50 năm Thống nhất đất nước: Những giá trị trường tồn đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới 

Chủ nhật, 27/04/2025 16:24 GMT+7

Google News

Những bài học đã làm nên Chiến thắng ngày 30/4/1975 là cơ sở nền tảng để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới, trong đó tinh thần đoàn kết dân tộc, tự lực tự cường... là những yếu tố then chốt mang giá trị trường tồn. 

Đó là chia sẻ của những trí thức Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại địa bàn về ý nghĩa của ngày Chiến thắng 30/4 cũng như sự vươn lên mạnh mẽ và đầy kỳ tích của đất nước Việt Nam.

Theo cô Nguyễn Thị Liên Hương – Giảng viên bộ môn Tiếng Việt tại Đại học Đài Loan (NTU), đồng thời là Biên tập viên Ban thời sự Việt ngữ đài truyền hình PTS Đài Loan (Trung Quốc), chiến thắng 30/4/1975 đã để lại nhiều bài học có giá trị cho hiện tại, trong đó nổi bật là niềm tin vào sức mạnh dân tộc, vai trò của tầm nhìn lãnh đạo và tinh thần đồng lòng của toàn dân. Những bài học này tiếp tục là cơ sở nền tảng khi Việt Nam đối mặt với các thách thức mới về kinh tế, xã hội và văn hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

50 năm Thống nhất đất nước: Những giá trị trường tồn đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới  - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Liên Hương – Giảng viên bộ môn Tiếng Việt tại Đại học Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN

Cô Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng riêng đối với cộng đồng khoảng 6 triệu kiều bào sinh sống, làm việc và học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc được công nhận như là một lực lượng đồng hành cùng sự phát triển đất nước – thông qua các chính sách như công nhận song tịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hay hỗ trợ giáo dục phát triển tiếng Việt – sẽ giúp tháo gỡ những rào cản còn tồn tại, đồng thời tạo thêm động lực để kiều bào tiếp tục gắn bó, đồng hành và đóng góp lâu dài cho sự phát triển của quê hương.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Liên Hương nhận định “tinh thần đại đoàn kết dân tộc” là giá trị xuyên suốt lịch sử Việt Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi 30/4/1975. Trong thời đại toàn cầu hóa và chuyển đổi số, đây tiếp tục là yếu tố then chốt để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, cả trong và ngoài nước, vào công cuộc phát triển đất nước. Với những người Việt ở trong nước, cần khơi dậy tinh thần ấy trong từng hành động nhỏ, từ sự sẻ chia trong đời sống thường ngày đến sự chung tay trong các nhiệm vụ lớn lao của quốc gia. Còn với kiều bào, mong muốn được đóng góp cho quê hương là rất lớn, nhưng để họ thực sự trở thành một phần chủ động trong quá trình phát triển đất nước, cần có những cơ chế cởi mở và đồng bộ hơn.

Cô Nguyễn Thị Liên Hương tin rằng tinh thần yêu nước, tự lực, sáng tạo và khát vọng vươn lên trong gian khó - những giá trị đã làm nên bản lĩnh Việt Nam - vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa và có thể tiếp tục truyền cảm hứng mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Việt Nam hôm nay không chỉ cần công nghệ, mà cần một thế hệ biết chủ động tiếp cận tri thức, sẵn sàng hội nhập quốc tế, và quan trọng hơn là biết phát huy thế mạnh văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng lòng yêu nước trong thời đại mới. Trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, việc trang bị năng lực số cần đi đôi với việc giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa. Một nền tảng ngôn ngữ vững vàng, chuẩn mực và hiện đại sẽ giúp thế hệ trẻ không chỉ giữ được cội nguồn, mà còn tự tin kết nối với thế giới, góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam vừa sâu sắc truyền thống, vừa năng động thời đại.

