Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã đổi thay ngoạn mục. Khẳng định này được Tiến sĩ Alisher Mukhamedova, Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Á về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng 30/4 và những kết quả phát triển Việt Nam đạt được 50 năm sau cột mốc lịch sử này.
Tiến sĩ Alisher Mukhamedova còn nhớ rất rõ về ngày 30/4/1975 khi truyền hình Uzbekistan đưa tin chiến thắng của Việt Nam, chấm dứt cuộc đấu tranh kéo dài 30 năm vì độc lập, tự do, vì thống nhất đất nước. Tiến sĩ Alisher cho biết cha của mình là ông Rustam Mukhamedov, thành viên trẻ nhất phái đoàn của Văn phòng Tổng công tố Liên Xô tại Việt Nam vào năm 1963, đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam đã trò chuyện với các thành viên trong đoàn, trong đó có ông Rustam. Tiến sĩ Alisher đã được cha kể lại rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói khi chiến tranh kết thúc, nhân dân Việt Nam sẽ xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng mà Người mơ ước.

Người dân háo hức trước giờ Sơ duyệt cấp Nhà nước diễu binh, diễu hành vào tối qua (25/4) tại TP. HCM. Ảnh: TTXVN phát
Những người bạn của Việt Nam tại Uzbekistan đã luôn kỷ niệm song hành hai chiến thắng: Chiến thắng 30/4 và Chiến thắng phát xít 9/5. Tiến sĩ Alisher khẳng định Chiến thắng của Việt Nam đã trở thành tấm gương cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập và tiến bộ, truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác. Và giai đoạn phát triển sau năm 1975 của Việt Nam một lần nữa trở thành hình mẫu của thành công, của sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản cũng như của nỗ lực dựa vào chính mình, của chính sách đối ngoại khéo léo, linh hoạt.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất thế giới, tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Nha Trang hiện nay được ví với "Hòn ngọc Viễn Đông", có mặt trong danh sách những vịnh đẹp nhất trên thế giới, trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Khánh Hòa. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN
Nói về những bài học rút ra từ Chiến thắng 30/4 và được áp dụng vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, Tiến sĩ Alisher nhấn mạnh đến chính sách đoàn kết toàn dân, được Đảng và lãnh đạo Việt Nam coi là yếu tố cơ bản không chỉ trong chiến tranh mà còn trong phát triển thời hậu chiến. Ông đặc biệt ấn tượng khi Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến sự hòa hợp dân tộc và tôn giáo, vì vậy bất kể địa vị xã hội, giai cấp, dân tộc hay tôn giáo nào cũng đều thể hiện sự đoàn kết, hưởng ứng đường lối lãnh đạo đất nước, đóng vai trò là động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một minh chứng rõ nét là lễ kỷ niệm Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Quyền của mọi công dân không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, giới tính, địa vị xã hội và trật tự công cộng đều được Hiến pháp Việt Nam bảo đảm.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tiếp tục phát huy sức mạnh của ngoại giao. Trong 2 cuộc kháng chiến, Việt Nam từng tranh thủ thành công sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân, duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao với quân sự, chính trị, tạo thế "vừa đấu tranh, vừa đàm phán", từng bước giành thắng lợi, tạo tiền đề cho thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến nay, sau 50 năm, ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, mở rộng không gian phát triển đất nước và tăng cường quan hệ hữu nghị chặt chẽ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước, đối tác quốc tế.
Tiến sĩ Alisher cũng đánh giá cao việc Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng "4 không" gồm: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Chính sách này đã giúp Việt Nam ngăn ngừa các cuộc đụng độ quân sự và giải quyết xung đột một cách hòa bình, tạo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế.

Đà Nẵng, thành phố năng động và sáng tạo
Tiến sĩ Alisher khẳng định sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã "đổi thay ngoạn mục". Những thay đổi về kinh tế và chính trị được khởi xướng vào năm 1986 theo chương trình Đổi mới đã trở thành chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường đã hoàn thành trong một thời gian ngắn và hiện nay nền kinh tế đất nước phát triển rất năng động bậc nhất Đông Nam Á. Theo số liệu được công nhận, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 đạt hơn 7% đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu về động lực tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu.
Theo Tiến sĩ Alisher, Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu duy trì đà tăng trưởng này trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa. Ông nhấn mạnh lợi thế rất lớn của Việt Nam là nhờ chính sách đối nội và đối ngoại cân bằng nên đất nước được coi là tương đối an toàn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một trong những yếu tố quyết định đối với các tập đoàn xuyên quốc gia khi lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, xí nghiệp của mình. Một lợi thế quan trọng khác của Việt Nam là vị trí địa lý và chiến lược thuận lợi ở Đông Nam Á, gần các tuyến đường thương mại trên biển quan trọng và có cơ sở hạ tầng xuất khẩu phát triển.
Bên cạnh những thành công đã đạt được, Tiến sĩ Alisher cho rằng để có thể phát triển bền vững, Việt Nam cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, am hiểu các thành tựu khoa học công nghệ - một trong những yếu tố then chốt của phát triển bền vững.
Tiến sĩ Alisher kết luận những gì Việt Nam đạt được ngày hôm nay đang từng bước khẳng định sự tiếp nối xứng đáng của Chiến thắng 30/4 vào 50 năm về trước.
Tags