Năm 2023 là đúng 115 năm sinh và 30 năm mất của danh họa Nguyễn Gia Trí (1908 -20/6/1993). Trong di sản mà ông để lại, ngoài những tuyệt tác sơn mài, còn có những phác thảo xuất sắc, những người học trò yêu nghề và cả thái độ làm việc nghiêm cẩn. Xem lại những phác thảo cho sơn mài, có thể hình dung phần nào những bước chuẩn bị cho tác phẩm hoàn chỉnh của Nguyễn Gia Trí.
Để tưởng nhớ 30 năm ngày mất, Bình Minh Art Gallery tổ chức triển lãm bộ sưu tập Tranh giấy ký họa phác thảo của Nguyễn Gia Trí, bày hơn 50 tác phẩm. Chủ nhân của bộ sưu tập này là luật sư Trương Văn Thuận và NSƯT Ánh Tuyết, với hơn 25 năm gắn bó cùng gia đình họa sĩ Nguyễn Gia Tuệ - con trai của Nguyễn Gia Trí.
Khởi đầu của "sinh nở sáng tạo"
Đến dự buổi khai mạc, Nguyễn Gia Tuệ xúc động: "Nhiều phác thảo ở đây được ông cụ vẽ khi tôi còn khá nhỏ, nhưng vì chúng ở lại trong gia đình quá nhiều năm, được ông cụ nhiều lần đem ra nghiên cứu, so sánh khi làm tác phẩm mới, nên thấm vào tôi rất sâu. Nhiều bức vẽ đã đi vào các tuyệt phẩm sơn mài của ông. Được gặp lại những phác thảo, ký họa ở đây tôi như được gặp lại cha của mình, thật sự hạnh phúc".
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, sau khi xuất ngũ bộ đội thì tìm đến xin thọ giáo Nguyễn Gia Trí về sơn mài nói chung và kỹ thuật sơn ta nói riêng. Trong khoảng 17 năm được học hỏi, làm việc cùng thầy Trí, Nguyễn Xuân Việt không chỉ lắng nghe lời dạy, mà còn ghi chép cẩn thận lời thấy nói. Nguyễn Gia Trí là người rất kiệm lời, khi thấy trò làm không được chỉ lắc đầu và nói hãy làm lại, với vài lời hướng dẫn ngắn gọn.
Ông Việt kể: "Suốt 17 năm đó, tôi chỉ nghe thầy nói một lần câu này: "Tôi sáng tác bằng tâm linh". Nói ít là vậy, nhưng thầy luôn sống và sáng tác với quan niệm này. Thầy cũng nói: "Cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật, thấy thì tự thấy, nếu không thấy, dù có giải thích trăm ngàn lần cũng không thấy".
Khi đến xem triển lãm Tranh giấy ký họa phác thảo, Nguyễn Xuân Việt chia sẻ: "Vào phòng trưng bày này, người yêu cái đẹp sẽ thấy mỗi bức phác thảo luôn ẩn chứa sự khởi đầu của sinh nở sáng tạo. Chiêm ngưỡng những phác thảo, những bản thảo đó, tâm hồn chúng ta như gặp tâm hồn danh họa, như gặp sự tĩnh lặng, gặp sự lay động, sự giải thoát trong từng tác phẩm".
Nhà sưu tập Trương Văn Thuận cho biết việc ông sở hữu các phác thảo, ký họa này khá tình cờ, lúc còn chưa nghỉ hưu. "Nói thật lòng thì tôi có ước muốn sở hữu một vài tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, nhưng điều này là quá khó, nhiều khi có tiền cũng không mua được, vì chưa đủ duyên. Từ niềm yêu thích đó, tôi cứ nhẩn nha sưu tập các phác thảo, ký họa như một nhịp cầu để đến gần hơn danh họa mà mình ngưỡng mộ. Sau mấy chục năm, nhìn lại thấy có cả trăm bức, nên thi thoảng chọn ra trưng bày. Gần như giỗ Nguyễn Gia Trí năm nào thì vợ chồng tôi cũng đến thắp nhang, vì gần gũi như vậy, nên nhờ gia đình Nguyễn Gia Tuệ, khi biết ở đâu có phác thảo, ký họa, chúng tôi lại tìm đến xem".
