40 năm thành lập Khoa Văn học và Ngôn ngữ: Từ 'văn' đến 'báo'

Thứ Hai, 13/04/2015 10:00 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Vào lúc 8h30, ngày 12/4 tại Đại học KHXH&NV TP.HCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa Văn học và ngôn ngữ (1975-2015). Đây là nơi xuất thân của rất nhiều nhà báo đang công tác tại TP.HCM, và nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc cho rằng, đó là điều "lạ lùng đến kỳ thú".

Thể thao & Văn hóa giới thiệu bài viết của ông về vấn đề này.

1. Có một điều lạ lùng đến kỳ thú, trong nhiều năm qua hầu hết các nhà báo chuyên nghiệp tại TP.HCM đều xuất thân từ Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM). Sự có mặt của họ đã lần lượt “phủ sóng” các cơ quan báo chí.

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS, nhà nghiên cứu văn học Huỳnh Như Phương gợi ý trước hết cần phải nhìn từ góc độ của công tác đào tạo. Theo ông, trong 40 năm qua, các thế hệ sinh viên đã được “thọ giáo” từ nhiều nguồn trí thức của cả nước.


Kỷ niệm 40 năm thành lập học và ngôn ngữ. Ảnh: Hương Trà

Đó là “nguồn tại chỗ” của Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn, bên cạnh đó, còn được sự “chi viện” từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, rồi sau này lớp giảng viên kế thừa.

Cựu sinh viên của Khoa, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM đồng ý với nhận định này, ông nhấn mạnh: “Tinh thần khai sáng tri thức của các nhà mô phạm không chỉ truyền lửa tinh thần yêu văn chương, yêu tiếng Việt mà còn trang bị cho sinh viên một nhãn quan xã hội”. Với “vốn liếng ban đầu” như vậy, sau này, các sinh viên đi vào con đường báo chí cũng là điều dễ hiểu”.

Từ tháng 5/1992 lần đầu tiên ở các tỉnh phía Nam kể từ sau ngày thống nhất đất nước, Khoa đã được phép mở thêm ngành Báo chí. Không chỉ đa dạng hóa chuyên ngành đào tạo mà còn đáp ứng nhu cầu của xã hội. Do đó, đội ngũ dấn thân vào nghề báo ngày càng nhiều và rõ ràng, đây là một “nguồn cung cấp” chủ lực đã bổ sung cho các cơ quan báo chí.

2. Có thể nói, với vai trò nhà báo thì không thể đứng ngoài các sự kiện thời sự, kể cả những vấn đề quốc tế. Sự trang bị nhãn quan xã hội ngay từ lúc còn là sinh viên đã giúp họ có được cái nhìn nhạy bén hơn. Không chỉ văn chương mà nghề báo cũng đòi hỏi sự sáng tạo, không thể đi mãi lối mòn. Bởi lẽ, trước một sự kiện, một vấn đề xảy ra trong đời sống, nhà báo cần có cái nhìn theo tinh thần phản biện, tranh luận chứ không thể “sao chép” lại sự kiện.

Những năm tháng ở Khoa Văn học và Ngôn ngữ, nhiều thế hệ sinh viên đã được trang bị tư duy này. Và ngay từ lúc ngồi ở giảng đường, họ đã có những cuộc “thao dợt” cực kỳ quý báu cho công việc làm báo sau này.

Chẳng hạn, những giờ học ngoại khóa với khách mời là “người đương thời” nổi tiếng. Nhiều bạn sinh viên vẫn còn nhớ những trao đổi thân tình, ấm áp về thời sự văn học, nguyên lý sáng tác với các nhà văn như Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam…

Rồi những chuyến điền dã sưu tầm văn học dân gian, ghi chép sử địa phương cũng là một cách học. Sau này, đã có nhiều công trình nghiên cứu, những bài báo có tiếng vang cũng chính từ chất liệu của ngày tháng nhiệt tình này.

Không những thế, hầu hết các nhà báo đều cho biết, ngay từ lúc ở giảng đường, họ cũng đã bắt đầu viết báo.

Nhìn nhận lại “hiện tượng” các nhà báo đa phần xuất thân từ Khoa Văn học và Ngôn ngữ, GS.TS Huỳnh Như Phương nhấn mạnh: “Trong 40 năm qua Khoa vẫn giữ vững bản sắc của một đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản, không vì chạy theo những mục tiêu ngắn hạn và có tính thời vụ mà xao lãng những vấn đề cốt yếu của khoa học ngữ văn. Đồng thời, môi trường học thuật ở đây cũng không phải là một thứ tháp ngà, xa lạ với xã hội, văn hóa, con người hiện đại và bàng quan với những đòi hỏi đặt ra từ chính cuộc sống của đất nước”.

Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ về một nền giáo dục mà ở đó sự đào tạo “không phải là một thứ tháp ngà”. Thiết nghĩ, đây cũng chính là một trong những yếu tố cần thiết đã hình thành một thế hệ giỏi Văn, yêu văn chương nhưng lại có nhãn quan xã hội để dấn thân vào nghề báo - một nghề vốn nghiệt ngã.

Lê Minh Quốc (Cựu sinh viên niên khóa 1983-1987)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›