50 năm Thống nhất đất nước: Những giá trị trường tồn đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới  - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Hường đang theo học thạc sĩ chuyên ngành kỹ thuật hàng không tại Đại học Formosa Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Formosa Đài Loan (NFU) chia sẻ từng có cơ hội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử, bạn cảm nhận rất rõ chiều sâu của hành trình dân tộc thay đổi chuyển mình suốt 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Nửa thế kỷ đối với một đất nước đang hòa bình có thể không dài trong dòng chảy lịch sử, nhưng với Việt Nam, đó là hành trình của sự vươn lên mạnh mẽ và đầy kỳ tích – từ một đất nước đổ nát sau chiến tranh, đã kiên cường chuyển mình, vượt qua bao khó khăn để trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế. Những yếu tố làm nên tiềm lực và vị thế của Việt Nam hôm nay không chỉ đến từ sự lãnh đạo sáng suốt và kiên định của Đảng, mà còn là kết quả của một sức mạnh tổng hợp, bền bỉ được hun đúc qua nhiều thế hệ. Đó là tinh thần tự lực, tự cường đã trở thành cốt lõi trong bản sắc dân tộc Việt Nam; là chính sách đổi mới đúng đắn, mở ra kỷ nguyên hội nhập sâu rộng; là sự đầu tư không ngừng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao – những con người mang trong mình tri thức, bản lĩnh và khát vọng đổi thay. Nền giáo dục từng bước hội nhập quốc tế với nhiều trường đại học được xếp hạng trong khu vực và toàn cầu, trong khi học sinh – sinh viên Việt Nam ngày càng ghi dấu tại các đấu trường trí tuệ uy tín.

Dưới góc nhìn của một người trẻ, bạn Nguyễn Thị Hường cho biết bản thân không chỉ học lịch sử để biết về quá khứ, mà còn để hiểu mình cần làm gì cho hiện tại và tương lai. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ chưa từng có, nơi công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo đang định hình lại mọi cấu trúc kinh tế xã hội, Việt Nam đứng trước một thời khắc có tính bước ngoặt: hoặc vươn mình mạnh mẽ để bước vào nhóm quốc gia tiên phong, hoặc tụt lại phía sau trong dòng chảy khắc nghiệt của cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, trên hành trình ấy, Việt Nam đang sở hữu một tài sản vô giá, đó là những giá trị lịch sử được hun đúc từ quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Những giá trị ấy, nếu được vận dụng đúng cách, không chỉ là ký ức hào hùng mà còn là nền tảng chiến lược giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề hiện nay trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Bạn Nguyễn Thị Hường cho biết tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập – vốn là động lực sâu xa giúp dân tộc Việt Nam luôn kiên cường ngày nay đã được chuyển hóa thành ý chí giữ vững chủ quyền số, làm chủ công nghệ lõi, bảo vệ dữ liệu quốc gia. Việc phát triển các nền tảng nội địa như VneID, hệ điều hành an ninh mạng, hay chiến lược quốc gia về AI không chỉ mang tính kỹ thuật, mà là tuyên ngôn về một Việt Nam không chấp nhận bị dẫn dắt trong thế giới công nghệ.

Theo bạn Nguyễn Thị Hường, trong lịch sử người Việt đã tiếp thu những tinh hoa của nhân loại để vượt lên chính mình. Ngày nay, điều đó thể hiện qua việc tiếp nhận và thích nghi nhanh với công nghệ số ở nhiều ngành nghề: từ ngân hàng số, thương mại điện tử, giáo dục STEM, y tế số cho đến quản trị công trực tuyến. Việt Nam đã và đang phát huy năng lực thích ứng nhanh và vượt khó – một đặc tính đã giúp dân tộc ta tồn tại qua mọi thời kỳ. Từ việc chuyển toàn bộ hệ thống giáo dục sang dạy học trực tuyến trong đại dịch COVID-19, đến việc doanh nghiệp nhỏ linh hoạt thay đổi mô hình kinh doanh qua nền tảng số – tất cả cho thấy khả năng thích nghi là lợi thế cạnh tranh mà ít quốc gia đang phát triển nào có được.

Nhìn tổng thể, những giá trị lịch sử ấy không tồn tại đơn lẻ, mà kết nối thành một chuỗi giá trị xuyên suốt, tạo nên bản sắc phát triển riêng biệt của Việt Nam trong thời đại số. Khi được vận hành đồng bộ, chúng không chỉ giúp Việt Nam giải quyết hiệu quả những bài toán hiện tại mà còn tạo thế và lực để bước vào tương lai với tâm thế chủ động, tự tin và đầy bản lĩnh. Và như lịch sử từng chứng minh, chính khi đối diện với thách thức lớn nhất, dân tộc Việt Nam lại khơi dậy được sức mạnh nội sinh lớn nhất – đó là điều làm nên sự khác biệt của Việt Nam trên bản đồ phát triển toàn cầu hôm nay và mai sau.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›