(Thethaovanhoa.vn) - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Edith Piaf, nữ ca sĩ huyền thoại được mệnh danh là “Chim sẻ nhỏ” của nước Pháp, các sự kiện tôn vinh bà bắt đầu được tổ chức ở Pháp từ cuối tuần qua và kéo dài đến dịp Năm mới, tại các địa điểm vừa bình dân vừa sang trọng, qua đó phản ánh quá trình sự nghiệp của bà, từ một ca sĩ đường phố trở thành ca sĩ nổi tiếng thế giới.
- Pháp triển lãm ảnh tôn vinh danh ca Edith Piaf nhân 100 năm ngày sinh
- Hòa nhạc tôn vinh huyền thoại Pháp Edith Piaf
- Huyền thoại Edith Piaf: Thư tình đắm say gửi “phi công trẻ”
Giọng ca của tầng lớp lao động Paris
Sau các cuộc tấn công khủng bố ở Pháp, các ca khúc mà Piaf từng trình diễn đã được các ca sĩ nổi tiếng như Madonna và Celine Dion thể hiện lại.
“Piaf biết bị tổn thương là như thế nào. Trong cuộc đời mình, bà đã phải khóc rất nhiều” - Christine Laume, em dâu của Piaf, cho hay. “Tôi tin rằng nếu còn sống, Piaf sẽ rất lấy làm tiếc với những gì đã xảy ra ở Pháp”.
Là người có vóc dáng thấp bé, song Piaf có giọng ca khỏe, vô cùng đặc trưng. Tiếng hát của bà đã trở thành giọng ca của tầng lớp lao động Paris và có biệt danh là “Chim sẻ nhỏ”.
Nhân kỷ niệm 100 năm sinh Piaf, hãng thu âm Parlophone đã phát hành Intgrale 2015, bộ đĩa “khủng” gồm 350 ca khúc của bà, trong đó có cả những bản thu âm hiếm có, các buổi luyện tập và cuộc phỏng vấn bà hồi năm 1962 cùng 7 màn trình diễn sống. Ca khúc trong 20 đĩa CD này là những nhạc phẩm từ nhiều đĩa than và băng cattsette đã được xử lý lại bằng kỹ thuật số.
“Giọng ca của Piaf khiến bà khác biệt hẳn các ca sĩ khác. Người ta cảm nhận được gì đó khi nghe bà hát. Bạn nghe và lập tức xúc động với giọng ca đầy mãnh lực, chứa nỗi đau đớn về tinh thần của bà” - Matthieu Moulin, người giám sát sản xuất bộ đĩa, nói. “Bà đã biến các ca khúc tầm thường thành những bi kịch đầy tính sử thi”.
Tên thật là Edith Giovanna Gassion, Piaf sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động ở Belleville, ngoại ô Paris. Bà được phát hiện khi đang hát trên đường phố cùng người cha nghiện rượu. Sau đó, Piaf lớn lên trong sự chăm sóc của những cô gái điếm trong nhà thổ của bà mình ở Normandy. Thời kỳ trưởng thành đầy cực nhọc đã giúp Piaf kết nối được với người dân thường.
Piaf nổi tiếng nhất với những ca khúc La Vie En Rose (Cuộc sống màu hồng), Milord, Non, Je Ne Regrette Rien, Padam, Padam và La Foule. Bà qua đời ngày 10/10/1963, ở tuổi 47, do mệt mỏi và mắc bệnh gan. Huyền thoại màn bạc Marlene Dietrich từng nhận định, giọng ca của Piaf là “linh hồn của Paris”.
“Piaf sống cùng các ca khúc của mình. Mỗi ca khúc giống như một câu chuyện bà kể cho mọi người” – Laume viết về Piaf trong cuốn The Last Love of Edith Piaf (Mối tình cuối cùng của Edith Piaf), xuất bản hồi năm 2013.
