9X học hát chèo

Thứ Sáu, 08/08/2014 14:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Yêu chèo truyền thống một cách tự nguyện. Học diễn chèo truyền thống cũng với tinh thần... tự nguyện nốt, bằng tiền túi và sự háo hức của bản thân mình. Đó là dự án mà một nhóm gần 50 sinh viên đại học tại Hà Nội đang theo đuổi, dưới cái tên Chèo 48 giờ.

Chỉ là một hoạt động ngoại khóa, thế nhưng Chèo 48 giờ đã là câu trả lời rất tích cực cho băn khoăn mà giới sân khấu lặp đi lặp lại trong hàng chục năm qua: khán giả trẻ có thật sự đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống?

Từ “Tôi 20” đến “Chèo 48 giờ”

Ngày 9/8 tới, tại đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội), các thành viên của dự án sẽ có đêm Gala tổng kết thành quả lao động của mình sau gần 10 buổi học. 2 trích đoạn Xã trưởng- mẹ ĐốpHề mồi thắt lưng xanh được biểu diễn trực tiếp bởi các gương mặt ở độ tuổi từ 17- 24 này. Đáng nói, dù bán vé (mức giá chung 20.000 đồng), lượng khách đăng kí tham dự đã lên tới con số 200 và bắt đầu vượt quá sức chứa của nơi biểu diễn.


 Nguyễn Thị Thanh Hà (sinh viên Đại học Hà Nội) sẽ vào vai mẹ Đốp tại Gala Chèo 48 giờ.

Là sự tham gia phi lợi nhuận của nhiều nhóm cộng đồng nhưng ý tưởng chủ đạo của dự án đến từ "Tôi 20"- một tổ chức do sinh viên trong và ngoài nước thành lập. Họ và nghệ sĩ Khương Cường, cố vấn hiện nay của dự án, có cơ hội  gặp nhau.

"Tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội, Cường từng có nhiều năm nghiên cứu âm nhạc truyền thống và là thành viên Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam, một trong những đơn vị bảo trợ cho dự án. Những gì các bạn sinh viên muốn hoàn toàn trùng khớp với suy nghĩ của tôi. Nghệ thuật truyền thống hoàn toàn có thể bén duyên với các khán giả trẻ, miễn là chúng ta nghiền ngẫm để tìm được sự gặp nhau về nhu cầu, cũng như cách thực hiện"- Cường nói.

Không còn tưởng nhạc chèo với nhạc... đám ma

Những buổi học đầu tiên, Chèo 48 giờ có khoảng 30 học viên. Cuối khóa, sau 48 giờ học, con số ấy đã lên tới gần 50 người. Và, nếu trong buổi học đầu tiên, có bạn trẻ hồn nhiên chia sẻ rằng "nhạc chèo là thứ gì đó hơi giống nhạc đám ma" thì đến cuối khóa, ngần ấy gương mặt đã có một kiến thức kha khá về chèo, với những hào hứng và say mê thật sự.

"Tôi nói rằng các bạn sẽ học để hiểu về nghệ thuật chèo, chứ không phải học để làm nghề. Ít ra sau này, khi nói về chèo, chúng ta sẽ cùng nhớ lại những kỷ niệm và những kiến thức cùng chia sẻ với nhau hôm nay"- Cường nói.

Gần chục buổi học, gần như không có sinh viên nào rời bỏ dự án. Họ được tìm hiểu và phân tích khá kĩ về lịch sử ra đời và đặc thù trình thức của chèo cổ.Họ được về thăm làng Khuốc – đất chèo cổ ở Thái Bình – để thấy sự khác biệt giữa nghệ thuật chèo ở Nhà hát và cách những người nông dân xem chèo, diễn chèo hồn nhiên như một nhu cầu văn hóa trong cuộc sống hàng ngày. Rồi được học cách diễn "Xã trưởng – mẹ Đốp" -  trích đoạn kinh điển nhất trong kho tàng chèo cổ.

Không ai đặt quá nặng yêu cầu về diễn xuất của các học viên trong đêm Gala tới đây- khi bản thân những diễn viên chèo chuyên nghiệp cũng phải mất tối thiểu 3 năm học để "nuốt" trọn trích đoạn Xã trưởng – mẹ Đốp. Và, cũng không ai vội nghĩ tới việc ngần ấy sinh viên sẽ thay đổi nghề nghiệp đang được đào tạo để chuyên tâm đi theo tiếng trống chèo. Nhưng, như lời chia sẻ của người trong cuộc, những gì được học đã đủ làm nên chút tài lẻ khi giao lưu cùng sinh viên quốc tế, làm nên chút kiến thức để có thể ung dung thưởng thức một đêm diễn chèo cổ trong cuộc sống sau này. Bởi, khi chưa đủ yêu để hiểu, con người ta hoàn toàn có thể học cách hiểu trước, về chèo cổ chẳng hạn, để đặt ra hi vọng tìm đến tình yêu.

Dự án bắt đầu từ tháng 7 và kết thúc sau đêm Gala 9/8 tới. Khương Cường nói rằng anh hi vọng sự nhiệt tình của các học viên, cũng như sự quan tâm của các tổ chức hoạt động xã hội, sẽ đủ sức để những dự án tương tự về Chèo cổ tiếp tục được nhân lên. Từ nhiều năm nay, những dự án đưa nghệ thuật vào trường học vẫn được giới sân khấu và ngành giáo dục thường xuyên nhắc tới nhưng dường như vẫn có gì không hoàn hảo trong cách làm...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›