Những thói quen khi dùng điều hòa dưới đây tưởng như vô thưởng vô phạt, thậm chí còn rất thiện chí nhưng thực tế lại gây lãng phí điện không cần thiết.
Vào hè, trời nóng oi bức khiến cho nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao, thế nhưng dù sử dụng nhiều nhưng không phải ai cũng biết dùng thiết bị này đúng cách. Hãy cùng YAN điểm qua những sai lầm phổ biến khi dùng điều hòa khiến tiền điện không chỉ “tăng không phanh” mà còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa
Điều hòa tiêu tốn khá nhiều điện năng, khi được tắt bằng nút “Off” thì sẽ vẫn tiếp tục tiêu thụ một lượng điện đáng kể. Bởi thực tế, dù đã tắt bằng điều khiển nhưng điều hòa sẽ trở về trạng thái chờ để việc khởi động lại dễ dàng, nhanh chóng hơn chứ không phải dừng hoạt động hẳn, nên lúc này vẫn sẽ tốn điện “ngầm” với sức tiêu thụ ngang một bóng đèn.
Vậy nên để tránh lãng phí điện vô nghĩa, sau khi tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, bạn nên ngắt luôn cả nguồn điện. Bằng cách này vừa có thể giúp kéo dài tuổi thọ của thiết bị, vừa phòng tránh được các trường hợp chập điện, hư hỏng máy.
Mua điều hòa cũ cho tiết kiệm
Giá của chiếc điều hòa cũ sẽ rẻ hơn đồ mới, nhưng sau thời gian làm việc, hiệu suất của thiết bị sẽ giảm vì động cơ yếu đi, vừa không mát như mong muốn lại còn hao tốn điện. Bên cạnh đó, điều hòa cũ thường được trang bị cánh quạt nhỏ, sử dụng lâu sẽ làm giảm khả năng lưu thông và lan tỏa không khí lạnh trong phòng nên có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Ngồi lâu trong môi trường như vậy chắc chắn sẽ cảm thấy nóng lạnh bất thường, mệt mỏi hơn.
Vậy nên thay vì dùng đồ cũ rồi phải tốn tiền sửa chữa, nên thay điều hòa sau ít nhất 10 năm sử dụng. Đồng thời cần bảo trì máy thường xuyên, kết hợp vệ sinh máy để lỗ khí thông thoáng, thay bộ lọc 2 tháng/lần để công suất làm việc được tốt hơn.
Mua điều hòa càng to càng tốt
Nhiều bạn cho rằng điều hòa càng to thì khả năng làm mát càng nhanh, tiết kiệm được nhiều điện năng. Thế nhưng thực tế thì ngược lại, điều hòa càng lớn càng tiêu thụ lượng điện nhiều mà không cần thiết cũng như loại bỏ được rất ít hơi ẩm trong phòng, là nguyên nhân khiến tiền điện tăng.
Do đó, thay vì tư tưởng “càng to càng tốt”, hãy tìm hiểu và lựa chọn điều hòa có công suất phù hợp với diện tích của căn phòng.
Chọn sai chế độ
Bấm lung tung theo “ông bà mách bảo”, chọn sai chế độ trên điều khiển cũng là nguyên nhân khiến tiền điện tăng và gây hại cho sức khỏe. Các chế độ thường dùng là tự động (Auto), làm mát (Cool), làm khô (Dry), quạt (Fan).
Khi cần làm lạnh nhanh và giữ nhiệt độ phòng ổn định, bạn nên chọn chế độ Cool. Chế độ Fan sẽ bật quạt chạy và tắt máy làm lạnh, dùng khi không cần giảm nhiệt độ và muốn lưu thông không khí trong phòng. Còn chế độ Dry nên chọn khi muốn giảm độ ẩm trong phòng, phù hợp với những ngày mưa, độ ẩm không khí cao, dùng trong 1-2 tiếng vì thời gian lâu sẽ làm khô da, khô giác mạc cũng như khô niêm mạc mũi…
Không chú ý đến vị trí lắp đặt
Vị trí lắp đặt cũng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của điều hòa. Càng ở vị trí nóng, khuất, gần với nhiệt từ Mặt trời, điều hòa sẽ phải làm việc cật lực và liên tục dẫn đến tiêu tốn nhiều điện năng hơn và thậm chí là quá tải.
Nên đặt điều hòa ở vị trí thoáng, mát, tốt nhất là nằm ở giữa phòng (tránh vị trí nắng chiếu trực tiếp). Khi đó, nhiệt độ trong phòng sẽ được giảm nhanh và đều hơn, từ từ sẽ lan tới làm mát các khu vực nóng, khuất nhất.
Tắt điều hòa khi phòng đủ mát
Nhiều người có thói quen bật điều hòa ở mức thấp nhất, đủ mát thì tắt rồi lại bật lên khi thấy nóng - tức khi nào cần mới bật để tiết kiệm điện. Thế nhưng ngược lại, điều hòa tốn rất nhiều điện năng để khởi động nên cách bật/tắt này chỉ khiến tốn điện hơn mà thôi.
Vì vậy không nên bật điều hòa xuống mức thấp nhất để phòng nhanh chóng mát rồi lại tắt ngay sau đó mà hãy để thiết bị chạy ổn định với mức nhiệt phù hợp trong thời gian dài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là có thể để điều hòa chạy 24/7. Nếu ra ngoài lâu đừng quên tắt thiết bị, đồng thời kết hợp với đặt chế độ hẹn giờ khi đi ngủ vào ban đêm để không vì nhiệt độ thấp mà ảnh hưởng giấc ngủ, lại tiết kiệm điện.
Không bật thêm quạt gió
Dường như với nhiều người, quạt gió và điều hòa “không đội trời chung”, bật cái này thì tắt cái kia. Nhưng thực tế, hai thiết bị này hoạt động bổ trợ lẫn nhau khi điều hòa làm mát còn quạt đưa không khí lạnh tỏa khắp phòng nhanh hơn.
Vậy nên khi sử dụng 2 thiết bị một lúc sẽ giúp điều hòa đỡ “vất vả”, giảm công suất cũng như tần suất làm việc, khi đó hóa đơn tiền điện cũng sẽ giảm.
Không vệ sinh hoặc thay bộ lọc không khí thường xuyên
Bộ lọc không khí giúp loại bỏ bụi bẩn trong không khí, càng sử dụng điều hòa lâu, lớp bụi sẽ bám càng nhiều. Mặc dù vẫn có thể chạy tốt nhưng chất lượng lọc không khí kém đi có thể gây các bệnh về hô hấp cho người dùng.
Thường xuyên vệ sinh, đặc biệt là với bộ lọc điều hòa sẽ giúp tăng hiệu suất làm lạnh và tiết kiệm điện tối đa trong quá trình sử dụng, lại bảo vệ sức khỏe cho người dùng. Bên cạnh đó, nếu có hỏng hóc, trục trặc khi sử dụng, hãy kiểm tra và khắc phục càng sớm càng tốt để tránh những phát sinh ngoài ý muốn.
Tags