100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện - 'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu

Chủ nhật, 27/04/2025 15:30 GMT+7

Google News

"Như mọi năm, sinh nhật bố, tôi lại lên mộ thắp hương, kể chuyện thời sự cùng ông. Tôi nói: Bố ạ, cả nước đang kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam. Chắc bố vui lắm, vì con nhớ bố nói được chứng kiến ngày đất nước sum họp là hạnh phúc lớn của đời mình" - nhà biên kịch Xuân Hồng, con gái tác giả Hoàng Luyện, kể.

1. Khá trùng hợp, cả ngày sinh và ngày mất của nhà viết kịch Hoàng Luyện đều gắn với tháng Tư lịch sử của Việt Nam (3/4/1925 - 28/4/2021). Và theo giới chuyên môn, ông cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của sân khấu suốt một giai đoạn lịch sử.

Quê Hưng Yên, Hoàng Luyện (tên thật Phạm Vũ La) tham gia Cách mạng ngay từ trước 1945. Kháng chiến bùng nổ, ông làm báo, làm công tác tuyên huấn rồi tham gia sáng tác để phục vụ yêu câu tuyên truyền của cách mạng. Từ những vở kịch ngắn, chèo ngắn phục vụ phong trào du kích vùng tả ngạn sông Hồng, năng lực sáng tác được khơi dậy ở Hoàng Luyện, giúp ông trưởng thành từ thực tế và trở thành một tác giả chuyên nghiệp.

100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện -  'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu - Ảnh 1.

Tác giả Hoàng Luyện thời trẻ (ảnh tư liệu gia đình)

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Hoàng Luyện về làm việc trong ngành văn hóa. Chính từ quãng thời gian này, một số kịch bản của ông đã được sáng tác và dàn dựng trên nhiều thể loại như Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Bà mẹ Sông Hồng, Nắng tháng Tám Kim Đồng, Vó ngựa săn mây…Trong đó, Bà mẹ Sông Hồng Nắng tháng Tám là 2 kịch bản nổi bật, góp phần giúp tác giả được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2017.

Cụ thể, Bà mẹ sông Hồng ra đời sau nhiều năm Hoàng Luyện hoạt động trong vùng tề phía bên kia sông Hồng. Ở đó, những trải nghiệm thực tế khi chứng kiến cảnh đấu tranh anh dũng, những hy sinh, mất mát, và những tấm gương kiên cường của các cơ sở cách mạng, đã hun đúc cảm hứng cho ông.

100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện -  'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu - Ảnh 2.

Tác giả Hoàng Luyện làm việc với các diễn viên đoàn cải lương Chuông vàng

Được đoàn cải lương Kim Phụng dàn dựng đầu thập niên 1960 , hình tượng người mẹ trong kịch bản - người vừa một lòng hướng về cách mạng vừa tìm cách cảm hóa đứa con trai đang lính cho Pháp - đã khiến nhiều khán giả xúc động nghẹn ngào. Để rồi, Bà mẹ sông Hồng đã giúp đoàn cải lương Kim Phụng nhận Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1962, và có tới 2000 suất diễn trong gần 20 năm kế tiếp.

Trong khi đó, Nắng tháng Tám kể về cuộc đấu tranh sống còn giữa công nhân và nhân dân vùng mỏ với bọn chủ mỏ và chính quyền thực dân vào những năm tiền khởi nghĩa. Vở được Đoàn Cải lương Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam) dàn dựng và biểu diễn liên tục suốt thập niên 1970, với một con số cũng rất ấn tượng: trên 500 đêm diễn.

2. Riêng trong giai đoạn từ thập niên 1960, tác giả Hoàng Luyện đã đi thực tế nhiều nơi và sáng tác hơn chục kịch bản gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc như Trên đồi vinh quang, Nàng tiên thuở ấy, Bài thơ bên núi Cánh Diều, Cánh buồm nâu…

100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện -  'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu - Ảnh 3.

Vợ chồng tác giả Hoàng Luyện (chụp năm 1988)

Nhân vật chính trong những kịch bản ấy đều là những gương mặt mang tính khái quát cao với những câu chuyện mang tính thời sự trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Họ là những chiến sĩ pháo binh ở Hàm Rồng, những nữ dân quân ở Ngư Thủy, những cô du kích ở Ninh Bình…Những tác phẩm ấy không chỉ kịp thời tiếp sức tinh thần cho chiến trường và hậu phương, mà còn trở thành tiếng nói mạnh mẽ của thời đại, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, ý chí chiến đấu và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.

"Sức khỏe bố không tốt vì từng bị địch bắt và tra tấn trong thời kháng chiến chống Pháp. Thế nhưng, ông vẫn lặn lội đi thực tế sáng tác và cặm cụi viết những kịch bản với tâm nguyện cổ vũ nhân dân, cổ vũ cộng đồng trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra ác liệt" - thạc sĩ, nhà biên kịch Xuân Hồng kể.

Chị nhớ lại: "Ngày 30/4/1975, khi miền Nam được giải phóng, tôi đang sơ tán ở quê ngoại. Buổi chiều hôm đó, bố tôi đạp xe từ Hà Nội về, vừa tới sân đã gọi lớn: Cả nhà ơi, miền Nam giải phóng rồi! Mọi người ùa ra, còn tôi thì mãi không quên được vẻ mặt rạng rỡ của bố. Ông cười tươi, ánh mắt long lanh. Rất hiếm khi, tôi thấy bố xúc động nhiều đến vậy".

