Dù là chốn công sở hay bất cứ môi trường nào cũng không thiếu người tốt, kẻ xấu. Gặp phải tuýp người có những đặc trưng sau đây thì nên tránh quan hệ thân thiết, cẩn trọng lời ăn tiếng nói để đỡ rước họa vào thân.
Dù là công ty tốt đến mấy cũng có người này người kia, có đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ, cũng có đồng nghiệp chỉ tìm cách tò mò, tọc mạch chuyện đời tư. Mọi thứ khó có thể hoàn hảo như những gì chúng ta mộng tưởng trong đầu.
Đặc biệt, nếu lỡ gặp phường tiểu nhân xấu bụng, họ thậm chí còn có những chiêu thức và mưu kế để hãm hại đồng nghiệp. Hành động toan tính của họ có thể xuất phát vì ham muốn cá nhân, vì cảm xúc ganh ghét, đôi khi là lấy lòng cấp trên, đôi khi là cạnh tranh về lợi ích, muốn củng cố vị trí hiện tại hoặc muốn thăng tiến lên vị trí cao hơn… Nhưng dù nguyên nhân là gì thì bản thân chúng ta khó lòng phòng bị.
Do đó, chỉ có thể cẩn trọng hết mức để nhận biết họ từ sớm, hạn chế thân thiết và tránh xa để không bị tổn hại. Nếu gặp kiểu người liên tục tỏ vẻ tò mò, tọc mạch 3 vấn đề sau đây, bạn nên hết sức đề phòng.
Thứ nhất: Hỏi bạn lương thưởng bao nhiêu, thu nhập thế nào
Tiền bạc vốn là một vấn đề vô cùng nhạy cảm. Trong môi trường công sở, chuyện thu nhập, lương thưởng hay đãi ngộ càng là những vấn đề riêng tư mà không thể dễ dàng nói ra một cách công khai, đặc biệt là với những người không quen biết và không thân thiết. Chỉ cần xuất hiện sự chênh lệch dù lớn hay nhỏ, đều có thể dẫn tới những mâu thuẫn, xích mích không cần thiết.
Tuy vậy, vẫn có rất nhiều người thích tò mò, tọc mạch, chẳng ngại hỏi thăm về chuyện tiền lương, thưởng của bạn. Cho dù bản thân bạn đã cố ý né tránh, nói sang chuyện khác, nhưng họ vẫn hỏi bằng được, điều này cho thấy những người như vậy không coi trọng cảm xúc của bạn. Hãy cẩn trọng trong từng lời nói với họ. Tốt hơn hết, trong trường hợp này, bạn không nên trả lời hoặc chỉ trả lời nước đôi, qua loa.
Thứ hai: Hỏi thăm hoàn cảnh gia đình
Trên thực tế, tất cả những câu hỏi liên quan đến quyền riêng tư của gia đình là điều vô cùng nhạy cảm. Đặc biệt là khi bạn không nắm rõ mục đích của người hỏi là gì. Có một số người chỉ hỏi thăm để biết, có một số khác thực sự ôm toan tính nhất định sau lưng. Họ không quan tâm đến những những vấn đề mà gia đình bạn có thể gặp phải nếu thông tin riêng tư bị tiết lộ ra ngoài.
Do đó, nếu không thân thiết, bạn chớ nên tiết lộ về hoàn cảnh gia đình của mình với bất cứ ai. Dù bạn kể chuyện tốt hoặc chuyện xấu về gia đình mình, họ vẫn có thể đưa ra những đồn đoán sai sự thật và kể những câu chuyện đó ra nhằm bôi nhọ bạn.
Thứ ba: Hỏi về chuyện riêng tư cá nhân của bạn
Chuyện riêng tư cá nhân về tình cảm, đời sống không nên được chia sẻ công khai. Khi đồng nghiệp tỏ vẻ tò mò về chuyện tình cảm của bạn, họ rất có thể sẽ liên tục hỏi xem quan hệ của bạn hiện tại như thế nào, với người cũ ra sao. Nếu chia tay hay cãi nhau thì vì lý do gì; nếu mới bắt đầu yêu ai thì họ cũng dò hỏi thông tin, tiến triển xung quanh đó; nếu đã kết hôn thì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu có êm đẹp hay không, có xích mích gì với người nhà hay không…
Những thông tin này đều có thể trở thành “tai họa ngầm”, gây bất lợi cho bạn trong cả hiện tại và tương lai. Họ chỉ nghe một phần, sau đó suy diễn thành năm phần, rồi đồn đoán lên mười phần, làm nảy sinh những tin đồn thất thiệt về bạn. Tốt hơn hết, khi nghe câu hỏi này, bạn không nên trả lời.
- Nghề ru ngủ: Công việc bán thời gian nhưng kiếm bộn tiền vì số lượng người mất ngủ ngày càng gia tăng
- Lòng trung thành không có trong khái niệm "công việc" của Ronaldo
- 3 lỗi mà người làm công việc sales admin hay mắc phải
Nếu một người thường xuyên hỏi han về những chuyện riêng tư như vậy, dù là trước mặt hay sau lưng, hãy thật sự cẩn trọng trước khi thổ lộ tâm sự. Chúng ta cần nhớ rằng, sự chân thành rất đắt, hãy luôn dành nó cho đúng người. Những người thực sự quan tâm đến bạn có thể hỏi bạn một cách cởi mở, thay vì tò mò những chuyện thầm kín từ bạn. Nếu bạn nhận được những câu hỏi như thế này, tốt nhất bạn không nên trả lời hoặc chỉ trả lời qua loa, vô thưởng vô phạt.
Thúy Phương
Tags