Trong lịch sử 75 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp) luôn là nơi đoàn kết, tập hợp giới văn nghệ sỹ chung tay xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam.
75 năm hình thành và phát triển
Ngày 25/7/1948, tại Hội nghị văn nghệ toàn quốc trong vùng Chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Hội Văn nghệ Việt Nam - tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chính thức được thành lập. Hội có sứ mệnh tập hợp toàn bộ giới văn nghệ sỹ cả nước đoàn kết xây dựng nền văn nghệ cách mạng, góp phần cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ của cách mạng và kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, đến nay, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thu hút hơn 40.000 văn nghệ sỹ thuộc nhiều thế hệ, sinh hoạt và làm việc trong 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương và trong 63 hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước từ Bắc vào Nam.
Đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận-phê bình... luôn nhận thức lời dạy của Bác Hồ: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy", đã thực sự trở thành những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa. Hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đã tô đậm truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, chuyển tải tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần nhân văn cao cả, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, tạo nên niềm tin và khát vọng cho nhân dân vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Nhiều văn nghệ sỹ đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc như: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Chu Cẩm Phong, Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý... Văn học nghệ thuật đã động viên quân dân ta chiến thắng quân thù, giành độc lập, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ hòa bình, đội ngũ văn nghệ sỹ tiếp tục có những sáng tác tâm huyết với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước như: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Trải qua 10 kỳ đại hội, tổ chức văn nghệ Việt Nam đã ba lần đổi tên, từ Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1957), đến Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957-1995) và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (từ năm 1995 đến nay). Đảng, Nhà nước và nhân dân yêu mến, đánh giá cao những đóng góp của Liên hiệp và đội ngũ văn nghệ sỹ, đã trao tặng Liên hiệp Huân chương Độc Lập hạng Nhất, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Hàng trăm, hàng nghìn văn nghệ sỹ đã được nhận các danh hiệu, giải thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cũng như nhiều danh hiệu giải thưởng khu vực, giải thưởng quốc tế danh giá khác.
Không ngừng sáng tạo những tác phẩm giá trị
Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, thời gian qua, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, dự án. Các hoạt động đã khẳng định vị thế quan trọng của văn học nghệ thuật với tư cách là một bộ phận đặc biệt của văn hóa, một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.
Liên hiệp đã tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các tổ chức thành viên, hội văn học nghệ thuật địa phương, qua đó tham mưu với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, luật pháp đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như đối với văn nghệ sỹ, nhằm phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, bảo vệ quyền lợi chính trị, nghề nghiệp hợp pháp của các tổ chức thành viên.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nước ta hội nhập sâu rộng, Liên hiệp luôn nhận thức vai trò của mình là tổ chức đại diện cho văn nghệ sỹ của 54 dân tộc anh em; đồng thời phải đi đầu bảo tồn và phát huy vốn quý văn học nghệ thuật truyền thống, cổ truyền. Liên hiệp đã có nhiều hoạt động để văn nghệ dân tộc thiểu số và văn nghệ dân gian hòa vào dòng chảy chung, làm nên nền văn học nghệ thuật Việt Nam đa sắc, đa diện.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân cũng thẳng thắn thừa nhận, những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật trong thời gian gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước. Đó là sự vắng bóng của những công trình, tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; sự lúng túng, sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học. Đó còn là xu thế "nghiệp dư" hóa trong sáng tác và biểu diễn, đó là sự "lên ngôi" của những loại hình, tác phẩm bị dư luận gọi là "thị trường", "nhảm nhí" nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng. Cùng với nó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, thậm chí xấu độc tác động vào môi trường văn hóa, nhân cách con người.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, nhiệm vụ của văn nghệ sỹ chân chính là không ngừng sáng tác những tác phẩm giá trị, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Văn học nghệ thuật được xem là "xương sống" của công nghiệp văn hóa; chính vì thế cần phải đặt toàn bộ sự phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam vào chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia để tăng cường "sức mạnh mềm", đưa văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Tác phẩm văn học nghệ thuật ngày nay cần xem là một loại hàng hóa đặc biệt, ở đó giá trị kinh tế phải song song với giá trị nghệ thuật. Chỉ khi đó, văn học nghệ thuật mới thực sự là động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế. Vị trí, vai trò của văn hóa mới được xã hội nhìn nhận đúng đắn, thực sự ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân khẳng định, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sỹ rất vẻ vang, nhưng cũng thật nặng nề. Giới văn nghệ sỹ hôm nay nguyện noi gương các thế hệ tiền nhân, tiếp tục dấn thân, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Mỗi văn nghệ sỹ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có phồn vinh và hạnh phúc.
Tags