(Thethaovanhoa.vn) - Trái bóng giải giao hữu quốc tế King's Cup còn chưa lăn, nhưng có vẻ như chủ nhà Thái Lan đã ghi được bàn thắng quan trọng. Theo nhiều nguồn tin, chỉ riêng bản quyền 2 trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại giải đấu này đã được bán với cái giá lên tới 280.000 USD (tức khoảng 7 tỷ đồng).
1. Cụ thể, Công ty Next Media vừa tuyên bố họ đã sở hữu bản quyền truyền hình hai trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại King’s Cup 2019. Dù chi tiết bản hợp đồng không được công bố, nhưng theo nhiều nguồn tin, mức giá là 280.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng), cao hơn rất nhiều so với các mùa trước khi bản quyền King’s Cup chỉ vào khoảng 30.000 - 50.000 USD. Điều đáng nói ở những năm trước, Thái Lan thậm chí còn phát miễn phí King’s Cup.
Lý do để lý giải cho cú tăng giá chóng mặt này là vì King’s Cup 2019 có cuộc đối đầu được chờ đợi giữa đội tuyển Thái Lan và đội tuyển Việt Nam, mà kết quả của nó phần nào sẽ trả lời cho câu hỏi đang trở nên nóng bỏng - Ai mới là số 1 của bóng đá Đông Nam Á?
Bắt đầu từ năm 2018 với kỳ tích mang tên Thường Châu, bóng đá Việt đã có cuộc lột xác thực sự dưới triều đại Park Hang Seo bằng liên tiếp những thành công trên đấu trường khu vực và châu lục, trong đó có cả chức vô địch AFF Cup - giải đấu mà người Thái đang nắm ngôi Vương.
Chiều ngược lại, bóng đá Thái dường như đang rơi vào cuộc khủng hoảng, chí ít là về mặt thành tích khi liên tiếp phải đón nhận thất bại ở mọi cấp độ đội tuyển. Không chỉ thất bại ở các giải đấu mà Việt Nam thành công, trong cuộc chạm trán gần nhất ở cấp độ U23 (bảng K vòng loại U23 châu Á 2020), Thái Lan cũng phải chịu cảnh "lấm lưng, trắng bụng" trước thầy trò ông Park.
Cũng sau trận thắng 4-0 trên sân Mỹ Đình, HLV Park Hang Seo tuyên bố - Bóng đá Việt Nam không cần phải sợ hãi khi đối đầu với Thái Lan! Tuyên bố đó, dường như khiến người Thái cũng cảm thấy "nóng mặt". Lời mời, thậm chí là mời nhiều lần được Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) đưa ra để Tuyển Việt Nam tham dự King's Cup. Hơn thế, FAT còn có một động thái chưa từng có tiền lệ trong làng cầu quốc tế, thay đổi cả thể thức bốc thăm để đội tuyển Thái Lan với đội hình mạnh nhất "được gặp" Việt Nam trong trận đấu mở màn.
2. Cuộc đối đầu "thượng đỉnh" của bóng đá khu vực khiến giá bản quyền King's Cup 2019 tăng cao! Điều đó là không thể phủ nhận, nhưng việc giá bản quyền tăng theo kiểu... leo thang tới 5-6 lần như thế, thì có vẻ như người Thái đã thành công về mặt thương mại với đủ "chiêu trò" thời truyền thông là số 1.
Xét cho cùng thì King's Cup dù đã có lịch sử hơn nửa thế kỷ tổ chức thì vẫn chỉ là giải đấu giao hữu và chuyện "thắng - thua" ở đây thì cũng chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm lý. Đó là chưa kể, 4 đại diện tham dự giải có mặt gồm chủ nhà Thái Lan cùng 3 khách mời Việt Nam, Curacao, Ấn Độ đều không phải là những đội bóng có thứ hạng cao trên thế giới. Và King's Cup đâu phải là sân chơi xa lạ khi đội tuyển Việt Nam vào năm 2006 từng tham dự và cũng từng vào đến chung kết.
Cái giỏi của người Thái là "đánh trúng" vào tâm lý của người hâm mộ Việt để qua đó tăng giá bản quyền King's Cup. Không phải là vô lý, khi FAT "tự tổ chức" bốc thăm lại để 2 đội gặp nhau ở trận đầu, chưa kể đến việc mời thêm Ấn Độ, đội bóng mà Thái Lan từng thua tại Asian Cup 2019 để lại như... "trả món nợ". Đó là chưa kể, việc FAT tập hợp tất cả những gương mặt xuất sắc nhất chỉ để đá giao hữu, kể cả ngôi sao số 1 Chanathip Songkrasin dù đang bị chấn thương khi thi đấu cho Consadole Sapporo tại J-League.
Bên cạnh những động tác "chuyên môn", cách làm truyền thông cả người Thái cũng xứng đáng để học hỏi. Từ chiếc poster King's Cup lần thứ 47 ghi rõ 3 dòng chữ: Tái đấu - Trả thù và Trở lại theo đúng phong cách bom tấn Hollywood "Avengers: Endgame", đến những tuyên bố kiểu "vừa đấm, vừa xoa" cho cuộc gặp thầy trò HLV Park Hang Seo đã khiến bầu không khí nóng lên trong thấy, nhất là về phía Việt Nam.
Thắng - Thua thì chưa biết, nhưng rõ ràng với việc bán được bản quyền King's Cup 2019 với cái giá gấp nhiều lần cho phía Việt Nam, Thái Lan đã thành công lớn. Nói 1-0 là thế!
3. Bóng đá đã và đang là ngành công nghiệp mà thước đo cuối cùng vẫn là hiệu quả về kinh tế từ thành công về chuyên môn. Cách "thổi giá" King's Cup 2019 của người Thái cũng thêm một bài học đắt giá nữa cho chúng ta về cách làm bóng đá chuyên nghiệp.
Rõ ràng, trong lúc bóng đá Việt Nam sau khá nhiều thành công vẫn nhắm những mục tiêu thuần chuyên môn, thì Thái Lan biết kết hợp yếu tố chuyên môn với giá trị thương mại, giống như cái cách mà họ làm để nâng tầm Thai-League kể cả bằng những ngôi sao Việt, hay lấn sân cả sang giải Ngoại hạng Anh... Đó chính là sự khác biệt của 2 nền bóng đá và nó cũng lý giải cho nhiều sự khác biệt khác.
15 Giải giao hữu quốc tế King’s Cup hay còn được gọi với cái tên khác - Cúp Nhà Vua do Liên đoàn bóng đá Thái Lan tổ chức từ năm 1968 đến nay. King's Cup 2019 là lần thứ 47 giải diễn ra và hiện chủ nhà Thái Lan vẫn là đội giành nhiều nhất chức vô địch - 15 lần. |
V.M
Tags