Sắc màu áo da cam đã nhuộm vàng phố đi bộ Trần Nhân Tông, Hồ Thiền Quang trong ngày chủ nhật với hơn 2.000 vận động viên tham gia giải "Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực".
Đây là lần thứ ba giải chạy được tổ chức tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) thực hiện, với sự hỗ trợ từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Chính phủ Australia.
Chia sẻ thông điệp về giải chạy, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA, cho biét: Mỗi lần nắm tay một vận động viên trên đường chạy, bà thấy rất xúc động, hình ảnh mỗi người chạy bộ, di chuyển bằng xe lăn hay cổ vũ từ phía ngoài đều thể hiện tấm lòng và sự kết nối chung tay vì sự thay đổi.
Những người chạy lựa chọn giữa hai chặng với tên gọi chặng "Yêu Thương" (2,5km) và chặng "Đồng Hành" (5km), nêu bật sự đoàn kết và thông điệp chung về việc tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời phá vỡ sự im lặng để chấm dứt bạo lực.
Giải chạy cũng đề cao tính hòa nhập bằng cách khuyến khích và hỗ trợ sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm người khuyết tật, cộng đồng LGBTIQ+, trẻ em và thanh thiếu niên tham gia, tạo ra một cơ hội để tất cả mọi người cùng đoàn kết hướng tới một tương lai không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam.
Không chỉ dừng lại là một giải chạy thông thường, sự kiện còn hướng đến mục tiêu trở thành "Ngày hội của tình yêu và hạnh phúc", mang đến cơ hội tuyệt vời cho những người tham gia, nâng cao nhận thức, chia sẻ thông điệp tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái, và cùng nhau phá vỡ im lặng để chấm dứt bạo lực.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tham gia chạy và cho biết: "Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là vấn đề của một số ít người. Đây là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Trên toàn cầu, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người sẽ phải chịu bạo lực trong suốt cuộc đời; Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. 90% những người bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự giúp đỡ nào. Đó là lý do tại sao những sự kiện như thế này lại quan trọng đến vậy - để phá vỡ sự im lặng đó và lên tiếng: không thể dung thứ và khoan nhượng đối với bạo lực trên cơ sở giới".
Trên đường chạy xuất hiện nhiều vận động viên khuyết tật, các bạn bè quốc tế và đặc biệt công chúng Việt Nam từ già đến trẻ đều chung tinh thần thể thao và lan tỏa sự thay đổi vì một thế giới không có bạo lực.
Tags