Các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Piaf còn được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, từ Nhà hát Opera Cairo (Ai Cập) tới triển lãm tại Thư viện Quốc gia Pháp. Ở New York có 2 sự kiện chính. Cụ thể, tại Metropolitan Room, nữ diễn viên kiêm ca sĩ Myriam Phiro sẽ trình bày nhiều ca khúc của Piaf. Và tại Tòa Thị chính, Elaine Paige chỉ huy một chương trình hòa nhạc với sự tham gia của 10 nghệ sĩ trình diễn và dàn nhạc American Pops.
Những người hâm mộ muốn tìm hiểu về cuộc đời bà kỹ hơn nữa có thể xem lại bộ phim La Vie En Rose, phát hành hồi năm 2007. Màn lột tả chân dung Piaf trong bộ phim này đã đem về cho minh tinh Pháp Marion Cotillard giải Oscar Nữ diễn viên xuất sắc nhất.
Khi yêu cuộc sống luôn màu hồng
Cuộc sống tình ái đầy bão tố của Piaf cũng thu hút sự quan tâm của công chúng chẳng kém gì âm nhạc của bà, đặc biệt là cuộc hôn nhân của bà với người chồng thứ 2, Theo Sarapo, người kém bà gần 20 tuổi và sống bên ca sĩ cho tới khi bà qua đời.
Laume, em gái của Sarapo, đã được mời tới sống cùng chị dâu và anh trai mình khi bà mới 20 tuổi. Trong cuốn The Last Love Of Edith Piaf, Laume đã chia sẻ những câu chuyện của họ khi ngồi uống trà vào ban đêm. Theo Laume, ca sĩ rất quan tâm tới mọi người.
“Piaf là người rất giản dị, song vô cùng thông minh và chu đáo. Ở bên người phải chịu nhiều đau khổ, song bạn không giúp được gì mà chỉ biết lắng nghe sự chia sẻ. Tôi dã làm như vậy” – Laume nói.
Các cuộc tấn công khủng bố ở Paris đêm 13/11 lại khiến nhiều người nhớ về Piaf. Trên kênh HBO, nghệ sĩ hài John Oliver đã đưa tên bà vào danh sách những gì tuyệt vời nhất của nền văn hóa Pháp, trong đó có cả các nhà văn Albert Camus và Marcel Proust.
“Phần ca từ của Piaf thường buồn, song luôn lóe lên những tia hy vọng và tương lai tương sáng hơn” – Moulin nói. “Các ca khúc tượng trưng cho cuộc đời bà, song cũng là cuộc đời của mọi người. Đó chính là lý do công chúng rất yêu thích các ca khúc của Piaf”.
Tại chương trình hòa nhạc ở Stockholm (Thụy Điển), “Nữ hoàng” pop Madonna đã tưởng nhớ những người thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố với ca khúc La Vie En Rose, trong khi tại lễ trao giải Âm nhạc Mỹ, nữ ca sĩ Canada Celine Dion trình bày L’Hymne A L’Amour, ca khúc kinh điển Pháp nổi tiếng nhờ giọng ca Piaf.
“Tên tuổi Piaf được nhắc đến trong những thời khắc đầy bi kịch như vậy chứng tỏ rằng bà vẫn là một ca sĩ Pháp quan trọng và lôi cuốn nhất mọi thời” – Moulin khẳng định. “Sức mạnh phi thường của bà sẽ luôn hấp dẫn mọi người, đó là điều chắc chắn. Piaf thật huyền diệu”.
Người chồng thứ 2 của Piaf, Sarapo qua đời do tai nạn ô tô 7 năm sau cái chết của ca sĩ. Laume hiện sống ở New Jersey và vẫn luôn nhớ tới anh trai, chị dâu mình. Bà cười khi nghe các ca khúc của Piaf, đặc biệt là La Vie En Rose.
“La Vie En Rose phản ánh chính con người Piaf. Khi yêu, Piaf thấy cuộc sống màu hồng” - Laume nói.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Tags