Đáng nói, khi đất nước thống nhất, tác giả Hoàng Luyện lập tức có những chuyến công tác vào Nam. Trong những lần công tác ấy, ông có dịp làm việc, trò chuyện, và kết nối với rất nhiều tác giả, nghệ sĩ của các đoàn nghệ thuật từng hoạt động trước năm 1975.

100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện -  'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu - Ảnh 4.

Vở "Thiên duyên huyền tích", được Nhà hát Chèo Thái Bình dưng năm 2022 từ kịch bản của Hoàng Luyện

"Bố tôi luôn mang theo sự trân trọng, quý mến đối với đồng nghiệp miền Nam. Tôi từng có dịp đi cùng và thấy bố không bao giờ có sự áp đặt hay phân biệt khi trò chuyện với các nghệ sĩ hoặc tác giả trong đó" - nhà biên kịch Xuân Hồng kể. "Ông chia sẻ những câu chuyện đời thường về sân khấu phía Bắc, về kho tàng dân gian mà ông gắn bó từ nhỏ. Để rồi từ đó, điều ông muốn gửi gắm sâu xa hơn chính là bài học giản dị: Sự đoàn kết của cộng đồng với tinh thần trách nhiệm, với tình làng nghĩa xóm, sự sẻ chia và lòng bao dung, sẽ luôn tạo ra sức mạnh để đi tới ngày mai."

Tinh thần đó đã được thể hiện rõ trong Vó ngựa chân mây, một kịch bản mà Hoàng Luyện viết đầu thập niên 1980. Dựa trên truyền thuyết Thánh Gióng, vở kịch kể về những làng quê từng xung đột, chia rẽ, nhưng đã biết dẹp bỏ thù hận, hợp sức rèn ngựa sắt, cùng đứng lên cứu nước.

Cũng trong giai đoạn sau 1975, một số kịch bản của Hoàng Luyện tiếp tục được dựng trên sân khấu miền Nam, nhất là trong cải lương và kịch dân ca. Trong số ấy, Bà mẹ sông Hồng tiếp tục gây xúc động mạnh. Xem vở, những bà mẹ Nam Bộ, ngồi dưới sàn diễn lặng lẽ lau nước mắt. Họ nhận ra mình trong hình ảnh những bà mẹ miền Bắc: cùng chung những nỗi đau và mất mát, cùng chung niềm tin vào đất nước, cùng chung sự hi sinh để có được thống nhất, hòa bình…

100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện -  'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu - Ảnh 5.

Cảnh trong vở "Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm"

3. Tròn 24 năm trước, ngày 28/4/2001, nhà viết kịch Hoàng Luyện qua đời. Như lời kể từ gia đình, những ngày cuối đời, dù sức khỏe đã rất yếu, ông vẫn luôn đau đáu mong muốn được tiếp tục chứng kiến đất nước bước sang thế kỷ XXI, bước vào thời kỳ mới với những đổi thay lớn lao gắn liền với dòng chảy lịch sử dân tộc. Vì vậy, nguyện vọng cuối cùng của ông là mỗi năm, vào ngày sinh nhật, con gái Xuân Hồng lên mộ thắp hương, kể cho ông nghe những câu chuyện về sự phát triển của đất nước.

Để rồi, ít ngày trước, khi lên mộ bố thắp hương tròn ngày sinh nhật thứ 100, Xuân Hồng có dịp kể kể về những đổi thay mới đang diễn ra: Việc sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính trên toàn quốc và sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chị xúc động nhớ lại lời cha cách đây nửa thế kỷ rằng đất nước giờ không còn chia cắt Nam Bắc, rằng đồng bào hai miền sắp có dịp chia sẻ, giới thiệu với nhau về những trang sử oai hùng của cuộc kháng chiến qua nghệ thuật sân khấu.

100 năm sinh tác giả Hoàng Luyện -  'chứng nhân' quan trọng của lịch sử sân khấu - Ảnh 6.

2 vợ chông biên kịch Lê Thế Song và Xuân Hồng - những người nối nghiệp tác giả Hoàng Luyện

Trong cuộc đời mình, tác giả Hoàng Luyện từng được nhận kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Huân chương kháng chiến Hạng Ba năm 1961, Huân chương kháng chiến hạng nhì năm 1986… và đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được truy tặng năm 2017.

Nhưng, cũng không thể bỏ qua một "phần thưởng" đáng quý khác: Tình yêu sân khấu truyền thống mà Hoàng Luyện để lại vẫn được tiếp nối trọn vẹn từ con gái - thạc sĩ nghệ thuật, nhà biên kịch Xuân Hồng, và con rể ông - nhà viết kịch Lê Thế Song.

Ở đó, từ những băng cát xét cải lương miền Nam mà ông mang về sau năm 1975, tình yêu sân khấu đã thấm đẫm vào Xuân Hồng, dẫn lối chị đến với nghệ thuật, dù ban đầu khởi nghiệp ở lĩnh vực khác. Còn với Lê Thế Song, bên cạnh vị trí của một tác giả sân khấu truyền thống đang được biết tới, anh cũng chính là người đã chuyển thể, biên tập hai trong số các kịch bản còn lại của Hoàng Luyện - Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm Thiên duyên huyền tích (Cây gậy thần) - để dàn dựng tại các đơn vị nghệ thuật và tạo được tiếng vang lớn.

Như chia sẻ của Xuân Hồng, mong mỏi của vợ chồng chị là tiếp tục dàn dựng nốt những kịch bản mà nhà viết kịch Hoàng Luyện để lại, như cách nối dài tâm huyết một đời của người cha, người thầy…

Cúc Đường

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›