Ngày 23/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”. Sự kiện được tổ chức nhằm nhìn nhận, đánh giá chặng đường 50 năm phát triển của văn học nghệ thuật, rút ra bài học kinh nghiệm, định hình tầm nhìn và sứ mệnh của văn học nghệ thuật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, khẳng định: Hội thảo là dịp để đánh giá, khẳng định thành tựu, kết quả của nền văn học nghệ thuật Việt Nam trong suốt 50 năm qua sau ngày non sông một dải, đất nước thống nhất; nhìn nhận một cách tổng thể các lĩnh vực trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Đây cũng là dịp đề xuất, kiến nghị những chủ trương chính sách với Đảng, Nhà nước, nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi và không gian sáng tạo, tự do, dân chủ để văn nghệ sỹ phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, hăng say sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình nghệ thuật có giá trị sáng tạo cao, trong kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, mang lại những thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung và hoạt động sáng tạo tác phẩm nghệ thuật của văn nghệ sỹ nói riêng.

PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bước đột phá phát triển của khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI được đưa vào cuộc sống, công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã trở thành một xu thế tất yếu, tác động vô cùng mạnh mẽ, sâu sắc và mau lẹ đến môi trường văn hóa, môi trường sáng tạo văn học nghệ thuật.
Ông Đỗ Hồng Quân cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa có khả năng tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hóa, văn nghệ nước nhà. Sự bùng nổ của các phương tiện truyền bá sản phẩm văn nghệ cũng mang đến nhiều tác động đến đời sống, nhu cầu, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Trước tác động của thời kỳ mới, cùng với sự thay đổi về thị hiếu và đòi hỏi ngày càng cao trong trải nghiệm của công chúng đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ phải tiếp tục là đội ngũ tiên phong của đổi mới, sáng tạo, đi đầu trong việc xây dựng và phát triển, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

PGS.TS Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
"Đảng, Nhà nước luôn dành cho văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt. Nhất là trong quá trình đất nước ta đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện thì sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước càng mạnh mẽ, cụ thể hơn, có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, theo những quy định, cơ chế cụ thể" - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vhia sẻ: "Bước vào kỷ nguyên mới, sứ mệnh vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề đặt lên vai thế hệ trẻ. Thời gian là của họ. Tương lai cũng thuộc về họ. Tất cả đều hướng tới mục tiêu phấn đấu để có những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc trong xây dựng con người".

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Vương Duy Biên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khánh Hoà - TTXVN
Các ý kiến tại hội thảo tập trung nhìn lại, đánh giá khái quát thực trạng văn học nghệ thuật Việt Nam 50 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc trong bối cảnh quốc gia và quốc tế có nhiều biến chuyển mới. Các chuyên ngành văn học nghệ thuật Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu lý luận – phê bình, biểu diễn, quảng bá tác phẩm… Các văn nghệ sỹ thuộc các thế hệ, các dân tộc ở khắp các vùng miền đã gắn bó với đời sống hiện thực xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nỗ lực sáng tạo những tác phẩm vươn tới những đỉnh cao về nội dung và nghệ thuật, có giá trị nhân văn cao đẹp, dồi dào bản sắc dân tộc độc đáo, góp phần xây dựng con người Việt Nam mới, hội nhập rộng rãi vào nền văn hóa, văn minh của nhân loại tiến bộ, chuộng công lý, yêu hòa bình, bình đẳng cùng phát triển.
Bước vào kỷ nguyên mới của sự phát triển đất nước - kỷ nguyên vươn mình, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần tiếp tục đầu tư các nguồn lực hiệu quả, phát huy thành tựu, khắc phục những thiếu sót, bất cập, tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời đại cách mạng công nghệ và của công chúng.