“Hiếm có nhạc sĩ nào viết qua 4 giai đoạn: chống Pháp, chống Mỹ, thời bình và thiên niên kỷ mới như Văn Ký (1/8/1928-1/8/2023). Giai đoạn nào cũng có những tác phẩm thành công”, đó là những lời mà nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi trân trọng khi nói về nhạc sĩ Văn Ký.
Quả thật như vậy, với chất thơ nhạc có sẵn trong tâm hồn, lại trải qua cả những năm tháng khốc liệt của chiến tranh lẫn cuộc sống giản dị trong hòa bình, nhạc sỹ Văn Ký đã đưa những rung cảm của mình vào âm nhạc để gieo vào tâm hồn người nghe những hy vọng tươi sáng, đồng thời khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong nền âm nhạc Việt Nam.
Cùng đất nước gieo mầm âm nhạc
Nhạc sĩ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Sinh ra trong một gia đình nghèo nên khi mới lớn, cậu bé Văn Ký được bà nội đón vào Thanh Hóa. Nhạc sĩ Văn Ký tham gia cách mạng rất sớm và cũng sớm bộc lộ tài năng âm nhạc. Khi học phổ thông, cậu đã rủ những người bạn của mình mua sách nhạc lý của "Tây" để cùng tự học. Năm 1943, khi mới 15 tuổi, nhạc sĩ Văn Ký đã tham gia cách mạng rồi cùng quân dân huyện Nông Cống (Thanh Hóa) tham gia giành chính quyền năm 1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1946. Và 18 tuổi ông đã sáng tác bài Trăng xưa - một tác phẩm âm nhạc đầu tay nói về mối tình lãng mạn tuổi học trò.
Từ một huyện đội trưởng dân quân ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn Ký tham gia hoạt động âm nhạc ở vùng Khu IV cũ, với những sáng tác đầu tay như Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng Hòa Bình (giải nhất Chi hội Văn nghệ Liên khu IV)… Có năng khiếu, lại được "ươm mầm" từ sớm đã góp phần đào tạo nên một nhạc sĩ chuyên nghiệp có tên tuổi sau này.
Từ năm 1950-1954, ông làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu 4 và tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1955-1957. Năm 1954, tại Đại hội Văn công toàn quốc, ông giành giải thưởng lớn với hai nhạc cảnh “Dân công lên đường” và “Lúa thoái tô”. Sau đó ông về Hà Nội. Năm 1957, ông là một trong những hội viên sáng lập và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ của Hội từ năm 1963. Ông đã dự nhiều lớp học do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn và được đi thực tập tại Liên Xô.
Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ngày 26/10/2020. Với tình yêu âm nhạc, với những đóng góp không ngừng cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Văn Ký đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương của các ngành, đoàn thể.
Nhạc sĩ của chất thơ trữ tình
Nhạc sĩ Văn Ký là nghệ sĩ gạo cội và có uy tín trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, ông cũng là người cởi mở, dễ gần, luôn hòa đồng vui vẻ với mọi người và hài lòng với cuộc sống. Có lẽ bởi tính cách như vậy, nên các khúc của ông luôn toát lên niềm lạc quan tin tưởng, hướng về tương lai tươi sáng. Giai điệu đậm chất trữ tình, trong sáng, ca từ giàu chất thơ, gợi hình ảnh rõ nét và đậm chất nhân văn sâu sắc, như các nhạc phẩm Tây Nguyên bất khuất, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh, Hà Nội mùa xuân...
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nhạc sĩ Văn Ký có khoảng 400 tác phẩm gồm ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng… trong đó nhiều ca khúc là những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt, ca khúc "Bài ca hy vọng" được ông sáng tác vào năm 1958, đã được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện thành công như Khánh Vân, Mỹ Bình, Trung Kiên, Lê Dung, Hồng Nhung, Lan Anh. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng của "Bài ca hy vọng" đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam. Tuy nhiên, với chính người nhạc sĩ ấy, khi có ai đó nhắc tới ca khúc này, ông lại nhẹ nhàng nói: tôi không muốn đề cao. Mọi người cứ nhớ về bài hát, nhưng quên tôi đi cũng được!
Nhạc sỹ Văn Ký còn được mệnh danh là nhạc sĩ của mùa thu. Đối với ông bầu trời xanh Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt. Ông từng thổ lộ: "Với tôi bầu trời mùa Thu Hà Nội có vẻ đẹp và nói lên rất nhiều điều, không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên, mà ở đó còn nói lên khát vọng. Bài hát Trời Hà Nội xanh là tôi muốn nói lên điều đó. Bầu trời Hà Nội còn là bầu trời chiến thắng, bắn rơi nhiều máy bay của quân xâm lược, bầu trời của những chùm pháo hoa bay lên trong lễ hội và bầu trời ấy mãi xanh bởi khát vọng hòa bình”.
Văn Ký là một nhạc sỹ đa tài và được đào tạo tốt. Ông sáng tác cả khí nhạc và nhạc cho phim với các nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô, ca kịch Nhật ký sông Thương, hay những tác phẩm viết cho phim: Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vàn tình yêu… Đặc biệt Tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng được Nhà hát Giao hưởng Việt Nam biểu diễn nhiều lần và công diễn tại Nhà hát Giao hưởng Hale của Đức. Tác phẩm này cũng được Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Nga công diễn trong Liên hoan Âm nhạc Quốc tế II, được tặng Bằng danh dự và Nhà xuất bản Âm nhạc của Nga ấn hành dày 150 trang khổ lớn.
Với tinh thần lạc quan và suy nghĩ tích cực, giàu tình cảm, dù đã 80, 90 tuổi, nhạc sĩ Văn Ký vẫn giữ được sức sáng tạo dẻo dai bền bỉ, vẫn sáng tác và vẫn để lại những khúc ca lay động lòng người. Ở tuổi 84, Văn Ký có Thương nhớ dòng sông, Chiều Thăng Long; khi 86 tuổi, ông có nhạc phẩm: Xinh quá! Em Sơn La, Sáng Tây Hồ, Tiếng sáo diều, Bát Tràng quê em. Tiếp sau là các bài: Quốc hội Việt Nam, Mộng mơ Vũng Tàu, Tây Hồ cổ nguyệt, Lời ru, Đêm trăng Hạ Long, Dệt mùa Thu xanh. Đặc biệt, tháng 4/2020, khi ở tuổi 92, nhạc sĩ Văn Ký còn phổ nhạc bài COVID phải lùi xa của tác giả Lê Chín, khiến ai cũng bất ngờ trước sự minh mẫn và sức sáng tạo dẻo dai của một nhạc sỹ luôn sống hết mình với âm nhạc.
Tags