"Không có thợ phụ là không được"
Với Nguyễn Gia Trí, trước khi kỹ thuật sơn mài được thể hiện, được thăng hoa, ông đã phải thực hiện rất nhiều bức phác thảo, qua nhiều bước, với nhiều chi tiết được tính toán kỹ lưỡng cả về ý tưởng, hình họa, màu sắc và bố cục.
Nguyễn Xuân Việt nói rằng, có lần thầy Nguyễn Gia Trí bảo vài học trò: "Bản thảo giống như sơ đồ kiến trúc của công trình vậy, càng chính xác càng tốt". Vì sau 4 - 5 tháng là tranh đã cứng như đá, nếu phác thảo, bản thảo không chính xác thì khó mà sửa, khó mà vẽ tiếp, chưa nói vẽ thật mượt mà, uyển chuyển".
Dù quan niệm "làm sơn mài như là tù khổ sai", nhưng Nguyễn Gia Trí luôn là bậc thầy của sự uyển chuyển. Nhiều bức ông làm vài năm mới xong, thậm chí có bức làm cả chục năm, nhưng vẫn giữ được sự uyển chuyển này - đây là điều rất khó với sơn mài. Ông làm được là vì các bước chuẩn bị, trong đó các phác thảo, cũng như các bước thực hiện đều rất chỉn chu. Ngay cả các tranh cách tân thì cũng xuất phát các kỹ thuật bài bản, các quy tắc, các thẩm mỹ của chính sơn mài.
Những lúc cao điểm, Nguyễn Gia Trí có hơn 10 thợ phụ và 4 - 5 học trò thân cận để giúp hoàn thiện tác phẩm. Ông ra phác thảo, ra nét và giám sát cả quá trình thực hiện, theo dõi từng bước, nếu chỗ nào chưa ưng ý, chưa đạt thì cạo bỏ, làm lại.
"Ông cụ làm việc như công chức vậy, đúng giờ là ra xưởng làm, hết giờ là về, rất chăm chỉ và đặt ra yêu cầu rất cao" - Nguyễn Gia Tuệ kể.
"Vợ chồng thầy rất thương học trò và thợ phụ, cơm nước và lương bổng lúc nào cũng chu đáo, vì thầy nói rằng sơn mài quá nặng nhọc, nhiều công đoạn, không có thợ phụ là không được. Đặc biệt với những tranh khổ lớn, nếu một mình làm thì mất quá nhiều thời gian, công sức, khó giữ được cái cảm xúc ban đầu" - họa sĩ Nguyễn Xuân Việt kể.
"Vẽ khéo quá, thì chậm phát triển"
Trong sách Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, do Nguyễn Xuân Việt thực hiện, ngày 1/8/1980, Nguyễn Gia Trí nói: "Vì tôi làm việc bị lỗi lầm nhiều nên mới tiến bộ. Còn vẽ khéo quá, thì chậm phát triển.
Nếu không có cụ I và bác phó Thành (*) thì cũng không có sơn mài của tôi. Công đức của cụ I lớn lắm.
Ngày xưa khi thấy tôi làm sơn mài, cụ I là họa sĩ sơn dầu không sao hiểu được vấn đề "thời gian" trong cách vẽ sơn mài. Cụ rất thích sơn mài, rất muốn vẽ thử, nhưng cứ mỗi lần cụ nhìn thấy sơn ta nó lại "ăn" cụ, nên đành phải thôi.
Mỗi bức tranh sơn mài, là tự mình đề ra một bài học để giải quyết: nét, độ chuyển của nét, thay đổi màu nền, đen trên son, đỏ trên đen, đen trên bạc…
Hội họa gần với tôn giáo vì nó xuất phát từ tâm người ta. Nó không phải làm bằng óc hoặc bằng tay. Phải làm nhiều. Tập điều khiển sơn mài. Chú ý đến những biến chuyển đậm nhạt của chi tiết nhỏ trên tranh.
Mỗi họa sĩ là một thế giới riêng biệt, không ai hiểu hết mình được".
(*) Cụ I mà Nguyễn Gia Trí đề cập ở đây chính là họa sĩ Joseph Inguimberty (1896-1971), giảng dạy Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngay khóa dầu tiên. Còn phó Thành tức là nghệ nhân sơn mài Ðinh Văn Thành (1898-1977).
(Còn tiếp)
Tags