáng nói là họ đều đã thành công với lối chơi ấy, dẫn tới những mô hình tương tự trong các giải đấu khác nhau tại khu vực.

Cùng với đó, việc U23 Thái Lan không có lực lượng mạnh nhất còn Malaysia đã qua thời đỉnh cao càng khiến các đội bóng trở nên thực dụng hơn. Đội này không sở trường tấn công, đội kia thì không đủ lực lượng để tấn công. Điều đó đã dẫn tới một giải đấu vô cùng khó khăn cho thầy trò ông Park.

Cả 6 trận tại SEA Games, U23 Việt Nam đều bất lực với nhiệm vụ ghi bàn ở hiệp một. Càng tới giai đoạn knock-out, thời gian im lặng của Tiến Linh và đồng đội càng kéo dài. Trước Malaysia ở bán kết, Tiến Linh mở tỷ số ở phút 111. Tới chung kết với Thái Lan, Mạnh Dũng lập công phút 83.

Trong khi đó, đối thủ của U23 Việt Nam ở SEA Games 31 chỉ là những đội bóng Đông Nam Á. Trình độ của đối thủ sẽ tăng rất nhiều khi U23 Việt Nam tới Uzbekistan ít ngày tới. Đấy sẽ là thách thức lớn nhất cho tân HLV Gong Oh Kyun.

Sự vắng mặt của những siêu sao tấn công

HLV Park Hang Seo từng phải “hết nước hết cái” với VFF và Quang Hải để thuyết phục cựu tiền vệ CLB Hà Nội dự SEA Games. Hiện trạng hàng công U23 Việt Nam vừa qua càng chứng minh đội bóng cần Quang Hải đến thế nào.

Không hề tình cờ khi hai hàng công mạnh nhất SEA Games 10 năm qua (Việt Nam 2019 và Thái Lan 2015 với cùng 24 bàn) đều sở hữu những ngôi sao tuyến trên kiệt xuất. Với Thái Lan, SEA Games 2015 là lần cuối cùng Chanathip Songkrasin góp mặt ở sân chơi khu vực.

Với Việt Nam, SEA Games 2019 cũng là kỳ Đại hội gần nhất của Quang Hải. Đó là còn chưa kể những Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh cùng các bệ phóng hạng nặng mang tên Trọng Hoàng, Văn Hậu.

“Có bột mới gột nên hồ” là nguyên lý chưa từng sai trong bóng đá.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Ông Park và người hâm mộ Việt Nam đã kiểm chứng điều đó một lần ngay sau SEA Games 2019. Không còn Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu, đương kim vô địch Đông Nam Á U23 Việt Nam lập tức trải qua kỳ U23 châu Á thảm họa, đứng bét bảng và chỉ ghi 1 bàn sau 3 trận.

Lo lắng của năm xưa đang trở lại rõ ràng hơn bao giờ hết U23 châu Á 2022. So với SEA Games, U23 Việt Nam sẽ mất cả Hùng Dũng, Hoàng Đức. Tiến Linh, người ghi bàn duy nhất năm đó, cũng là một cái tên quá tuổi. HLV Gong Oh Kyun còn mất cả Quang Hải.

Danh sách U23 Việt Nam đi UAE mới đây có tới 6 tiền đạo nhưng chưa một ai đá chính ở V-League. Nhâm Mạnh Dũng ghi bàn quyết định ở chung kết SEA Games nhưng trước đó, anh chỉ là dự bị của Tiến Linh. Những người như Lê Minh Bình, Vũ Minh Hiếu, Trần Danh Trung thậm chí còn không được dự SEA Games.

Đội hình của ông Gong kém xa lực lượng mà HLV Park đã có ở kỳ U23 châu Á trước. Và cũng giống như người tiền nhiệm, ông sẽ phải đặt trọn niềm tin vào tuyến phòng ngự vốn đã thể hiện rất tốt ở SEA Games.

Những người tinh ý sẽ nhận ra kỳ Đại hội ở Việt Nam là lần đầu tiên, ông Park không dành một suất quá tuổi nào cho hàng phòng ngự. HLV người Hàn đặt trọn niềm tin vào những tài năng trẻ ở hàng thủ và đã được đền đáp. Ngược lại với hàng công, hàng thủ U23 Việt Nam được định hình bởi những cầu thủ không hề ít kinh nghiệm V-League.

2 trong 3 trung vệ đá chính của U23 Việt Nam là những người đã chơi xuất sắc trong trận hòa lịch sử trước đội tuyển Nhật Bản. Sự trưởng thành thần tốc của họ, đặc biệt ở vị trí của Thanh Bình, là điều vượt ngoài tính toán của giới chuyên môn, đồng thời mang tới cho ông Park một thủ lĩnh đáng tin cậy tại U23 Việt Nam.

Những con người đó sẽ tiếp tục là hy vọng của đội bóng trong kỳ U23 châu Á được dự đoán khó khăn nhất dưới thời ông Park Hang Seo ở Việt Nam.

Bạch Dương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›