Chị Th. đã rơi vào tình huống ngại ngùng vì thói quen nuôi dạy con thái quá.
Tiết kiệm là một đức tính tốt mà cha mẹ cần dạy cho con. Tuy nhiên dạy như nào cho hiệu quả thì không phải cha mẹ nào cũng biết. Một số cha mẹ không đến nỗi khó khăn về tài chính nhưng để con biết quý trọng đồng tiền, họ luôn ca điệp khúc "nhà mình nghèo lắm" để rèn con. Lợi chưa thấy đâu mà cả rổ hại đã... lòi ra.
Thường xuyên nghe bố mẹ than điệp khúc nhà nghèo khiến nhiều trẻ tưởng gia đình mình rất khó khăn, túng quẫn và nảy sinh cảm giác tự ti, thua thiệt với mọi người. Đó chính là câu chuyện có thật xảy ra với chị Th., sinh năm 1990 tại TP. Nam Định.
Chị Th. làm kế toán của một công ty may mặc lớn, còn chồng làm trong ngành xây dựng. Gia đình chị, nói giàu có thì không hẳn nhưng kinh tế thuộc dạng đủ đầy, không thiếu thốn. Tuy nhiên, chị Th. lại thích nuôi dạy con theo kiểu... nhà nghèo, tức là luôn ra rả với con rằng "nhà mình không có tiền".
Chẳng hạn khi đi siêu thị, nếu con đòi mua đồ ăn, đồ chơi gì đó, chị đều nói "Mẹ làm gì có tiền", hay "nhà mình nghèo lấy đâu tiền mua". Lâu dần, đứa con 6 tuổi của chị trở nên rất ngoan ngoãn, ít khi đòi hỏi gì. Chị Th. cũng rất tự hào, thường xuyên đi khoe với mọi người điều này.
Cho đến hôm nay, chị mới giật mình nhận ra cách dạy của mình đang khá tai hại, khiến con trở nên tự ti. Chuyện là buổi sáng ngày 29 Tết, chị Th. và con gái ngồi chơi ở nhà hàng xóm, một chuyện đã xảy ra khiến chị Th. xấu hổ đỏ mặt.
"Con mình được cô hàng xóm cho mấy cái kẹo socola của một hãng khá nổi tiếng nhưng con không hào hứng ăn luôn mà cất hết vào túi quần. Lúc cô hàng xóm hỏi sao không bóc ra ăn thử thì con bé tần ngần một lúc rồi bảo "Cháu cất đi để ăn dần, nhà cháu nghèo lắm, ăn hết luôn, sau không có ăn nữa", chị Th. kể lại.
Nghe đứa trẻ nói, người hàng xóm cười phá lên còn chị Th. thì đỏ bừng cả hai tai, chỉ ước có lỗ nẻ để chui xuống. "Chắc hàng xóm nghĩ mình ki với con lắm", chị Th. tâm sự.
"Nhà mình nghèo lắm", "nhà mình không có tiền" có thể gieo rắc ám ảnh tâm lý cho trẻ
Giống như chị Th., nhiều phụ huynh cũng có tư tưởng nuôi dạy con theo kiểu "nhà nghèo thái quá", tức là lúc nào cũng gieo rắc vào đầu con rằng nhà mình rất khó khăn. Họ làm vậy để con không đòi hỏi, học được tính tiết kiệm.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng hiểu được dụng ý sâu xa của cha mẹ. Ngược lại khi nghe cha mẹ khẳng định chắc nịch rằng nhà mình nghèo, trẻ có thể mặc cảm và tự ti vì không bằng bạn bè. Tệ hơn, mặc cảm này có thể sẽ đi cùng trẻ đến suốt cuộc đời.
Vậy dạy con như thế nào mới là đúng đắn? Phụ huynh có thể tham khảo như sau:
- Thứ nhất, nói cho trẻ biết tiền đến từ đâu: Hầu hết trẻ em không biết nguồn gốc thực sự của tiền bạc, do đó, bố mẹ nên giải đáp để trẻ có một cái nhìn đúng đắn. Cha mẹ nên để trẻ hiểu rằng phải có lao động mới tạo ra tiền bạc và hướng dẫn con làm một số trong nhà để kiếm tiền tiêu vặt để trẻ biết rằng kiếm tiền là việc không dễ dàng.
- Thứ hai, hướng dẫn trẻ cách sử dụng tiền: Bước đầu tiên trong việc dạy trẻ tiêu tiền hợp lý là để trẻ phân biệt được sự khác biệt giữa "cần" và "muốn". Ví dụ, nếu trẻ muốn mua một món đồ, hãy để trẻ suy nghĩ: Mình nên mua cái gì đây? Sử dụng làm gì? Mình có thực sự cần món đồ đó hay không?...
Bên cạnh đó, bố mẹ có thể đưa cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt cố định hàng tháng hoặc hàng tuần và đặt ra nguyên tắc để trẻ sử dụng tiền phù hợp. Điều quan trọng nhất là xây dựng cho con cái quan điểm đúng đắn về tiền bạc.
Tags